Đối diện khó khăn
PGS.TS Trương Minh Đức – Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học mới. Với sứ mệnh là cơ sở đào tạo giáo viên, đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường sư phạm sẽ phải thay đổi chương trình đào tạo của mình. “Chúng tôi đã chủ động xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, PGS Trương Minh Đức khẳng định.
Theo đó, nhà trường thành lập các nhóm xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực. Năm 2015, nhà trường ban hành chương trình đào tạo mới, hướng đến phát triển năng lực người học và áp dụng cho khoá tuyển sinh năm 2015. Đến năm 2018, sau nhiều lần rà soát, cập nhật, nhà trường đã điều chỉnh chuẩn đầu ra và cập nhật chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng trong năm này, nhà trường triển khai xây dựng chương trình đào tạo các ngành mới như: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Sư phạm Công nghệ... theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Các ngành này được tuyển sinh từ năm 2019.
Theo PGS Trương Minh Đức, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có 27 chương trình đang triển khai đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp năm 2019 là khoá đầu tiên nhà trường cung cấp cho xã hội đội ngũ giáo viên tương lai, đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà các cơ sở đào tạo giáo viên trên nói chung và ở Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) nói riêng đang gặp phải là thu hút sinh viên.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trao đổi: Nhu cầu đào tạo giáo viên còn thiếu và nhu cầu nâng chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 so với chỉ tiêu đào tạo giáo viên được giao hàng năm của nhà trường (chỉ tính riêng cho TP Hà Nội) chưa tương xứng. Về chương trình đào tạo, có một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… Tuy nhiên, nhu cầu người học lựa chọn ngành này còn hạn chế. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới việc đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng theo PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội không được xếp vào nhóm các trường sư phạm (thuộc Dự án ETEP) nên ít có cơ hội tiếp cận trực tiếp với chương trình mới trên bình diện rộng và liên tục. Mặt khác, dù có nhiều giảng viên của trường tham gia vào biên soạn sách giáo khoa và cùng các chuyên gia giáo dục của cả nước bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên phổ thông về đổi mới chương trình; tuy nhiên họ đều tham gia với tư cách cá nhân.
Chủ động “nhập cuộc”
PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết: Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã chủ động, tích cực “nhập cuộc” vào quá trình đổi mới; trong đó có việc rà soát, điều chỉnh, chương trình đào tạo giáo viên. Cụ thể: Năm 2019 đánh dấu nhiều hội thảo, nghiên cứu về đổi mới chương trình đào tạo của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Lấy tư tưởng khai phóng để xây dựng chương trình liên ngành, tạo nền tảng kiến thức rộng cho người học, song song với việc đào tạo chuyên sâu vào một lĩnh vực ngành nghề. Chương trình tạo điều kiện cho người học có thể học song ngành và những sinh viên có năng lực học tập tốt có thể tốt nghiệp sớm.
Ý tưởng đó dần được hiện thực hoá vào chương trình đào tạo của năm học 2020 - 2021 và những năm học tới. Nhà trường thực hiện rà soát các học phần hiện hành, nhằm điều chỉnh, cập nhật những vấn đề mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào từng đề cương chi tiết của học phần. Nhất là học phần về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
“Chương trình thực hành nghề nghiệp được đổi mới, giúp đội ngũ giảng viên, sinh viên cập nhật và thực hành quá trình đổi mới tại các trường phổ thông. Theo đó, sinh viên được thực hành, thực tập tại trường phổ thông 7/8 học kỳ” - PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.
Lãnh đạo Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã chủ động đổi mới phương pháp đào tạo, lấy định hướng nghề nghiệp ứng dụng để tổ chức đào tạo giáo viên, qua đó phát triển năng lực của sinh viên. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua chú trọng đánh giá quá trình, năng lực thực hiện. Mặt khác, phối hợp với các trường phổ thông đánh giá năng lực thực hành nghề nghiệp của sinh viên. Cùng với đó, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thực hành, phòng nghiệp vụ sư phạm, phương tiện phục vụ đổi mới phương pháp dạy học…
Đứng ở phía đội ngũ giáo viên, GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Bất kỳ đổi mới nào cũng phải vượt qua những thách thức và khó khăn; phải xem đó là quy luật tự nhiên. Khi đã là quy luật tự nhiên, mọi người phải phấn đấu nhưng không nên đặt vào trạng thái bị áp lực về tâm lý. Muốn vậy, trước hết giáo viên phải tạo điều kiện để tự chủ về chuyên môn, không bị đè nặng những áp lực về quản lý hành chính.
“Tự chủ sáng tạo là kinh nghiệm thành công của Phần Lan. Giáo viên phải được tạo điều kiện để có môi trường phát triển nghề nghiệp trong tập thể sư phạm nhà trường. Đương nhiên cũng cần có động viên về tinh thần, vật chất. Kinh nghiệm các nước thành công trong giáo dục là mọi ưu tiên được dành cho giáo viên” - GS Đinh Quang Báo đặt vấn đề.