Nhà xuất bản xin ý kiến điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK tiếng Việt bộ Cánh Diều

GD&TĐ -Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với NXB và tác giả sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều: chỉnh sửa, hiệu đính nội dung, từ ngữ chưa phù hợp; mới đây NXB ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh.

Nhà xuất bản xin ý kiến điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK tiếng Việt bộ Cánh Diều

NXB ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, để xin ý kiến GV và xã hội trước khi đưa vào dạy học.

Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 20/11/2020 trước khi Hội đồng thẩm định tiến hành làm việc để thẩm định lần cuối để đưa vào bổ sung cho các nhà trường dạy học.

Dự thảo tài liệu “Điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt 1” được đăng tải trên trang lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn trong bộ sách Cánh Diều lớp 1.

Nhà xuất bản xin ý kiến điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK tiếng Việt bộ Cánh Diều ảnh 1

Tài liệu gồm 2 phần, trong đó phần 1 giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp; phần 2 hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Các bài đọc được cho là dùng ngữ liệu chưa phù hợp đã được thay thế các bài đọc khác như: Ve và gà trang 67 được thay thế bài Bờ Hồ; Ve và Gà trang 69 được thay thế bằng bài Chăm bà; Quạ và Chó trang 99 được thay thế bằng bài Phố Thợ Nhuộm; Cua, cò và đàn cá trang 115 được thay thế bằng bài Kết bạn; Cua, cò và đàn cá trang 117 được thay thế bằng bài Hồ sen;

Hai con ngựa trang 157 được thay thế bằng bài Mẹ thật ấm; Hai con ngựa trang 159 được thay thế bằng bài Sáng sớm trên biển; Lừa, thỏ và cọp trang 163 được thay thế bằng bài Bạn của Hà; bài “Lừa, thỏ và cọp” (phần 1) được bổ sung bài “Bạn của Hà”, còn phần 2 thì được bổ sung bài “Ông bà em”...

Thay thế mới
Thay thế mới

Ở SGK tiếng Việt tập 2 của bộ sách này cũng có 2 bài dự kiến được đưa vào tài liệu bổ sung, chỉnh sửa là Mưa và Lịch bàn…

Ở phần chỉnh sửa từ ngữ - câu, những từ ngữ như “quà... quà”, “hí hóp”, “thở hí hóp”, “nhá dưa”... đều được điều chỉnh bằng cách bỏ hẳn trong bài. Từ “dưa đỏ” gây tranh cãi về ngôn ngữ địa phương được thay thế bằng từ “quả dưa”; “cuỗm gà nhép” được thay bằng “tha gà nhép đi”...

Với những ngữ liệu bổ sung này, giáo viên có thể thay thế để giảng dạy cho phù hợp hơn.

Trong dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM cũng bày tỏ: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM và các tác giả đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến với tinh thần cầu thị, biên soạn tài liệu để bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ