Nghĩ về cách đặt tên xã, phường

GD&TĐ - Dư luận rộ lên về cách đặt tên mới cho xã/phường khi đơn vị hành chính cấp huyện giải thể và sáp nhập nhiều xã/phường với nhau.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đa số đều không đồng tình với cách đặt tên (dự thảo) của một số địa phương là lấy tên huyện/quận đặt tên cho xã/phường rồi kèm số phía sau. Nhiều ý kiến cho rằng, đặt tên kèm số như thế phản ảnh sự lười biếng trong suy nghĩ của người soạn ra dự thảo.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng hết sức lưu ý với chính quyền Hà Nội về cách đặt tên cho xã/phường. Ông dẫn chứng cách đặt tên phường/xã ở TPHCM là rất đáng để học tập. Theo đó, hầu như những tên gọi cũ như Bến Nghé, Vân Đồn, Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Sơn Nhất… đều được lấy đặt tên cho xã/phường mới.

Trong quá trình mở cõi về phương Nam, cha ông ta rất có ý thức khi đặt tên cho vùng đất mới. Một là lấy tên làng, tên xã cũ của mình để đặt tên cho vùng đất vừa mới khai phá - một cách để nhắc cho con cháu không được quên gốc gác của mình; hoặc là gửi gắm vào địa danh ấy một khát vọng của cha ông.

Chẳng hạn như Quảng Nam được vua Lê Thánh Tông đặt tên từ năm 1471, lúc nhà vua thân chinh cùng quân sĩ chinh phục vùng đất mới. Vì vậy, Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phương Nam”, từ Đà Nẵng cho đến tận núi Thạch Bi của Phú Yên bây giờ. Hoặc địa danh Vạn Tường gần Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay là dựa vào lời chúc phúc của quân sĩ dành cho vị minh quân của mình trước khi tiến quân vào Đồ Bàn (Bình Định ngày nay).

Trước ba quân, vua Lê dõng dạc: “Thiên giáng vạn tường, chúc chư đô toàn thắng!”. Tướng sĩ hô vang: “Vạn tường! Vạn tường! Vạn tường!” (có nghĩa như vạn tuế - muôn năm). Lời chúc ấy của quân sĩ đã thành tên gọi cho một vùng đất mới. Cũng cần nhắc lại điều này, Vạn Tường - nơi đầu tiên bộ đội chủ lực quân giải phóng đánh trực diện với quân đội Mỹ gồm hải lục không quân từ Chu Lai đổ bộ vào - tháng 8/1965.

Huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã “khai quật” tên Vạn Tường để đặt tên cho một xã mới sau khi sáp nhập. Đặt tên xã Vạn Tường vẫn hay hơn là xã Bình Sơn (tên huyện cũ) kèm với số 1, 2, 3… Hoặc như địa danh Sa Huỳnh - nơi có di chỉ khảo cổ học từ 3.000 năm trước sẽ được khôi phục lại để đặt tên cho một phường mới.

Thời điểm này, người dân ở các khu phố hoặc thôn trên cả nước được “lấy ý kiến” về việc sáp nhập tỉnh và cách đặt tên xã/phường mới (dự thảo) có phù hợp hay cần bổ sung gì không. Tỉnh sẽ tập hợp tất cả ý kiến góp ý của dân trước khi đặt tên mới cho tỉnh/xã/phường.

Đây là đợt khảo sát một cách cầu thị chứ không phải “chiếu lệ” như nhiều người nghĩ. Bằng chứng là tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi đến tất cả các địa phương trong tỉnh với nội dung là xóa tên huyện kèm số để đặt tên xã mới như dự thảo mà phải đặt tên theo các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII. Ảnh: Lê Nam

Tháo 'điểm nghẽn' khởi nghiệp

GD&TĐ - Khát vọng khởi nghiệp trong sinh viên chưa bao giờ thiếu, nhưng hành trình hiện thực hóa ý tưởng còn nhiều điểm nghẽn...