Nhận diện năng lực trong Chương trình GD phổ thông mới

GD&TĐ -Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông, các tác giả Việt Nam đã tìm cách nhận diện năng lực và xác định cấu trúc của năng lực phục vụ cho việc xây dựng CT GDPT mới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhận diện năng lực

Từ các nghiên cứu này, có thể thấy rằng, năng lực bộc lộ qua hoạt động và được đánh giá bằng hiệu quả của hoạt động. Đặc trưng này cung cấp cho ta tiêu chí nhận diện năng lực.

Vì mỗi hoạt động (bao giờ cũng có mục đích) có thể được phân giải thành các thành hành vi (không có mục đích riêng) nên năng lực sẽ được đánh giá qua các hành vi đó.

Có thể phân giải cấu trúc của năng lực thành: các hợp phần (componets of competency), các chỉ số hành vi (behavioral indicator) và đánh giá mức độ thuần thục của các hành vi này bằng tiêu chí chất lượng (quality criteria).

Dựa vào những kết quả nghiên cứu nói trên, CT GDPT tổng thể giải thích khái niệm năng lực như sau: “Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.”

Từ định nghĩa này, có thể rút ra những đặc điểm chính của năng lực là:

Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện của người học;

Năng lực là kết quả huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,...

Năng lực được hình thành, phát triển thông qua hoạt động và thể hiện ở sự thành công trong hoạt động thực tiễn.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Yêu cầu cần đạt về năng lực

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết CT GDPT mới hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau: Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và HĐGD: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và HĐGD nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, CT GDPT còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của HS.

Căn cứ để xác định các năng lực cốt lõi trong CT GDPT mới là CT GDPT của một số nước phát triển và một số tài liệu giáo dục của các tổ chức quốc tế.

Tài liệu của OECD đưa ra 3 nhóm năng lực cốt lõi là: Sử dụng có tính tương tác các phương tiện thông tin và công cụ, bao gồm: khả năng sử dụng tương tác ngôn ngữ, kí hiệu và văn bản; khả năng sử dụng tương tác tri thức và thông tin; khả năng sử dụng tương tác các công nghệ;

Tương tác trong các nhóm không đồng nhất, bao gồm: Khả năng duy trì các mối quan hệ tốt với những người khác; khả năng hợp tác; khả năng giải quyết các xung đột; khả năng hành động tự chủ, bao gồm: khả năng hành động trong các nhóm phức hợp; khả năng tổ chức và thực hiện các kế hoạch về cuộc sống và dự án cá nhân; khả năng nhận thức các quyền, lợi ích, giới hạn và nhu cầu cá nhân.

Đây là những năng lực chung mà tất cả các môn học và HĐGD đều cần và có thể hình thành, phát triển ở học sinh. Dựa vào bản chất của các nhóm năng lực này, CT GDPT Việt Nam đã đặt lại tên và thay đổi vị trí sắp xếp các năng lực cho phù hợp với quan niệm truyền thống: năng lực Tự chủ và tự học (năng lực thể hiện trong quan hệ với bản thân), năng lực Giao tiếp và hợp tác (năng lực thể hiện trong quan hệ với người khác), năng lực Giải quyết vấn đề và sáng tạo (năng lực thể hiện trong quan hệ với công việc),

Tài liệu của EU đưa ra 8 năng lực cốt lõi: Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ; Giao tiếp bằng tiếng nước ngoài; Năng lực toán học và năng lực trong khoa học tự nhiên và công nghệ; Năng lực kĩ thuật số;

Năng lực học tập (học cách học); Năng lực xã hội và công dân; Sáng kiến và tinh thần kinh doanh; Ý thức văn hoá và khả năng biểu đạt văn hoá.

EU đưa ra những năng lực này để xác định các lĩnh vực giáo dục và căn cứ đánh giá kết quả giáo dục. Đây là những năng lực chuyên môn, mỗi năng lực gắn với một số môn học và HĐGD nhất định.

Tài liệu của WEF đưa ra 3 nhóm kĩ năng (Skills) của thế kỷ 21 là: Học vấn nền tảng (Foundatinal Literacies), bao gồm: học vấn nền tảng về đọc viết, học vấn nền tảng về tính toán, học vấn nền tảng về khoa học, học vấn nền tảng về công nghệ thông tin, học vấn nền tảng về tài chính, văn hoá nền tảng về công dân và xã hội;

Năng lực (Competencies), bao gồm: tư duy phản biện/giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác; Phẩm chất (Character Qualities), bao gồm: ham tìm hiểu, sáng kiến, kiên trì/dũng cảm, ứng dụng, lãnh đạo, hiểu biết về xã hội và văn hoá.

Tóm lại, có thể thấy 3 năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn mà CT GDPT mới của Việt Nam nêu ra về cơ bản phù hợp với quan niệm và danh sách các năng lực cốt lõi được xác định trong các tài liệu đã dẫn của OECD, EU và WEF.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ