Hãi hùng vì quá tải
Nếu có dịp đến với các trường học vùng khó, vùng cao mới thấm hết và chia sẻ được những điều “khó nói” từ nhu cầu chính đáng của giáo viên và HS. Đó là thực trạng nhà vệ sinh trường học thiếu về số lượng, thấp về chất lượng.
Theo ước tính của thầy Tuyên, để không còn tình trạng quá tải và loại bỏ tình trạng HS đi vệ sinh không đúng nơi quy định thì trường cần có thêm ít nhất 6 nhà vệ sinh cộng thêm chục téc đựng nước và cải tạo được đường nước dài 2 - 3 km để việc lấy nước được thường xuyên.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuyên – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván (huyện Quản Bạ, Hà Giang) cho biết, năm học vừa qua trường có tổng số 31 cán bộ giáo viên, 310 HS (5 khối lớp, mỗi khối từ 50 đến hơn 70 HS), 174 HS bán trú thế nhưng chỉ có 4 nhà vệ sinh cho HS, 2 nhà vệ sinh cho giáo viên.
Nhà vệ sinh ít đã gây ra tình trạng quá tải vào một số thời điểm nhất định (trước và sau giờ học; giờ giải lao) khiến HS dù muốn hay không vẫn phải đi vệ sinh không đúng nơi quy định; vệ sinh môi trường xung quanh trường lớp bị ảnh hưởng.
Mặt khác, về chất lượng nhà vệ sinh cũng để lại nhiều lo ngại khi nguồn nước phục vụ hoạt động hàng ngày của nhà vệ sinh và công tác làm sạch luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn. Hiện trường đã xin được và duy trì 1 téc đựng nước với dung tích khoảng 3.000l nhưng chỉ dùng được trong 3 ngày. Những ngày sau đó, nếu nguồn nước cạn hoặc không kịp bơm dẫn nước vào téc thì nhà vệ sinh luôn trong tình trạng bốc mùi, bịt mũi khi sử dụng.
HS cần được quan tâm toàn diện khi tới trường |
Nan giải biện pháp khắc phục
Thực tế cho thấy, nhiều trường vùng cao vùng khó đang rơi vào tình trạng thiếu về số lượng nhà vệ sinh, chất lượng không đảm bảo, nhà vệ sinh trong tình trạng cũ kĩ, bẩn thỉu. Thực tế này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân.
Trước tiên phải kể tới ngân sách đầu tư cho GD, cơ sở vật chất trường học ở nhiều địa phương còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác cho các công trình vệ sinh trường học lại không dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để xây dựng các công trình dù nhỏ nhất cũng chịu giá cả cao hơn vùng xuôi bởi giá vật liệu, nhân công đắt hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tới vấn đề khó khăn trong việc tìm được mặt bằng xây dựng các công trình với địa hình chủ yếu là dốc, đồi núi…
Một số giải pháp tạm thời vẫn được các trường học vùng khó, vùng cao triển khai đối với vấn đề nhà vệ sinh trường học vẫn là: Tích cực ổn định nguồn nước sinh hoạt để tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng cách sửa chữa đường dẫn nước; đào giếng khoan lấy nước…; Huy động cả giáo viên, HS vào công việc giữ gìn nhà vệ sinh bởi hầu hết các trường không có lao công chuyên trách. GD kĩ năng sống, cách giữ gìn vệ sinh chung cho HS; Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho công trình vệ sinh trường học…
Bên cạnh đó, ở nhiều trường vùng cao hiện nay, việc duy trì nguồn nước sinh hoạt trong đó có lượng nước dành cho hoạt động các nhà vệ sinh là một vấn đề nan giải. Ví như tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Ván, để có nước sử dụng trường vẫn phải trông chờ vào nguồn nước được bơm lên từ khe núi cách trường 2 - 3 km, vì vậy không có tính ổn định về số lượng.
Niềm hy vọng lớn hơn của lãnh đạo nhà trường, của giáo viên và HS trong tương lai gần về nguồn nước sinh hoạt sẽ đảm bảo hơn khi hồ nước treo đặt tại xã Tả Ván đang thi công và sắp hoàn thành... Và có lẽ đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường vùng cao trong việc duy trì nguồn nước sinh hoạt thường xuyên.
Một hiệu trưởng đã chia sẻ rất thật rằng: Cảm thấy ngượng mỗi khi trường có khách, đoàn nọ đoàn kia tới kiểm tra, giao lưu… thường phải huy động giáo viên, HS cùng vệ sinh trước 1 - 2 ngày.
Đến nay, hầu như các trường vùng cao thuộc diện chuẩn bị cho chuẩn mức độ 1 hoặc trong giai đoạn chuẩn thì có sự đầu tư, quyết tâm nhiều hơn trong việc hoàn thiện và nâng cấp nhà vệ sinh trường học. Còn lại, nhìn chung vẫn khó khăn trên nhiều mặt để nâng cấp về số lượng và chất lượng nhà vệ sinh.