Hôm 21 tháng 4, Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), cơ quan đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, công bố hình ảnh máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman tham gia chiến dịch đối phó nhóm dân quân Houthi ở Yemen.
Hình ảnh cho thấy, chiếc EA-18G mang theo 4 tên lửa chống radar AGM-88, chưa rõ là mẫu AGM-88 HARM đời cũ hay AGM-88E AARGM hiện đại, cùng hai tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và 3 thùng dầu phụ.
Chuyên gia Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone cho hay: "Đây là cấu hình vũ khí hiếm gặp. Các máy bay EA-18G thường xuất kích với 2 tên lửa diệt radar dòng AGM-88, ba tổ hợp tác chiến điện tử AN/ALQ-99 và hai thùng dầu phụ".
Bộ tư lệnh Mỹ không giải thích lý do chiếc EA-18G mang cùng lúc 4 tên lửa diệt radar, nhưng Thomas Newdick cho rằng lưới phòng không và các hệ thống tên lửa chống hạm của Houthi vẫn là vấn đề khó giải quyết với lực lượng Mỹ, buộc họ triển khai những phương án khác thường để đối phó.
Tên lửa AGM-88 HARM được thiết kế để bám theo chùm sóng bức xạ từ các đài radar mặt đất, bắt đầu biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1985. Mỗi quả đạn AGM-88 nguyên bản có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h.
Phiên bản AGM-88E AARGM đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện từ tháng 9/2014, được nâng cấp chủ yếu về đầu dò và hệ thống dẫn đường, trong khi vẫn dùng khung thân, động cơ và đầu nổ cũ. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 130 km và giá xuất xưởng 870.000 USD.
Phiên bản này trang bị đầu dò thụ động đời mới, hệ thống định vị quán tính và vệ tinh, cùng radar bước sóng mm để tăng độ chính xác. Radar của AGM-88E có thể dựa vào tín hiệu phản xạ để chụp ảnh mục tiêu chỉ vài giây trước khi va chạm và truyền về máy bay qua đường truyền vệ tinh, hỗ trợ quá trình xác thực kết quả đòn đánh.
Những cải tiến giúp AGM-88E phát hiện, bám bắt đài radar đang phát sóng và đánh trúng mục tiêu ngay cả khi nó ngừng hoạt động giữa chừng.
Ngoài ra, AGM-88E còn có thể đóng vai trò vũ khí đối đất với những mục tiêu có độ tương phản radar cao so với địa hình xung quanh.
Trong trường hợp này, tổ lái sẽ nhập tọa độ mục tiêu hoặc khoanh vùng nghi vấn rồi khai hỏa. Quả đạn dùng hệ thống định vị quán tính và vệ tinh để bay tới tọa độ nạp sẵn, sau đó kích hoạt đầu dò radar chủ động để khóa mục tiêu và tấn công.
Năng lực này từng được chứng minh trong vụ tập kích cuối tháng 2 năm 2024, khi máy bay tác chiến điện tử EA-18G Mỹ phóng tên lửa AGM-88E phá hủy trực thăng Mi-24 của Houthi ở bãi đỗ.
"Câu hỏi lớn nhất hiện nay là lực lượng Mỹ đang nhắm đến mục tiêu nào của Houthi, khi phải sử dụng một trong những loại tên lửa chống radar hiện đại nhất biên chế", học giả Newdick cho biết.
Hiện nay, Houthi được cho là đang sở hữu loạt tổ hợp phòng không và radar cảnh giới, được đánh giá là mối đe dọa lớn đối với máy bay Mỹ. Houthi đã bắn hạ trên dưới 20 chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ, mỗi chiếc có giá xuất xưởng 30 triệu USD, kể từ khi phát động chiến dịch Biển Đỏ hồi tháng 10 năm 2023.
Mức độ đe dọa của phòng không Houthi còn thể hiện khi Mỹ phải huy động nhiều loại vũ khí đắt tiền trong chiến dịch không kích, cũng như điều oanh tạc cơ tàng hình B-2 tham gia tấn công.
"Hình ảnh chiếc EA-18G với cấu hình chiến đấu đặc biệt là dấu hiệu mới nhất cho thấy phòng không của Houthi tiên tiến và bền bỉ hơn nhiều người tưởng tượng. Đó vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng mà Mỹ đang tìm cách loại bỏ", Newdick nhận định.