Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều: Những phản hồi tích cực từ cơ sở

Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều: Những phản hồi tích cực từ cơ sở

Bộ sách này được các tỉnh thành trong cả nước chọn với tỉ lệ cao nhất bởi cung cấp được khối kiến thức giúp hình thành và phát triển năng lực, bồi dưỡng phẩm chất và kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. 

Bám sát các yêu cầu cơ bản về phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt và sáng tạo theo thực tế của địa phương 

GS.TSKH Đỗ Đức Thái khi tập huấn cho GV tại các cơ sở GD trên toàn quốc về SGK Toán lớp 1 Cánh Diều đã nhấn mạnh: “Mỗi GV phải là người mở cánh cửa tri thức, giúp HS bước vào thế giới kỳ diệu, phải tạo ra được những sáng tạo bất ngờ và thú vị cho từng bài học chứ không nên áp đặt kiến thức một cách khô khan, khiến HS thấy khó, thấy sợ môn Toán. Hãy tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, khởi động để từ đó giúp trẻ phân tích, khám phá, tìm tòi những tri thức mới, cơ hội vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn”.

Tại buổi tập huấn SGK, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đam, Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) là một trong số 146 cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều để dạy và học nhấn mạnh: “Trường thuộc xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn. Qua tham khảo, nghiên cứu 5 bộ sách, chúng tôi thấy bộ SGK Cánh Diều khá phù hợp với tình hình thực tế của trường cũng như điều kiện KT-XH ở địa phương. Mức độ kiến thức trong bộ sách đi từ thấp đến cao, dễ đến khó. Đặc biệt, sách đưa hình ảnh HS dân tộc thiểu số và nhiều hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong đời sống hàng ngày vào minh họa. Điều kiện giảng dạy của giáo viên có thể đáp ứng được. Dự kiến năm học mới, trường sẽ tuyển sinh 4 lớp 1 với khoảng 100 HS, 100% là người Jrai”.

Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều: Những phản hồi tích cực từ cơ sở ảnh 1
Tập huấn SGK Cánh Diều tại tỉnh Gia Lai

Cô Vân, giáo viên Tiểu học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, quán triệt tư tưởng “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, mỗi chủ đề trong SGK Toán 1 Cánh Diều đều được bắt đầu bằng một tranh vẽ gần gũi, phù hợp với nội dung, mỗi chủ đề được phân chia thành các bài học, mỗi bài học lại được tổ chức thành một chuỗi hoạt động học tập của HS.  Việc nắm bắt, hiểu đúng và hiểu sâu về tinh thần, nội dung, cấu trúc cũng như ý đồ của tác giả sẽ giúp nhà trường và giáo viên chủ động, mạnh dạn, tự tin khi xây dựng kế hoạch dạy học sao cho khoa học, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. 

Bên cạnh đó, kho học liệu điện tử mà SGK Toán 1 Cánh Diều mang lại đã khai thác thế mạnh của CNTT, giúp HS quan sát được các thao tác để mô phỏng lại tình huống Toán học, qua đó, tăng hiệu quả của việc dạy học, hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh, giúp giáo viên giảm nhẹ lao động sư phạm. Đặc biệt hơn, giáo viên có thể tải kho học liệu điện tử này để sử dụng cả trong điều kiện không có kết nối Internet. 

​​​​​ Với Phó GĐ Sở GD&ĐT Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng  cho biết: “Tinh giản, thiết thực nhưng vẫn thực hiện đầy đủ nội dung của chương trình, là điều mà các giáo viên rất tâm huyết và tâm đắc. Đổi mới và sáng tạo sâu sắc nhưng vẫn đậm nét kế thừa chương trình hiện hành đã khiến SGK Toán lớp 1 Cánh Diều không lạ lẫm khi GV tiếp cận và thực hiện bài giảng. Đây cũng là một điểm mạnh khiến hầu hết các cơ sở GD &ĐT của Thái Nguyên lựa chọn SGK lớp 1 Cánh Diều nói chung và môn Toán nói riêng”.

Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều: Những phản hồi tích cực từ cơ sở ảnh 2
Tập huấn SGK Cánh Diều lớp 1 cho GV Tp Hồ Chí Minh

Còn nhìn về tổng quát, thầy Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng GD & ĐT Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết, ngoài  SGK Toán và Tiếng Việt 1 Cánh Diều , sách Tự nhiên và Xã hội và Sách Giáo dục Thể chất cũng được 100% các thầy cô trong huyện lựa chọn. Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều có kênh hình, kênh chữ sinh động, dễ hiểu. Logo cánh diều gắn liền với tuổi thơ không chỉ là đồ chơi truyền thống mà còn thể hiện sự thông minh, khéo léo cũng như tài năng của các em. SGK Tiếng Việt 1 có nhiều bài tập đọc giúp học sinh không quên chữ, quên vần đã học. Phần luyện tập tổng hợp có thêm các bài hướng dẫn học sinh đọc sách, kết hợp nhiều tranh, ảnh màu sắc đẹp.

Mỗi bài học đều là bức tranh sinh động của cuộc sống

Cô giáo  Phan Thị Thảo Vy - Giáo viên dạy lớp 1, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai chia sẻ: “Là người trực tiếp đứng lớp nên khi chọn sách giáo khoa, chúng tôi rất chú trọng đến sự phù hợp về đặc tính vùng miền, phương ngữ và trình độ, năng lực của học sinh. Qua nghiên cứu 5 bộ sách, tôi thấy  bộ sách Cánh Diều có lẽ là phù hợp hơn với trường nói chung và giáo viên chúng tôi nói riêng cả về nội dung lẫn hình thức. Để chuẩn bị tốt nhất việc dạy sách giáo khoa mới trong năm học tới, ngoài tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức như thế này, tôi còn chủ động tham khảo trên Internet về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, thay đổi cách soạn giáo án và thực hiện những tiết dạy thử, dạy mẫu để tranh thủ sự góp ý hữu ích từ đồng nghiệp…”.

Khi được hỏi về hệ thống văn bản trong Tiếng Việt 1, thầy Trần Quốc Vĩnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: “Ngữ liệu trong SGK Cánh Diều hầu hết là văn bản mới. Các văn bản này được xây dựng dưới dạng đa phương thức (kết hợp cả chữ viết với hình ảnh) và được lựa chọn, biên soạn, biên tập một cách kĩ càng, đáp ứng nhiều yêu cầu giáo dục. Các câu chuyện, bài thơ trong sách có nội dung phù hợp với HS và tạo hứng thú cho các em khi học. Với HS tiểu học miền núi nói  riêng và HS tiểu học nói chung điều này rất quan trọng”. 

Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều: Những phản hồi tích cực từ cơ sở ảnh 3
Bài học trong SGK mang đậm hơi thở của cuộc sống

Với chủ đề mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống, cô giáo Bùi Thị Tư, trường Tiểu học Tân Hội A, Đan Phượng ( Hà Nội) rất tâm đắc: “Bộ môn Mỹ thuật đã cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt trong chương trình Mỹ thuật lớp 1/2018, mang tính ưu việt kết nối sách Mỹ thuật 1 với SGK của nền GD tiên tiến của  các nước phát triển. Và trên hết, nội dung bộ sách Cánh Diều - tất cả 8 môn đều  mang tính gợi mở ,phù hợp khả năng tiếp thu của HS, và khả năng tổ chức dạy học theo từng vùng miền của GV”. 

Nhiều GV ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc cho rằng khi tiếp cận bộ sách SGK Cánh Diều, các thầy cô nhận thấy có rất nhiều điểm mới so với SGK hiện hành. Các bài dạy chữ được sắp xếp chủ yếu theo nhóm nét chữ, HS dễ học viết hơn như: Bắt đầu bằng nhóm nét cong, chuyển sang nhóm nét khuyết, nét móc,… đồng thời kết hợp dạy theo thứ tự bảng chữ cái, kết hợp yêu cầu chính tả. Dưới chân trang mỗi bài dạy chữ, SGK giới thiệu cả chữ in hoa tương ứng với chữ cái mới học, giúp HS dễ dàng tiếp cận với bài đọc có chữ hoa.

 SGK có mô hình đánh vần giúp GV dễ dạy, HS dễ học, phụ huynh HS cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học.  Mỗi bài học chữ, học vần đều có bài tập củng cố âm, vần mới học với các hình ảnh sinh động vừa có tác dụng củng cố âm, vần mới học vừa mở rộng vốn từ cho HS. Các bài đọc tăng dần đều số chữ với tần suất lặp lại những chữ và vần đã học rất cao, giúp HS không cần mất nhiều thì giờ ôn tập mà vẫn không quên chữ, quên vần.

 Thầy Nam, GV tiểu học ở Tuyên Quang cho rằng chính điều này sẽ khiến HS tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Và, đối với HS miền núi, khả năng tiếp cận thuận lợi hơn trong việc học Tiếng Việt trước đây, nhất là khi các em học song song tiếng Việt và tiếng dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.