17 giờ 40 phút ngày 7/6, nhạc sĩ Trần Quang Lộc trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng số 179 Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bạn bè văn nghệ sĩ đã đưa những dòng chia sẻ ngậm ngùi nước mắt trên các trang mạng xã hội tiếc thương một người thầy, nhạc sĩ tài danh.
Rung động bởi giọng nói Hà Nội
“Sau khi tiên lượng tình hình sức khoẻ ngày càng xấu đi, các bác sĩ đã cho phép gia đình đưa ông nhà tôi về nhà. Suốt mấy năm chống chọi với bệnh tật đã khiến ông ấy phải chịu nhiều mệt mỏi. Chỉ tiếc là niềm mơ ước với đêm nhạc cuối cùng ở Hà Nội của ông nhà tôi đã dang dở, mãi không thành hiện thực”, bà Nguyễn Thị Thuận – vợ nhạc sĩ Trần Quang Lộc chia sẻ.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945, tại Gio Linh (Quảng Trị). Năm 20 tuổi, ông theo học âm nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông là “Hát trong dòng sông xưa” được xuất bản năm 1970.
Gia tài của người nhạc sĩ có tới gần 600 ca khúc. Phần lớn trong số đó ông vừa viết nhạc vừa tự viết lời nhưng cũng có nhiều bài ông phổ thơ người khác. Nổi tiếng nhất là “Về đây nghe em” phổ thơ A Khuê và “Có phải em mùa thu Hà Nội” phổ thơ Tô Như Châu.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng kể, ông viết “Có phải em mùa thu Hà Nội” năm 1970 khi mới tròn 21 tuổi. Hồi đó đang là sinh viên học Trường Quốc gia âm nhạc Huế, trong kỳ nghỉ hè về thăm gia đình đang sinh sống tại Đà Nẵng. Tại đây, trái tim chàng sinh viên âm nhạc đã rung động trước giọng nói ngọt ngào của các cô gái Hà Nội theo gia đình di cư vào xóm đạo Công giáo.
“Bên cạnh các bản nhạc tình, nhạc quê hương, là một người Công giáo, nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng có nhiều sáng tác Thánh ca như: Về bên Chúa, Lời nguyện cầu đêm Noel… Tang lễ của nhạc sĩ Trần Quang Lộc sẽ được tổ chức theo nghi thức đạo Công giáo tại nhà riêng. Lễ an táng diễn ra vào sáng 10/6 tại Trung tâm hoả táng Long Hương (TP Bà Rịa)”. - Nhạc sĩ Khánh Băng
Một số cô gái Hà Nội là ca viên của nhóm ca đoàn trong xứ đạo nên chàng trai trẻ trường âm nhạc càng có nhiều cơ hội tiếp xúc, thẩm thấu giọng nói Hà Nội. Đó là lý do mà bạn bè thấy nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói giọng Bắc như người miền Bắc chính hiệu.
Một thời gian sau, được người bạn thân là nhà thơ Tô Như Châu tặng bài thơ mới viết về Hà Nội. Cảm xúc của người bạn thơ rất giống với mình nên Trần Quang Lộc đã lựa chọn những tứ thơ hay nhất “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ… Lệ mừng gặp nhau, xôn xao phím dương cầm...” để làm nên một ca khúc tuyệt vời “đóng đinh” vào tâm trí không chỉ người Hà Nội mà với người yêu nhạc cả nước.
Nhỡ hẹn với Thủ đô
“Có phải em mùa thu Hà Nội” lan toả nhanh qua giọng hát Hồng Nhung, Thu Phương nhưng người đầu tiên hát ca khúc này năm 1971 là ca sĩ Thái Thanh. Tuy nhiên, ca khúc này khi mới ra đời cũng rất lận đận. Gửi gắm Thái Thanh hát “mở hàng” nhưng ca sĩ chỉ hát được vài lần thì dừng, khiến nhạc sĩ trẻ phải bôn ba đi hỏi nguyên nhân. Và điều bất ngờ nhất là cho tới tận giờ này, khi nằm trên giường bệnh, tác giả ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” vẫn chưa từng một lần đặt chân đến Hà Nội.
Sau ca khúc bất hủ về Hà Nội, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã rất nổi tiếng với nhạc phẩm “Về đây nghe em” phổ thơ A Khuê. Những câu từ “Về đây nghe em/ Về đây mặc áo the đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe lại tiếng xưa…”.
Nói là “sau”, nhưng thực ra theo nhạc sĩ Trần Quang Lộc “Về đây nghe em” được viết vào năm 1968, là ca khúc viết bằng điệu slow rock mạnh mẽ, tân thời, giàu chất trữ tình. Khi đó đang đi học tại Sài Gòn và đi đánh đàn cho phòng trà, quán bar hằng đêm để kiếm sống, chàng trai trẻ chứng kiến một số nữ sinh mặc váy ngắn làm gái khiến lòng day dứt mà bật nên nỗi niềm chuyển tải vào ca từ với một đời sống giản dị, quê mùa cùng “áo the, guốc mộc, ca dao, ngô khoai, lúa mới”.
Theo vợ nhạc sĩ, bà Nguyễn Thị Thuận thì cách đây vài tháng khi bệnh tình trở nặng bạn bè cũng đến thăm rất đông. Qua mỗi cuộc chuyện trò thân tình, nhạc sĩ Trần Quang Lộc gửi gắm nỗi niềm duy nhất trong cuộc đời là tổ chức được một đêm nhạc cho riêng mình ở Thủ đô Hà Nội. Bây giờ thì mơ ước ấy mãi mãi dở dang, nhưng có một điều mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc chắc chắn đó là tình yêu của ông với Hà Nội không bao giờ nguội tắt. Tình yêu ấy bao giờ cũng tròn trịa, trong mát như mùa thu Hà Nội.
Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc có gần 600 ca khúc. Trong đó có những ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích như: Về đây nghe em, Em còn nhớ Huế không, Có phải em mùa thu Hà Nội, Chợt nghe em hát...
Khoảng năm 2005, nhạc sĩ Trần Quang Lộc bắt đầu điều trị ung thư. Sau phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, ông mắc thêm ung thư phổi. Những ngày cuối đời, ung thư di căn khiến một bên mắt của ông bị hỏng. Các bác sĩ hội chẩn, tiên lượng tình hình sức khoẻ cùng với hoàn cảnh gia đình không có điều kiện nên đã đưa nhạc sĩ Trần Quang Lộc về nhà, ông ra đi trong vòng tay gia đình đúng như nguyện vọng khi còn sống.