Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp cùng Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của ngành xuất bản duy trì nhịp độ ổn định. Các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản).
Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng hơn 29% về bản); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản…
Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau.
Đánh giá về thực tế thị trường sách, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, sách có nhiều kiến thức, tri thức nhưng vì dày quá nên thường được bày rất trang trọng ở trên cao, ít khi sờ vào.
Thậm chí có rất nhiều sách tặng vẫn để nguyên trong thùng vì không ai đọc. Theo ông Lâm, thời gian đọc của người Việt rất nhiều nhưng đa phần chỉ đọc trên điện thoại. Vì thế, một xu hướng mà Bộ TT&TT tin rằng sẽ phát triển - đó là “sách tinh gọn”.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”; thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành xuất bản phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc.
Các nhà xuất bản cần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, đảm bảo trọng tâm, sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của nhà xuất bản, nâng cao chất lượng của xuất bản phẩm; triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII.