Ông đã sống một cuộc đời lên bổng xuống trầm đúng nghĩa, và khi gặp ông bây giờ, khi ông đã nghỉ hưu, ta vẫn thấy ông đang ở đỉnh cao thăng hoa và viết như lên đồng.
Hữu Ước vào chiến trận khi mười sáu tuổi. Tuổi thanh niên trai tráng đẹp đẽ của ông vùi trong khói lửa chiến tranh. Bom đạn không sát hại được chàng trai mảnh khảnh và tinh nhanh, trái lại, trang bị cho anh một ký ức giàu có về một đời sống lạ lùng nơi núi rừng Trường Sơn, với những trải nghiệm thực tế độc đáo khi mà cả thiên nhiên cũng vùng lên đánh giặc Mỹ.
Những ký ức sâu đậm về chiến tranh trong tâm trí một chàng trai thông minh, tinh quái như Hữu Ước, đã tựu thành những trang viết hôi hổi nóng lửa đạn, máu, xót đau và căm hận. Nước mắt không có thời gian để chảy, xác chết quân địch không có thời gian để vùi chôn. Chiến trận với những câu chuyện thật tàn khốc đã đủ sức mạnh lay động tâm can người đọc.
Tuy nhiên, ngòi bút Hữu Ước lại khác biệt ở chỗ, ông không chỉ miêu tả những cảnh bom rơi đạn nổ, máu đỏ, xác người tan tác tung tóe, mà ông chú ý cả đến thiên nhiên, nơi từng cành cây ngọn cỏ, thú vật hoang dã cũng tham gia vào cuộc chiến và cách ứng xử của chúng như thế nào với giặc dữ.
Các nhân vật trong tiểu thuyết “Suối Cọp” mà ông đang viết, dự định chào làng văn học thế giới, không chỉ có nhân vật là người, mà cả các loài sinh vật trong rừng, cũng có thân phận của chúng, cũng được dành vị trí trang trọng và có “quyền lực” của mình trong tiểu thuyết.
“Tôi đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của các đồng nghiệp, tôi thấy họ bỏ qua một lực lượng khá quan trọng, đó là thú rừng hoang dã. Chính lực lượng đặc biệt này đã góp phần để chúng ta thắng giặc. Chúng ta không thể vô tình quên chúng” - Hữu Ước nói.
Chính vì thế, trong tác phẩm “Suối Cọp”, có những cảnh các cặp voi say đắm yêu đương vần vũ trong rừng, bên suối, có cảnh voi chiến đấu với sói, hay lính Mỹ không thể ngủ nổi vì tiếng tắc kè kêu suốt đêm, không thể lội suối qua rừng khi mưa xuống vì lũ vắt rừng tấn công…
Những sự thật khác mà ông chỉ ra cũng mạnh mẽ, độc đáo… như việc các chiến sỹ dùng phân tươi của bò tót để trị chất độc hóa học của Mỹ rải xuống rừng ngấm vào người, hoặc cách ứng xử của người con gái Việt Nam với tình yêu thời chiến tranh trong rừng, cảnh lũ dòi nhung nhúc hào hển với bữa tiệc xác chết trương phềnh không được chôn, hay những nữ thanh niên xung phong không thể mặc nổi áo quần vì bệnh ngoài da hành hạ, không dám soi mặt xuống suối vì tóc đã rụng hết, da xám xịt héo quắt vì đói và sốt rét rừng…
Mỗi ngày, Hữu Ước ngồi lỳ ở bàn viết sáu tiếng đồng hồ. Ông ra một kỷ luật riêng, nếu không viết ít nhất ba trang tiểu thuyết mỗi ngày thì không đứng dậy. Viết tiểu thuyết là việc nặng nhọc bậc nhất trên đời mà ông chỉ có thể chuyên tâm viết đến tận cùng mọi ý tưởng, mọi câu chữ, mọi sự thật khi ông đã thoát khỏi vòng quay công việc thường ngày.
Ông vẫn giữ thói quen viết tay toàn bộ bản thảo, sau đó đi thuê đánh máy. Khi có bản đánh máy, ông đọc lại, sửa, thêm ý, cứ như vậy ít nhất 5 lần sửa trên bản đánh máy thì mới có thể yên tâm.
Tại sao ông từ chối viết trên máy tính? Dù ông có thể tự sắm cho mình máy xịn nhất. Hữu Ước cho rằng, khi viết tay, là lúc có thể tập trung nhất, ý tưởng phiêu bồng nhất, chữ nghĩa cũng nuột nhất.
Ông viết bằng mực xanh trên những cuốn vở khổ A4 gáy xoắn. Chữ chi chít, gạch xóa, nhìn đau cả mắt. Vậy mới thấy tác giả vật vã trên từng câu chữ thế nào. “Việc viết tiểu thuyết không dành cho những kẻ yếu” – Hữu Ước khẳng định.
Ông dự định cuốn tiểu thuyết về chiến tranh này viết trong hai năm (2020 - 2021), dày 800 trang trở lên, sẽ dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ. Hữu Ước tin rằng, tác phẩm về chiến tranh của ông sẽ thu hút người Mỹ, bởi sự thật nó chỉ ra lý do tại sao Mỹ thất bại ở chiến trường Việt Nam và sẽ không bao giờ có thể thắng được.
Ông cũng bày tỏ mong muốn của mình về việc đưa tác phẩm của ông nói riêng và của các nhà văn Việt Nam nói chung vượt biên giới. Muốn được độc giả toàn cầu đón nhận, tác phẩm văn học Việt Nam phải có tư tưởng lớn, mạnh chi tiết, hay về văn phong.
Hữu Ước cũng đã xây dựng lộ trình, kịch bản để “tung” “Suối Cọp” ra thị trường văn học thế giới, với sự hợp tác của các dịch giả uy tín, các nhà sách, nhà phê bình, dọn đường cho tác phẩm chạm đến trái tim độc giả quốc tế và lọt mắt xanh những nhà cầm cân nẩy mực khó tính ở Thụy Điển.
Hữu Ước chia sẻ rằng, đời ông bây giờ, sau khi vợ mất và ông nghỉ hưu, thì không còn đam mê gì ngoài việc viết văn, làm thơ. Tuy còn sức khỏe, tiềm lực kinh tế riêng còn mạnh, nhưng ông không muốn bị ràng buộc bởi sợi dây tơ nào, dù hấp dẫn đến đâu chăng nữa.
Ông nguyện dâng hiến những năm tháng quý giá còn lại của đời mình cho văn chương. Mà muốn sáng tạo văn chương ở đỉnh cao, thì cần nhất là sự tự do. Tự do là con đường duy nhất dẫn đến sáng tạo thực thụ.
Với văn chương, và hội họa, ông tự nhận là mình tự do nhất, không lệ thuộc vào bất cứ quy tắc, hay quan niệm, kiến thức chuyên môn nào. Sự phụ thuộc khiến sáng tạo giả, gò bó và lặp lại. Chỉ có tự do mới giúp nâng cánh sáng tạo, làm nên phong cách của văn nghệ sĩ.
Có lần, trong năm 2020, quá vui với bạn, Hữu Ước uống hơi nhiều. Ông bị ngã phải vào bệnh viện. Vết thương do ngã không nguy hiểm, nhưng nhân tiện khám tổng quát, bác sĩ phát hiện ra ông có cả chục cái polyp trong đường ruột, tiềm tàng nguy cơ phát triển thành ác tính.
Ca phẫu thuật cắt những polyp này khiến ông phải nằm bệnh viện mất hai tháng trời. Khi ra viện, ông nghỉ ngơi, bồi bổ bằng những phương thuốc đông y và sớm lấy lại sức lực. Cũng từ đó, ông tâm niệm rằng, cần chăm sóc bản thân hơn và dồn sức để hoàn thành bằng được cuốn tiểu thuyết “Suối Cọp” mà ông gửi gắm nhiều tâm huyết, hy vọng.
Giờ đây, ngày lại ngày, ông dậy sớm từ 5 giờ sáng, tập bài võ ông được luyện từ thời còn là anh lính trinh sát trong chiến trường trong khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó ông ăn sáng, xem phim dã sử trong khoảng hơn một tiếng rồi ngồi vào bàn viết liền một mạch trong ba tiếng.
Khoảng mười một giờ ông ăn trưa, nghỉ trưa hơn một tiếng, đến ba giờ chiều lại ngồi vào bàn viết. Buổi chiều tối, ông di chuyển về nhà ăn cơm với gia đình các con, chơi với các cháu nội, ngoại và nghỉ ngơi.
Ngoài những việc đã thành thói quen hàng ngày ấy, thì ông cùng bạn hữu lên Công viên Ước ở Sóc Sơn (Hà Nội), nơi ông đầu tư hầu hết thành quả cuộc đời mình vào một khu vườn rộng hai héc ta, có suối cá, cây ăn quả, ngôi chùa, tòa tháp như cây bút vươn lên trời cao, và đặc biệt là một bảo tàng văn học nghệ thuật lưu giữ bộ sưu tập đồ sộ những tác phẩm văn học, hội họa, điêu khắc của ông và một số bạn văn nghệ sĩ.
Công viên Ước mở cửa miễn phí đón mọi người dân vào thưởng lãm, nghỉ ngơi. Đó là cách ông chia sẻ đời mình với cộng đồng.