Cái nôi dưỡng nuôi văn chương

GD&TĐ - Chưa khi nào là quá khi nói rằng, báo chí chính là cái nôi dưỡng nuôi văn chương.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bởi lẽ, từ xưa đến nay, không ít nhà văn được bắt đầu từ nghề báo, từ những bài báo phản ánh vụ việc, vấn đề của đời sống mà bồi đắp thành bao ngẫm suy về thời cuộc, con người để rồi được chuyển tải trong tứ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết...

Cũng có khi, nhiều cây bút đã thành danh vẫn gửi gắm những đứa con tinh thần của mình đến với báo chí vừa để được bắc nhịp cầu tới công chúng vừa thêm nguồn thu nhập khá ổn định bù phụ cho “cơm áo không đùa với khách thơ” rồi tiếp tục niềm đam mê với văn chương...

Ngày trước có thể nhắc đến nhóm Tự lực văn đoàn với những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Xuân Diệu… Sau này là các tác gia như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy… với tài văn được vun đắp từ báo chí mà thành những nhà văn, nhà thơ tài danh.

Mới đây, lần đầu tiên “Tuần lễ sách của người làm báo” được tổ chức tại TPHCM nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) cũng có thể coi là minh chứng sinh động cho câu chuyện này. Trong hàng trăm đầu sách được viết dưới nhiều thể loại thì văn chương vẫn là địa hạt được nhiều nhà báo lựa chọn để bước vào hơn cả.

Và để lý giải về sự gắn bó đặc biệt này, các ký giả đều nhắc đến “vốn sống” được mang đến từ nghề báo. Từ đó, họ cùng bày tỏ lòng biết ơn đối với những tháng năm chưa bao giờ vơi nhọc nhằn, nguy hiểm, gian khó nhưng lại cho họ “quả ngọt” gắn liền với nghề cầm bút là những trang truyện, tiểu thuyết, vần thơ nóng hổi hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Nghề báo là thế, đầy gian khổ, khắc nghiệt và không ít cám dỗ nhưng nếu vượt lên trên tất cả sẽ mang lại cho người cầm bút chân chính vốn mang tài văn không ít niềm vui, hạnh phúc bởi được hái “quả ngọt” không chỉ dừng lại ở những bài báo gai góc trong ngôn từ đẹp mà còn vươn đến những trang văn mang giá trị thâm sâu của hôm nay để cho ngày sau.

Mà khi những trang văn được viết từ vốn sống, góp gom bằng những điều mắt thấy, tai nghe đương nhiên luôn chân thực, hấp dẫn và lôi cuốn. Cộng thêm vào đó, chúng còn chất đầy niềm suy tư, trăn trở, đau đáu trước các vấn đề nhân sinh được quan sát, luận bình từ tâm hồn nhạy cảm cùng góc nhìn sắc sảo, đề cao phản biện một cách thấu đáo, trách nhiệm.

Vốn sống được thâu nạp từ nghề báo sau mỗi chuyến đi, dịp gặp gỡ, khám phá… có thể sớm được viết thành tác phẩm văn học nhưng nhiều khi nó được cất giữ thành “gia tài” quý giá để bồi đắp dần cho những đứa con tinh thần ở những thời điểm sau. Cứ thế, nghề báo âm thầm dưỡng nuôi văn chương và trao “quả ngọt” cho người cầm bút tài hoa thuộc về nhân dân...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ