Tờ báo Mỹ “Bưu điện New York” (New York Post - NYP) có bài viết tiết lộ kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Ukraine là chính quyền Kiev phải thừa nhận mất quyền kiểm soát hơn 20% lãnh thổ, nhưng không cần phải công khai thừa nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ đó.
Ngoài ra, bản kế hoạch của Trump cũng đưa ra 2 phương án khác nhau cho sự ra đời của lực lượng gìn giữ hòa bình, giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Theo NYP, kế hoạch mới của Tổng thống Hoa Kỳ nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine, dự kiến sẽ được công bố trong ba ngày tới.
Ấn phẩm Mỹ trích dẫn chi tiết quan trọng nhất trong kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng bao gồm việc chính quyền của ông Zelensky công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với 20% lãnh thổ của nước này, có thể là tất cả các vùng Donetsk Lugansk, Kherson, Zaporizhia và bán đảo Crimea (4 vùng trên đã được Moscow tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi tháng 9/2022).
Ngoài ra, bản kế hoạch còn nêu trình tự ưu tiên triển khai một “lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu” trên lãnh thổ do phía Kiev kiểm soát.
Theo ấn phẩm này, ông Trump sẽ không yêu cầu Ukraine phải công khai công nhận hợp pháp việc mất lãnh thổ vào tay Nga, mở đường cho việc Kiev sau này có thể đòi lại các vùng lãnh thổ này, bằng bất cứ biện pháp nào mà họ có thể sử dụng được.
New York Post cho biết, trong khi các điều khoản vẫn chưa được hoàn thiện vì Kiev và Moscow đang thảo luận kế hoạch nội bộ, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết, kế hoạch này có thể bao gồm việc triển khai quân đội châu Âu tới Ukraine, nếu lệnh ngừng bắn được đạt được.
Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cũng thừa nhận rằng, ngay cả ông Trump cũng chưa hiểu nội hàm của cái gọi là “sứ mệnh gìn giữ hòa bình” của châu Âu, mà trong kế hoạch của ông được gọi là “lực lượng ngăn chặn” [hoạt động tiếp tục gây chiến của Nga?], sẽ là như thế nào.
Điều đó có nghĩa là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng không hiểu rõ về cơ cấu đóng góp lực lượng, chức năng hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu và những biện pháp nào lực lượng này có thể áp dụng đối với Quân đội Nga, nếu một khi Moscow phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Trên thực tế, Nga cũng đã không dưới 1 lần khẳng định không chấp nhận việc hình thành một lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây ở Ukraine.
Một phương án khác (có thể được Nga chấp nhận) cũng đang được xem xét là thành lập một lực lượng riêng để giám sát lệnh ngừng bắn, có định dạng giống như một “Ủy ban hỗn hợp” bao gồm quan chức của cả hai bên tham chiến là Nga, Ukraine và một quốc gia thứ ba không phải là thành viên của NATO.
Theo báo cáo rò rỉ, ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi toàn bộ tiền tuyến để đảm bảo cả hai bên đều hạ vũ khí.
Đồng thời, Hoa Kỳ cũng không loại trừ khả năng tham gia vào việc đảm bảo tuân thủ chế độ ngừng bắn, nhưng không phải là bằng sức mạnh quân sự hay cử quân nhân sang Ukraine giám sát, mà là sự đóng góp về tài chính.
Đồng thời, có khả năng rất cao là có một bên thứ ba có quan điểm trung lập về cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời không phải là thành viên của NATO, cũng sẽ tham gia vào quá trình này.
Tuy nhiên, danh tính của quốc gia này hiện vẫn chưa xác định được chính xác và hiện nay cũng không có nhiều nước có đủ điều kiện và uy tín để trở thành bên giám sát quá trình ngừng bắn ở Ukraine, đảm bảo cho tiến trình hòa bình ở đất nước này đi đúng lộ trình và đạt được mục đích cuối cùng.