Ông qua đời sau thời gian tích cực điều trị bệnh tim và tai biến mạch máu não.
Nhạc sĩ Lam Phương gắn liền với hình ảnh là nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với hàng trăm tác phẩm âm nhạc từ giữa thập niên 1950 đến nay.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng".
Năm 10 tuổi, ông lên Sài Gòn học và sống với người bác ruột. Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy, sau đó đến Kiếp nghèo được nhiều người yêu mến.
Năm 18 tuổi, ông đã sáng tác rất nhiều bài về quê hương, điển hình là Khúc ca ngày mùa.
Sau này, nhạc sĩ sang Mỹ thập niên 1970 ông đã nhanh chóng ghi dấu ấn và trở thành tên tuổi lớn trong thị trường ca nhạc hải ngoại.
Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác khoảng 170 ca khúc, trong đó ghi dấu ấn nổi bật là Duyên kiếp, Biển tình, Kiếp nghèo, Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương...
Tại Việt Nam, đã có nhiều ca sĩ chọn phát hành Album nhạc Lam Phương như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...
Biến cố sức khỏe xảy ra khi ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người vào đầu năm 1999. Trong thời gian bị bệnh, ông vẫn luôn dành thời gian và tình yêu cho âm nhạc, và luôn nhận được vô vàn tình cảm của người hâm mộ.