Nhà văn - Nhà giáo ưu tú Lê Đức Hân: “Tôi vui vì đã sống một cuộc đời không tẻ nhạt”

GD&TĐ - Mặc dù đã bước sang tuổi 75 nhưng Nhà giáo Ưu tú Lê Đức Hân vẫn lặng lẽ đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp “trồng người” và hoạt động thiện nguyện xã hội. 

Nhà văn – NGƯT Lê Đức Hân
Nhà văn – NGƯT Lê Đức Hân

Người khai mở

Năm 1979, khi mới hơn 30 tuổi, thầy Lê Đức Hân đã là Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Thạch Hà (Hà Tĩnh), ngôi trường do chính thầy sáng lập. Gọi là trường nhưng thầy trò phải dạy học trong nhà kho của HTX nông nghiệp. Mỗi buổi sáng, thầy Hân phải đạp xe hơn 10km đường đất của vùng quê “chảo lửa túi bom” để đến trường. Có những ngày mưa lũ, thầy phải xắn quần lội nước để đến lớp. Đứng trên bục giảng với bộ đồ ướt sũng, thầy đã thổi vào lòng học trò nghèo tình yêu quê hương đất nước vô bờ.

Thầy đã truyền cho các em niềm tin và khát vọng vươn lên. Thầy đã chắt chiu, dành dụm phần lương ít ỏi để mua sách vở, vận động các em đến trường… Có biết bao câu chuyện cảm động về NGƯT Lê Đức Hân mà nhiều thế hệ học trò thành đạt của thầy hôm nay đang kể lại. Thầy không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn thủy chung son sắt, người con hiếu thảo và là người đồng nghiệp chí nghĩa, chí tình của quê hương Hà Tĩnh và cả nước.

Nhà văn – NGƯT Lê Đức Hân (trái) tại lễ phát động cuộc thi sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du và bạn đọc thuộc Kiều
 Nhà văn – NGƯT Lê Đức Hân (trái) tại lễ phát động cuộc thi sáng tác văn tế Đại thi hào Nguyễn Du và bạn đọc thuộc Kiều 

Năm 1991, thầy Hân lên đường vào Nam với tinh thần khai mở miền đất mới. Gò Vấp những năm cuối thập niên 90 vẫn là “vùng trũng” của giáo dục thành phố mang tên Bác. Thầy Hân vừa là “kiến trúc sư” vừa là “ong thợ” đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Năng khiếu Nguyễn Du (tiền thân của Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Du hiện nay).

Mục tiêu là lấy giáo dục mũi nhọn làm điểm đột phá để đưa giáo dục Gò Vấp đi lên. Thấm thoắt thoi đưa, ngôi trường non trẻ ngày nào nay đã gần 30 năm tuổi. Trong suốt mười mấy năm thầy Hân làm Hiệu trưởng, Trường Nguyễn Du luôn là “bông hoa đẹp” của ngành Giáo dục TPHCM và là “lá cờ đầu” của cả nước.

Trước khi rời cương vị Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, NGƯT Lê Đức Hân được lãnh đạo quận Gò Vấp mời làm Chủ tịch Hội Khuyến học quận và “cố vấn” cho Trường Nguyễn Du để giữ vững danh hiệu “lá cờ đầu”. Bên cạnh đó, thầy còn tham gia nhiều hoạt động với tư cách là ủy viên thường vụ Hội Nghiên cứu, giảng dạy văn học TPHCM. Hiện nay, dù ở tuổi 75 nhưng nhà văn - NGƯT Lê Đức Hân vẫn đi lại như con thoi tham gia bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp tại Hà Tĩnh, Nghệ An, TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Thầy Hân (phải) cùng các nhà giáo trong CLB Năng khiếu Thạch Hà
Thầy Hân (phải) cùng các nhà giáo trong CLB Năng khiếu Thạch Hà 

Ở quê hương Hà Tĩnh, thầy Hân đã trực tiếp giảng dạy cho 13/13 phòng GD&ĐT và 40 trường THPT công lập trong tỉnh. Đặc biệt, thầy lên lớp về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho các trường và kỹ năng công chức cho một số cơ quan huyện ủy, UBND huyện, ngành y tế, bệnh viện... Không dừng lại ở đó, thầy còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học giáo dục và khởi xướng thành lập nhiều CLB cựu giáo chức với mục tiêu cùng “chung tay” với ngành Giáo dục. Năm 2016, nhà văn - NGƯT Lê Đức Hân được tín nhiệm bầu vào Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam và là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam tại TPHCM.

Giữ lửa và truyền cảm hứng

Nhận xét về NGƯT Lê Đức Hân, nhà giáo Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà chia sẻ: “Thầy Hân là tấm gương điển hình và có sức lan tỏa trong đội ngũ giáo giới Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung. Từ ngày nghỉ hưu đến nay, thầy Hân vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê hương. Thầy đã truyền lửa, truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đông đảo học sinh.

Thầy tham gia dạy nhiều chuyên đề có giá trị như kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng quản lý cho lãnh đạo và phương pháp dạy học sáng tạo cho giáo viên. Khi được tiếp xúc, trao đổi với thầy, chúng tôi tiếp nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, đặc biệt là về đổi mới giáo dục. Chúng tôi coi thầy Hân như pho “từ điển sống”, kho tàng tri thức để có thể học hỏi, vận dụng nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giáo dục tại địa phương”.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Trường - Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ: “NGƯT Lê Đức Hân là thầy giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp, học sinh và nhân dân kính trọng. Đặc biệt, thầy cũng như gia đình có tấm lòng bao dung, luôn quan tâm đến giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt bằng những việc làm hết sức thiết thực”.

NGƯT Lê Đức Hân - Giám khảo cuộc thi tìm hiểu Truyện Kiều tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn
 NGƯT Lê Đức Hân - Giám khảo cuộc thi tìm hiểu Truyện Kiều tại Trường THPT Nguyễn Đình Liễn

Xúc động về những việc làm thiết thực của NGƯT Lê Đức Hân đối với ngôi trường nghèo của huyện Cẩm Xuyên, thầy Nguyễn Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn chia sẻ: “Mặc dù nghỉ hưu gần 20 năm nay nhưng thầy Lê Đức Hân thường xuyên về quê tham gia dạy nhiều chuyên đề bổ ích, thiết thực cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp.

Một số chuyên đề mới lạ được thầy truyền cảm hứng như: “Gia đình và lòng hiếu thảo”; “Thực trạng và giải pháp dạy học truyện Kiều trong trường phổ thông”; “Cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng 4.0”. Đặc biệt, chuyên đề Truyện Kiều với tựa đề “Hỡi người xưa của ta nay - Khúc vui xin lại so dây cùng người” rất thú vị.

Nói về người học trò năm xưa của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Hồng Cường – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: “NGƯT Lê Đức Hân từng là học trò của trường Phan Đình Phùng trong thập niên 60. Bây giờ dù tuổi đã cao nhưng thầy luôn dành trọn tấm lòng đối với quê hương và mái trường. Cách làm của thầy cũng rất khác biệt, không chỉ làm thiện nguyện, hỗ trợ học bổng, mà thầy còn bỏ bao tâm sức để giảng dạy, truyền đạt những hiểu biết, kinh nghiệm và cả những kiến thức mới khi thầy có dịp đi ra nước ngoài”.

NGƯT Lê Đức Hân tặng quà cho một trường THPT ở Hà Tĩnh
 NGƯT Lê Đức Hân tặng quà cho một trường THPT ở Hà Tĩnh

Chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp của NGƯT Lê Đức Hân, ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh cho biết: “Thầy Hân là con người tâm huyết và luôn nặng lòng với quê hương. Đặc biệt, với tình thương và trách nhiệm đối với các thế hệ con em, đến nay thầy Hân và quỹ học bổng Bà giáo Hồng (thân mẫu thầy Lê Đức Hân) đã trao tặng học bổng, thiết bị máy vi tính, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo vượt khó Hà Tĩnh với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Thạch Hà nhận xét: “Thầy Lê Đức Hân không phải là con người làm doanh nghiệp hay giàu có gì, nhưng bằng tấm lòng, trí tuệ của mình, thầy đi dạy học, chắt bóp từng đồng lương hưu ít ỏi giúp cho quê hương. Tôi rất xúc động khi trước thềm khai giảng năm học mới hay bất cứ hoạt động gì liên quan đến giáo dục mà thầy biết tin là thầy về. Nói đến giáo dục Thạch Hà là phải nhắc đến NGƯT Lê Đức Hân. Đây là tấm gương mà chúng tôi luôn biết ơn, trân quý và học tập”.

Thầy Lê Đức Hân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007 cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Ủy ban MTTQ Việt Nam, T.Ư Đoàn, Hội Khuyến học Việt Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, UBND TPHCM và các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, UBND Q. Gò Vấp… cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của NGƯT Lê Đức Hân qua hơn nửa thế kỷ thực sự là trọn vẹn và tốt đẹp. Đặc biệt, thầy Lê Đức Hân còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với những đóng góp đáng trân trọng, nhà văn Lê Đức Hân say sưa viết văn, say sưa hoạt động văn nghệ, sáng tác văn chương với nhiều truyện ngắn và hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng như: “Hạnh phúc miền xa xăm” (NXB Thanh Niên) và mới đây là bộ tiểu thuyết “Buồn vui nơi trần thế” do NXB Hội Nhà văn phát hành và tái bản...

Để kết thúc cho bài viết này, xin được trích lời bộc bạch của nhà văn - NGƯT Lê Đức Hân trong lời tri ân cuối cuốn sách “Ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tấm lòng của một người thầy” (NXB Giáo dục): “Cuộc đời cũng như những con sóng, lúc ồn ào, lúc dịu êm cũng không thiếu những con sóng ngầm dữ dội… Nhưng giờ đây tất cả đã đi qua.

Nhìn lại hơn 60 năm làm việc và cống hiến, mặc dù lòng vẫn ước ao, nếu có thêm một lần tuổi trẻ trong đời… Tôi vui vì đến giờ này có thể nói mình đã hoàn thành cơ bản những gì số phận giao phó, khát vọng, tình yêu, trách nhiệm, ý chí. Không chỉ là những danh xưng, không chỉ là những sản phẩm tinh thần hiện hữu, niềm vui của tôi - đơn giản chỉ bởi mình đã sống một cuộc đời “không tẻ nhạt”.

“Truyện Kiều là tài sản, quý sản vô giá của dân tộc. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách khai thác hiệu quả những giá trị “độc nhất vô nhị” của di sản văn hóa này. Muốn bảo tồn, phát huy tốt các giá trị to lớn của Truyện Kiều phải xây dựng cho được những không gian văn hóa Kiều, vườn Kiều và ca kịch Kiều…”. 
                                                          Nhà văn - NGƯT Lê Đức Hân, 
                                                  Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam,
                                                         Chủ tịch Hội Kiều học TPHCM 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ