Nhân bản vô tính: Cơ hội để “giống lợn ta” thoát tuyệt chủng

GD&TĐ - Lợn ỉ là giống vật nuôi bản địa đặc hữu của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn nguồn gene quý hiếm, các nhà khoa học Viện Chăn nuôi đã thực hiện thành công việc nhân giống vô tính loài lợn này.

Chú lợn ỉ được nhân bản vô tính thành công.
Chú lợn ỉ được nhân bản vô tính thành công.

Tạo ra lợn ỉ từ tế bào mô tai lợn

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nghiên cứu thành công và làm chủ công nghệ nhân bản lợn ỉ từ tế bào soma mô tai (trưởng thành). Ngày 10/3, 4 chú lợn con đã chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt từ công nghệ này.

Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma”. Nó thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.

Theo TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, các nhà khoa học đã nhân bản động vật với quy trình tạo dòng “tế bào cho” từ mô tai lợn ỉ... Quy trình cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản với tỷ lệ tạo phôi nang lợn ỉ nhân bản đạt cao...

Công nghệ được lựa chọn là tạo tế bào trứng nhận không có màng sáng (zona pellucida). Ưu điểm của phương pháp này dễ thao tác khi cấy chuyển nhân “tế bào cho”, tạo được nhiều phôi trong thời gian ngắn.

Mặt khác, việc cấy chuyển phôi lợn 5 - 6 ngày tuổi đã nâng cao tỷ lệ thụ thai từ 24% (ở mức trung bình trên thế giới) lên 61%.

Tại Việt Nam, giống lợn ỉ gần như bị tuyệt chủng. Trong tập bản đồ các giống vật nuôi ở Việt Nam do Bộ NN&PTNT phát hành từ những năm 1990, lợn ỉ được xếp vào loài đã bị tuyệt chủng. Công nghệ áp dụng không phải là mới nhưng đòi hỏi rất cao về những thao tác, kỹ năng làm việc rất khó, ngay cả các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong điều kiện trang thiết bị còn rất hạn chế nhưng nhóm nghiên cứu đã vừa sáng tạo, vừa kiên trì tận dụng tốt những thành tựu của thời đại biến thành kết quả của Việt Nam.

Với thành tựu vừa đạt được, Bộ trưởng yêu cầu Viện Chăn nuôi rà soát lại toàn bộ quy trình để bảo đảm sự chắc chắn của kết quả, củng cố thành quả đạt được. Tiếp tục triển khai phương pháp này để giữ gìn, bảo tồn những giống vật nuôi bản địa đặc biệt cũng như mở ra hướng phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản khác.

“Lợn Tây” tận diệt gen nội thuần chủng

TS Võ Văn Sự, nguyên Trưởng khoa Động vật quý hiếm – Viện Chăn nuôi, người nhiều năm trăn trở “cứu” lợn ỉ trước “họa” tuyệt chủng. Ông cho biết, lợn ỉ mang hình thái đặc trưng da đen bóng, mặt nhăn, mắt híp, nọng cổ và má chảy sệ, chân thấp, mõm ngắn, bụng sệ quét đất.

Lợn nái thường đi chữ bát, mỗi năm chỉ đẻ 2 lứa, mỗi lứa cho 8 - 11 con. Lợn sơ sinh có khối lượng rất thấp, chỉ 0,4 kg/con. Nuôi 1 năm tuổi, lợn mới đạt trọng lượng 36 - 45 kg/con, 3 năm tuổi đạt 50 - 75 kg/con.

Tỷ lệ mỡ ở dòng ỉ mỡ lên tới 48% so với thịt xẻ; Ỉ gộc có tỷ lệ mỡ 42%. Tuy vậy, mỡ lợn ỉ có cấu trúc chủ yếu là acid béo không no, tương tự như dầu ăn thực vật, không làm tăng hàm lượng cholesteron trong máu.

Năm 1969 điều tra số lượng vật nuôi cho thấy cả nước còn 2 triệu con lợn ỉ. Đến năm 1990 thì giống lợn ỉ gần như tuyệt chủng. Lý giải nguyên nhân đẩy lợn ỉ xuống “vực thẳm”, theo ông Sự vì giống lợn này quá chậm lớn. Nuôi cả năm cũng chưa được nổi 50 kg, nên không tranh chấp nổi với các giống lợn “Tây” nuôi 4 tháng đã đạt 80 kg.

Những năm 1980, khi ngành chăn nuôi nước ta hô hào phong trào “lai kinh tế”, dùng lợn Đại Bạch của Liên Xô phối giống với lợn ỉ tạo con lai F1 cho ưu thế lai. Chương trình ngoại hóa đàn lợn thành công tới mức “tận diệt” nguồn gen nội thuần chủng.

Từ năm 1985, thế giới đã bắt đầu hướng tới việc bảo tồn những giống vật nuôi truyền thống. Những chủng giống vật nuôi nào mà số lượng giảm xuống dưới 1.000 con thì phải được bảo tồn. Chương trình bảo tồn vật nuôi của Việt Nam được thực hiện muộn hơn.

Mãi tới năm 1992, nước ta mới bắt đầu công bố đa dạng sinh học, thống kê các giống vật nuôi và triển khai đề án “Bảo tồn nguồn gene vật nuôi quốc gia”. Vào thời điểm đó, các nhà khảo sát đều không tìm thấy lợn ỉ thuần chủng.

Theo các chuyên gia, việc nhân bản vô tính lợn ỉ mở ra một chương mới trong việc bảo tồn các loài vật nuôi bản địa có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay. Việc bảo tồn nguồn gene này cực kỳ quan trọng trong phát triển nông nghiệp – chăn nuôi trong tương lai.

Nhân bản hay nhân bản vô tính ở động vật là các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản gốc mà không phụ thuộc vào quá trình thụ tinh. Năm 1979, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những con chuột giống hệt nhau về mặt di truyền đầu tiên bằng cách tách phôi chuột trong ống nghiệm.

Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những con bò, cừu và gà giống hệt nhau về mặt di truyền bằng cách chuyển nhân của một tế bào lấy từ phôi thai ban đầu vào một quả trứng đã được loại bỏ nhân của nó.

Đến năm 1996, sau 276 lần thử nghiệm, các nhà khoa học Scotland đã thành công trong việc nhân bản vô tính trên động vật có vú đầu tiên (nhân bản từ một tế bào soma lấy từ một động vật trưởng thành bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma) để tạo ra được con cừu Dolly.

Hai năm sau, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã nhân bản 8 con bê từ một con bò duy nhất. Đến nay, đã có trên 20 loài động vật khác nhau đã được nhân bản như: Cừu, mèo, hươu, nai, chó, trâu, lợn, ngựa, la, bò, thỏ và chuột… với số lượng ngày càng nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ