Nhà văn và sách tự lực

GD&TĐ - Phần lớn nhà văn không thích sách tự lực, kiểu tác phẩm phi văn chương chỉ chuyên chú vào việc đưa ra các lời khuyên bảo và hướng dẫn trực tiếp.

Văn chương Ernest Hemingway tràn ngập tinh thần tự lực. Ảnh: Lithub.com
Văn chương Ernest Hemingway tràn ngập tinh thần tự lực. Ảnh: Lithub.com

Tuy nhiên, nhà văn vẫn đọc sách tự lực, thậm chí không ít người còn có được nguồn cảm hứng sáng tác vô biên từ chúng.

Lệch dòng văn học chính thống

Theo định nghĩa từ Bách khoa Toàn thư, sách tự lực (self-help book) là kiểu sách hướng dẫn độc giả giải quyết các vấn đề cá nhân trong cuộc sống. Nó có lẽ đã luôn đồng hành với văn chương suốt chiều dài lịch sử, dưới dạng các quy tắc bất thành văn về hành vi, thái độ… cho con người.

Tuy có mặt từ rất sớm nhưng, phải đến năm 1859, khi cuốn sách Tinh thần Tự lực (Self-Help) của nhà văn Samuel Smiles (1812 – 1904, Anh) ra mắt, sách tự lực mới được thiết lập khái niệm và hình thành dòng sách.

Tinh thần Tự lực của Smiles kể lại “những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì”, khuyên nhủ mọi người nên sống cần kiệm, có ý chí tiến thủ và chê bai những quý tộc sinh ra đã có đặc cách, đặc quyền.

Tinh thần Tự lực là cứu cánh và kim chỉ nam cho tầng lớp nghèo. Mới năm đầu tiên xuất bản, nó đã bán được khoảng 20 nghìn bản. Khi dịch sang tiếng Nhật và xuất bản ở xứ Phù Tang, nó còn được các samurai đứng xếp hàng chờ qua đêm để mua.

Nhà thơ Ezra Pound (1812 – 1904, Mỹ) ví Tinh thần Tự lực như virus. Ngoài khiến độc giả điên cuồng tìm đọc, nó còn hình thành dòng sách mới và khiến dòng sách này ngày càng có nhiều tác phẩm hơn. Vào năm 2022, chỉ tính riêng ở thị trường Mỹ, sách tự lực đã đạt doanh thu 13,2 tỷ USD. Bất kể ở đâu, sách tự lực cũng là thể loại bán chạy nhất.

Ghét, mà vẫn yêu

Nha van va sach tu luc (2).jpg
Nhà văn Virginia Woolf, người dè bỉu sách tự lực nhưng cuối cùng vẫn công nhận tác dụng của nó. Ảnh: Aeon.co

Những năm đầu của dòng sách tự lực, hiếm có tác giả văn học nào viết sách tự lực và cũng hiếm có tác giả sách tự lực nào viết hư cấu. Giới sáng tác không chỉ vạch rõ sách văn chương với sách tự lực, mà còn phân cực tác giả và bày tỏ rõ ràng thái độ ghét bỏ lẫn nhau.

Sau khi Smiles qua đời không lâu, dòng sách tự lực nổi lên một tên tuổi mới: Arnold Bennett (1867 – 1931). Bennett có điểm xuất phát là tiểu thuyết gia, nổi tiếng “nhà văn viết sung nhất” và “thu nhập cao hàng đầu”, giàu có đến nỗi đắt như du thuyền mà vẫn sở hữu được 2 chiếc.

Giống như Smiles, Bennett bị thu hút bởi thể loại sách hướng dẫn cách sống. Năm 1908, ông cho ra mắt cuốn sách Để sống trọn 24h/ngày (How to Live on 24 Hours a Day), chỉ dẫn cho độc giả cách biến thời gian thành vàng bạc và được “ông tổ” của Ford Motor - Henry Ford (1863 – 1947) mua một lúc 500 quyển, phát cho toàn thể nhân viên trong công ty.

Thành công của Để sống trọn 24h/ngày khiến Bennett xa rời dòng sáng tác văn chương chính thống. Thập niên 1910 - 1920, ông tạm ngừng viết tiếp các tiểu thuyết đang dang dở để tập trung viết các tác phẩm phi hư cấu như Cẩm nang tự quản lý bản thân (Self and Self-Management, 1918), Cách để sống trọn vẹn nhất (How to Make the Best of Life, 1923)…

Bất chấp sự nổi tiếng và doanh số bán sách tự lực cao ngất ngưởng, Bennett bị giới văn học đương thời xem thường. Người chán ghét ông ra mặt là Virginia Woolf (1882 – 1941), nữ nhà văn Anh có ảnh hưởng nhất.

Bà ném vào Bennett những nhận xét cay độc như nhạt nhẽo, ngớ ngẩn, hoang đường… Tất nhiên, Bennett không đứng im chịu trận. Cuộc chỉ trích lẫn nhau giữa cả 2 hình thành trận luận chiến khốc liệt.

Chỉ với những bài luận công kích Bennett, Woolf tập hợp được 2 cuốn sách phê bình: Tiểu thuyết Hiện đại (Modern Fiction, 1921) và Ngài Bennett và Bà Brown (Mr Bennett and Mrs Brown, 1924).

Ngày Bennett và Woolf đối mặt với nhau ngoài đời thực là trong một bữa tiệc tối của nhà xuất bản Bloomsbury. Bennett đi một mình, còn Woolf xuất hiện cùng với chồng. Toàn bộ khách khứa không rời mắt khỏi bàn của họ. Bennett bị tật nói lắp.

Vợ chồng Woolf chế giễu Bennett nói lắp, chê bai sách của ông “cũng khuyết tật ngôn ngữ như bản thân”. Bennett nhào cả người qua mặt bàn, giận dữ và lắp bắp quát, “Bà… bà… thì hiểu… hiểu… gì về tiểu thuyết của tôi mà… mà… dám!”.

Năm 1931, Bennett đột ngột qua đời vì uống phải ly nước nhiễm khuẩn thương hàn. Woolf vô cùng bàng hoàng. “Tôi ước gì ông ấy vẫn tiếp tục trả treo với tôi và tôi lại được cãi lộn với ông ấy”, bà chia buồn.

Hai năm sau khi Bennett qua đời, Woolf lên kế hoạch viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, Những năm tháng ấy (The Years). Bà không chỉ công nhận sự nghiệp của Bennett, mà còn lấy sách tự lực của ông làm cảm hứng sáng tác.

Không thích, nhưng vẫn cần

Nha van va sach tu luc (1).jpg
Nhà văn Samuel Smiles và cuốn sách mở đường cho thể loại sách tự lực, Tinh thần Tự lực (Self-Help). Ảnh: Wikipedia.org

Ernest Hemingway (1899 – 1961, Mỹ) không bàn gì về sách tự lực nhưng, trong tủ sách cá nhân được ông quý như tính mạng, người ta thấy cuốn sách sờn mòn vì bị lật giở quá nhiều là Hướng đến Thành công (How To Make Good: Or Winning Your Largest Success, 1915). Đây là tác phẩm phi hư cấu của chú ruột Hemingway, nhà văn Alfred Tyler Hemingway (1877 – 1922).

Hướng đến Thành công nói về phẩm chất đàn ông, lòng dũng cảm và chủ nghĩa khắc kỷ. Nó chất đầy những lời khuyên như “Hãy nhìn thẳng vào bản thân”, “Đừng lừa người, dối mình”, “Hãy thích nghi, đừng sợ cái mới”, “Hãy biết lắng nghe”… Cha của Hemingway rất quý cuốn sách này, xem nó như chiến lược kinh doanh.

Thời gian đầu tập tành viết lách, Hemingway được chú nâng đỡ, tạo công ăn việc làm. Nếu Hướng đến Thành công là kim chỉ nam cho nam thanh niên trên bước đường tự lập thì các tác phẩm của Hemingway là những tấm gương đàn ông bản lĩnh hoặc mổ xẻ về tâm lý đàn ông. Chúng giống như phiên bản mở rộng, nói sâu về những gì mà chú Tyler đã đề cập.

Rất nhiều câu trong sáng tác của Hemingway lập lại lời chú Tyler. Chú Tyler viết “Hãy trở thành một người biết lắng nghe”, thì Hemingway viết “Hãy lắng nghe! Khi mọi người nói chuyện, hãy chuyên chú lắng nghe bằng hết”.

Chú Tyler viết “Hãy trung thực”, thì Hemingway viết “Văn xuôi phải là những trang viết thẳng thật về con người”… Nhà phê bình Philip Young khẳng định, các nhân vật nam chính của Hemingway đều theo khuôn mẫu đàn ông lý tưởng của chú Tyler.

Phải sau Hemingway, sự kỳ thị đối với sách tự lực trong giới văn chương mới nhạt dần. Các nhà văn không còn cảm thấy xấu hổ hay kém cỏi vì phải nhờ vả vào thể loại sách này nữa. Họ thừa nhận, sách tự lực giống như cẩm nang hướng dẫn, giúp định hình nhân vật và khơi nguồn cảm hứng.

Theo aeon.co

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ