Đua thời gian sửa sang trường lớp đón năm học mới

GD&TĐ - Chưa đầy 1 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Với các trường vùng sâu, vùng khó khăn dù còn nhiều thách thức về điều kiện cơ sở vật chất song công tác chuẩn bị trường lớp được triển khai đầy nỗ lực, chủ động, sẵn sàng đón HS trở lại học tập.

Nhà trường cùng PHHS kết hợp vệ sinh, tu sửa trường lớp
Nhà trường cùng PHHS kết hợp vệ sinh, tu sửa trường lớp

Đối diện khó khăn

Trung tuần tháng 8 mới là thời điểm các địa phương tập trung học sinh trở lại trường lớp. Tuy nhiên, trước đó chục ngày thì với hầu hết những người thầy vùng cao đã có mặt tại trường để cùng nhau “xắn” tay dọn dẹp, sửa chữa trường lớp.

Thầy giáo Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 1 - xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Từ 1/8 toàn bộ giáo viên (GV) của trường đã trả phép. Sau khi tham gia đợt bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, GV cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, gia cố lại 1 điểm trường chính, 8 điểm trường lẻ với hàng loạt công việc mà trước thềm năm học mới nào cũng tiến hành. Từ việc láng lại sân trường, trám một số mái phòng học lợp pro-xi-măng nứt vỡ, dựng lại 20m tường rào bị sập đổ; gia cố lại vài chục bộ bàn ghế HS… 

 “Sửa chữa trường lớp thì chúng tôi cố gắng làm được chứ việc mở đường cho HS, GV hàng ngày yên tâm tới trường thì bất lực... Mọi sự vẫn phải trông đợi vào chính quyền địa phương” – thầy Tùng lo lắng nói.

Theo thầy Lê Quang Tùng, thời điểm này công tác tu sửa, vệ sinh trường lớp đã được GV hoàn thành. Nhưng điều lo lắng hơn cả đó là đường tới trường nhiều đoạn sạt lở nặng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới HS trong việc tới trường, bảo đảm sĩ số HS hàng ngày… mà việc di chuyển của GV cũng vô cùng vất vả. Chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể ngã gẫy chân tay, hư hỏng xe...

Tại Trường PTDTBT TH&THCS Vần Chải – huyện Đồng Văn (Hà Giang) - ngôi trường vừa bị giông lốc giật tung nóc nhà 2 tầng tháng 6 vừa qua cũng đã có sự chuẩn bị và “hồi sinh” kỳ diệu về cơ sở vật chất.

Thầy Vương Văn Phúc – Hiệu trưởng chia sẻ: Nóc khu phòng học bị giông lốc giật đổ đã được khắc phục sau 1 tuần do một đơn vị hỗ trợ. Việc khó khăn và tốn kém nhất đã được giải quyết, vì vậy bước vào năm học GV chỉ việc bắt tay tu sửa lại sân trường, khu bán trú cho HS, dọn dẹp vệ sinh bụi bẩn, sửa chữa lại bàn ghế hỏng… Tất cả đã sẵn sàng đón 940 HS trở lại trường (trong đó có 80 HS vào lớp 1; 380 HS bán trú).

Tuy nhiên, khó khăn và mong muốn lớn nhất của cán bộ GV nhà trường hiện nay là việc sửa chữa xây mới khu nhà bán trú cho GV đã xuống cấp sau gần 30 năm sử dụng.

Giáo viên Trường PTDTBT TH Ma Li Pho sửa chữa lại trường lớp
  • Giáo viên Trường PTDTBT TH Ma Li Pho sửa chữa lại trường lớp

Chủ động vượt khó

Có thể thấy, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học tại thời điểm này ở các trường học vùng khó đã có sự chuẩn bị, chủ động, tích cực từ phía lãnh đạo nhà trường, GV và các cấp chính quyền.

Nhiều trường học đã chủ động rà soát lại cơ sở vật chất từ sớm để có phương án sửa chữa, khắc phục, và xin xây mới. Sự quyết tâm dành cho HS một năm học mới đầy đủ cơ sở vật chất còn được ghi nhận từ sự chủ động của các nhà trường, GV, PHHS cùng nhau dọn dẹp, sửa chữa trường lớp.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình – Yên Bái khẳng định: Ngành GD-ĐT Yên Bình tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với các cấp bậc học tại huyện Yên Bình giai đoạn 2016 - 2020….

Đặc biệt sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, chỉnh trang khuôn viên nhà trường. Mở rộng quỹ đất tại một số trường học và xây mới các phòng học, các phòng chức năng, khối nhà hành chính quản trị và các hạng mục phụ trợ. Đồng thời đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn huyện và huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa và hiện đại.

Đến đầu năm học 2019 - 2020, toàn ngành GD-ĐT Yên Bình có 770 phòng học; Số phòng học đang hoàn thiện dự kiến kịp hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đầu năm học là 12 phòng; 56 bếp ăn, 207 công trình nhà vệ sinh; 37 phòng ở bán trú… đáp ứng cơ bản nhu cầu của HS.

Mường Khương – một huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Lào Cai cũng chủ động tích cực về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho năm học mới 2019 – 2020.

Theo bà Xuân, khó khăn hơn cả đối với ngành GD-ĐT Mường Khương hiện nay trong vấn đề tăng cường cơ sở vật chất đó là mở rộng diện tích các trường học. Hiện còn 17/58 trường thiếu diện tích đất. Tuy nhiên với sự cố gắng và trách nhiệm, quan tâm thì các điều kiện về cơ sở trường lớp đã cơ bản được đầu tư xây mới, tu sửa cẩn thận, bảo đảm cho năm học mới bắt đầu.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân – Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương cho biết: Năm học này số phòng học của ngành đủ và bảo đảm. 100 phòng học bộ môn, chức năng đã được xây dựng mới và sẽ đưa vào sử dụng trong năm học tới. Các công trình nhà vệ sinh học đường cũng được khảo sát xây mới đáp ứng đủ trong năm học này…

Phòng GD&ĐT đã tham mưu có hiệu quả cho huyện để tăng cường cơ sở vật chất năm học mới. Chính vì vậy, các kế hoạch và sửa chữa trường lớp đã diễn ra sớm từ trong hè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ