Nữ giảng viên mang “điều ước” đến trò nghèo vùng cao

GD&TĐ - Không chỉ tích cực tư vấn kinh nghiệm thi học sinh giỏi, gần 10 năm qua, cô Cao Thị Hoàn (GV Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội) còn tham gia nhiều chuyến thiện nguyện đến các trường học khó khăn ở vùng cao...

Cao Thị Hoàn (GV Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội).
Cao Thị Hoàn (GV Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội).

“Mang” mái trường lên vùng cao

Ngày 5/9 vừa qua có lẽ là một trong những ngày đẹp nhất của các bạn học sinh ở Bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vì các em được tham dự Lễ khai giảng tại “ngôi nhà mới” khang trang, đẹp đẽ hơn.

Trong một lần xem chương trình “Điều ước thứ 7” trên ti vi, cô Cao Thị Hoàn thực sự bị lay động bởi những mong ước về mái nhà bớt thủng để lớp học không còn lênh láng nước, mong ước có bút vở để làm thêm nhiều bài tập… của các bạn học trò nghèo ở vùng cao.

Do đó, cô Hoàn quyết định phải làm gì đó để hỗ trợ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên Tổ quốc.

Những đoạn phim trong chương trình ngày hôm ấy đã thôi thúc cô cùng một số người bạn chung tay kêu gọi các mạnh thường quân kinh phí xây dựng điểm trường Bản Có mới vào năm 2021.

Cô Hoàn tâm sự: “Học trò trên miền ngược thiệt thòi rất nhiều so với học sinh dưới thủ đô, nếu các em không thể theo học được “con chữ”, tương lai sẽ mờ mịt hơn rất nhiều. Còn rất nhiều học sinh khó khăn cần giúp đỡ, nhưng các bạn ở đó gian khó hơn nên mình quyết định kêu gọi ưu tiên trước”.

Điểm trường Mầm non bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) được cô Cao Thị Hoàn kêu gọi nhà hảo tâm cùng xây dựng.
Điểm trường Mầm non bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) được cô Cao Thị Hoàn kêu gọi nhà hảo tâm cùng xây dựng. 

Để thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đã đề ra, cô Cao Thị Hoàn cùng một số người bạn đã tổ chức bán hàng online và thu lợi nhuận xây dựng trường trên nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh.

Đây là nhóm do cô Hoàn và một số người bạn lập ra để hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, chọn lớp cho các phụ huynh, học sinh khi các em chuẩn bị bước vào lớp 10. Sau đó, cô Hoàn đã chia sẻ ý nguyện xây dựng chương trình thiện nguyện hỗ trợ học sinh khó khăn trên nhóm. Không bất ngờ, tất cả các thành viên của nhóm từ các bạn học sinh đến phụ huynh, thầy cô giáo cùng hưởng ứng.

Với trên 110.000 thành viên, số tiền hơn 200 triệu để ủng hộ xây trường Bản Có đã được ủng hộ vào cuối tháng 8/2021. Đến nay, trên 50 bạn học sinh tại điểm trường Bản Có đã có thể học trong ngôi trường 2 phòng học, có bếp ăn, sân chơi bê tông cùng nhà vệ sinh sạch sẽ.

Cô Lê Thị Dần, Hiệu trưởng trường Mầm non Bản Có, bày tỏ, từ khi ngôi trường được tài trợ xây dựng mới, từ ban lãnh đạo nhà trường đến các giáo viên, học sinh, phụ huynh đều rất phấn khởi, vui mừng.

“Từ nay, việc dạy và học của trường đã thuận lợi và đảm bảo hơn nhiều. Học sinh có thể đi học gần nhà hơn, tránh phải vượt qua quãng đường dài đầy hiểm nguy như trước…”, cô Dần nói.

Đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch

Đầu năm 2019, khi dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến nước ta, cô và những người quản trị viên của nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi Học sinh giỏi Tiếng Anh đã tổ chức thành công buổi hòa nhạc online để kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ tiền và thiết bị y tế cho các địa phương, các bệnh viện để phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh tại điểm trường Mầm non bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) (Ảnh tư liệu).
Học sinh tại điểm trường Mầm non bản Có, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã (Sơn La) (Ảnh tư liệu).

Qua 2 buổi kêu gọi, tổng số tiền mọi người ủng hộ là gần 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đó đã được dùng để mua sắm trang thiết bị y tế như khẩu trang N95, găng tay y tế… gửi đến 10 bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Theo cô Hoàn, nhóm sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình nhằm chia sẻ nhiều hơn tới trẻ em vùng dân tộc thiểu số, xây dựng điểm trường, thư viện cũng như tài trợ vật dụng thiết yếu giúp các bạn yên tâm đến trường.

Bên cạnh công tác thiện nguyện, cô Cao Thị Hoàn cũng là một người vợ trong gia đình, người mẹ của hai con. Vì vậy, cô thấu hiểu khó khăn của phụ huynh khi tiếp cận nguồn thông tin chính xác, kịp thời cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn.

Cô Hoàn cho rằng, con trẻ cần được đồng hành và thấu hiểu trong quá trình lớn lên. Nuôi dưỡng trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cần nhận ra khả năng của con, không đưa con ra so sánh với bạn khác mà hãy cho con những định hướng phù hợp.

Theo cô, học sinh giỏi hay học sinh bình thường đều cần chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ từ phía thầy cô, cha mẹ, có thể là trong việc học hay vui chơi và phải làm từ nhỏ như việc xây nhà từ móng.

“Nếu chưa đủ thấu hiểu con mình mà định hướng, quyết định trong việc học của con sẽ rất dễ tạo lên sự thất bại. Qua một vài lần như vậy, con sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý rất mạnh.

Ngày nghỉ, cha mẹ nên phân công hoặc cả hai dành toàn bộ thời gian cho các con. Nếu quá bận vì đi công tác, phụ huynh nên gọi video call để duy trì sự gần gũi với con cái. Đây chính là cơ hội để tâm sự, chia sẻ với con mình. Cùng với đó, việc đi cùng với con sẽ có cơ hội tìm hiểu, trò chuyện với con nhiều hơn”, cô Hoàn bộc bạch.

Cô Cao Thị Hoàn (SN: 1980, dân tộc Tày), tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 2 năm làm chuyên gia tư vấn tâm lý, cô được mời về làm giảng viên tại khoa Lý luận Chính trị của trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội.

Chia sẻ với báo GD&TĐ, ông Trần Trọng Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, cô Hoàn là giáo viên nhiệt tình, năng nổ trong dạy học cũng như các phong trào thể dục thể thao, sáng tạo của nhà trường.

"Qua nhiều năm công tác, cô Cao Thị Hoàn cũng đã đạt được nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở…", ông Đạt nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.