Nhà văn Đại học Tổng hợp với Thủ đô

GD&TĐ - Nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội không chỉ là một danh hiệu mà còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường.

Đoàn nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 7. Ảnh: NVCC.
Đoàn nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 7. Ảnh: NVCC.

Một trong những truyền thống vẻ vang tạo nên niềm tự hào - Đại học Tổng hợp Hà Nội, chính là một cái nôi lớn, nơi sinh ra hơn 100 nhà văn có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền văn chương dân tộc thời hiện đại.

Sống và viết ở Hà Nội

Mối duyên tơ của nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội với Thủ đô là một nét đẹp nhân văn đặc sắc, hiếm có với bất kỳ trường đại học danh tiếng nào.

Một chặng đường truyền thống gần 70 năm trưởng thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) được ghi nhận trên nhiều phương diện đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sáng tác văn chương, phục vụ đời sống xã hội từ thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc qua thời hòa bình, tái thiết và Đổi mới đất nước.

Viết văn là một lao động đặc thù phục vụ xã hội. Trong số hơn 1.500 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (tính đến năm 2024), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đóng góp vào đội ngũ chung một lực lượng có thể nói là không nhỏ - 138 hội viên (với phân bổ lực lượng ở các lĩnh vực sáng tác: Thơ hùng hậu nhất (66), văn xuôi và kịch (36), nghiên cứu - lí luận - phê bình - dịch thuật (36).

nha-van-dai-hoc-tong-hop-voi-thu-do-2-4320.jpg
Nhà văn, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị. Ảnh tư liệu.

Các nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội có mặt ở nhiều lĩnh vực, đơn vị công tác: Lực lượng vũ trang (Quân đội và Công an), báo chí - truyền thông, xuất bản, giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, quản lý văn hóa - văn nghệ…

Nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội không chỉ là một danh hiệu mà còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường.

Nhà văn Phong Lê quê Hà Tĩnh, sinh viên khóa I (1956 - 1959) Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Trong tác phẩm “Viết từ Hà Nội” (2003), ông đã chia sẻ với độc giả cảm xúc và trải nghiệm trong thời gian gần 50 năm của một người đã sống, học tập, làm việc và viết ở Hà Nội.

Những suy nghiệm ấy có nét tương đồng với các đồng nghiệp uy tín khác trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn học như Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đinh Xuân Dũng, Mã Giang Lân...

Các thế hệ nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội nhìn chung đa số đều sinh trưởng ở các vùng miền đất nước, nhưng lập thân lập nghiệp ở Thủ đô nơi đất lành chim đậu, hơn thế là không gian địa linh nhân kiệt. Không lập thân lập nghiệp thì đất kinh kỳ vẫn là cái đà, bệ phóng, nơi cất cánh tài năng văn chương với các thế hệ nhà văn chân tài của đất nước.

Vì lẽ, Thủ đô là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật. Bậc tiền nhiệm Giáo sư - nhà văn Đặng Thai Mai, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 - 1957), quê Nghệ An nhưng sống và lập nghiệp ở Hà Nội từ những năm 30 của thế kỷ trước, từng làm Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Các thế hệ tiếp theo, các nhà khoa học - nhà giáo các ngành đào tạo đáng kính: Hoàng Xuân Nhị, Trương Chính, Hoàng Như Mại, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Đinh Xuân Dũng, Mã Giang Lân.

Trong Hồi ký “Đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật” (NXB Văn học, 2020), Giáo sư Hà Minh Đức kể chuyện đã từng đi bộ từ quê (xã Vĩnh An, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) ra Hà Nội nhập học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng vào mùa khai trường.

Ngày nay, sinh viên nghe kể chuyện này thì cho là truyện cổ tích. Trong hơn 90 tác phẩm đã xuất bản (từ 1961 - 2024) Giáo sư Hà Minh Đức đã từng sáng tác thơ, truyện ngắn, ký. Hai tập “Xích lô ký”, “Tản mạn đầu ô” viết về một Hà Nội vừa cũ vừa mới, lâu đời và hiện đại, đã cho độc giả biết thêm ngọn ngành những ngóc ngách đời sống đô thị thời bao cấp sang Đổi mới, đồng thời thể hiện một khả năng quan sát đời sống tinh tế làm bật lên một “Hà Nội băm sáu phố phường” thời mở cửa, thị trường, hội nhập thế giới.

Bản thân tác giả bài báo nhỏ này đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2019, dành cho tác phẩm “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” (tiểu luận - phê bình văn học). Đó là những gì tác giả chắt lọc, suy nghiệm và cảm xúc sau 50 năm được vinh dự làm cư dân Thủ đô, thực hành “sống và viết ở Hà Nội”.

Nói đến các nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội gắn bó với Thủ đô, ngoại trừ những người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, theo quan niệm hiện nay, tôi muốn nói đến một hiện tượng đặc biệt - đó là PGS.TS Phạm Quang Long, thuộc kiểu “nhà văn không hội viên”.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ nhiệm Khoa Văn học, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội. Năm 2013 hết tuổi tham gia quản lý, ông trở về Khoa Văn học sau nhiều năm rời “tổ ấm” - theo cách nói của những người mắc “căn bệnh yêu khoa, yêu trường”.

Khi đang ngồi ở ghế Giám đốc sở, ông đã cầm bút viết cải lương, kịch, chèo. Năm 2014 ông ra mắt tập kịch bản văn học (gồm 7 vở), có tựa “Nợ non sông” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội). Một số vở trong tập này đã được dàn dựng và công diễn thành công trên sân khấu Thủ đô.

Rất đáng nể phục khi chỉ trong vòng 10 năm (2014 - 2024) ông liên tiếp hoàn thiện bản thảo 10 cuốn tiểu thuyết, đã in 6 cuốn: “Bạn bè một thuở”, “Lạc giữa cõi người”, “Cuộc cờ”, “Mùa rươi”, “Chuyện làng”, “Chuyện phố”. Nhiều người thân cận được ông nhờ đọc bản thảo đều nhận xét về một Phạm Quang Long có triển vọng viết văn xuôi.

Ông quê Thái Bình nhưng lấy vợ người chính gốc Hà Nội, nhiều đời sinh sống ở phố Cao Bá Quát. Năm 1970, ông từ Thái Bình lên Hà Nội học đại học, rồi sinh cơ lập nghiệp ở Thủ đô nhưng lòng cứ đau đáu các chuyện về làng quê nơi có đặc sản rươi.

Gần đây ông như bừng giấc khi viết “Chuyện phố” (2024), một cuốn tiểu thuyết hay và bán chạy về một Hà Nội thời tiền Đổi mới qua thị trường. Nhiều người nhận xét viết được như “Chuyện phố” nếu không phải là người Hà Nội gốc thì cũng phải nặng lòng lắm lắm với đất kinh kỳ.

nha-van-dai-hoc-tong-hop-voi-thu-do-3-564.jpg
Nhà văn Phan Cự Đệ (trái) trong Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 9. Ảnh: NVCC.

Tài hoa Hà Nội

Mấy nét phác họa sau đây có thể chưa thực sự toàn bích nhưng điển hình khi nói về tài hoa Hà Nội phát tích từ nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội bảy thập kỷ qua.

Nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949 - 2002), quê gốc Nam Định nhưng phong thái, cốt cách hào hoa chính hiệu Tràng An; tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 11 (1966 - 1970), từng là Trưởng ban Thơ báo Văn nghệ, nguyên Tổng Biên tập báo Người Hà Nội (nay là tạp chí Người Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội).

Thi sĩ mất sớm nhưng kịp để lại mấy tập thơ đầy ấn tượng: “Những dòng sông”, “Cuối rễ đầu cành”, “Mãi mãi ngày đầu tiên”, “Đất hứa”. Tôi còn nhớ khi học năm thứ nhất Khoa Ngữ văn, cánh sinh viên lúc rỗi rãi thường hẹn gặp nhau ở các quán chè cóc trước cổng trường và đọc thơ hay của các thi sĩ thế giới và Việt Nam, trong số đó có Bế Kiến Quốc với bài thơ “Những dòng sông”, âm điệu còn ngân nga mãi trong ký ức nhiều người: “Sinh ở đâu, mà ai cũng anh hùng?/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông/Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng/Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/Mỗi con người gắn bó một dòng sông/Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng/Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng/Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta”.

Thơ Bế Kiến Quốc phóng khoáng, trữ tình công dân và trữ tình riêng tư hòa hợp, nâng đỡ nhau ríu rít. Ông có nhiều công sức và thành tựu trong việc kiến thiết báo Người Hà Nội - nơi cất tiếng nói của văn nghệ sĩ Thủ đô trước thời cuộc. Đặc biệt phần sáng tác thơ đăng báo Người Hà Nội được nâng cấp rõ rệt từ ngày ông làm chủ bút.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 - 2021), trai phố cổ chính hiệu, sinh trong một gia đình có Gen nghệ thuật, làm thơ khi còn là học sinh THPT với bút danh Ánh Biếc. Năm 1971, đang học năm thứ nhất Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh tình nguyện nhập ngũ lên đường ra mặt trận khi cuộc chiến tranh vào hồi ác liệt.

Như những người cùng thế hệ, anh dùng ngôn ngữ thơ ca để nói lên cái chí tang bồng của những con người lãng mạn tuyệt vời vì “Tuổi hai mươi chỉ có một lần”. Sau năm năm trải qua lửa đỏ và nước lạnh, thép đã tôi thế đây, anh trở về học tiếp ở Khoa Ngữ văn. Ra trường làm việc không ngơi nghỉ cho đến ngày rời cõi tạm.

Nói không quá, Hoàng Nhuận Cầm là người của thơ, do thơ sinh ra lần thứ hai, thơ chảy trong máu huyết. Tâm hồn anh như một dây đàn dễ ngân rung những âm thanh của đời sống và tình yêu. Anh từng nhận giải Nhất cuộc thi thơ năm 1972 – 1973 báo Văn nghệ, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1993 cho tập thơ “Xúc xắc mùa Thu” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2012.

nha-van-dai-hoc-tong-hop-voi-thu-do-4-54.jpg
Các nhà văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: NVCC

Hoàng Nhuận Cầm là người đọc thơ hay nhất trên các sân chơi thơ và trước công chúng. Ở đâu có Hoàng Nhuận Cầm ở đó có thơ và công chúng yêu thơ. Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của tình yêu, của tuổi trẻ, của sinh viên. Di sản thơ của Hoàng Nhuận Cầm không đồ sộ về số lượng nhưng hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”: “Thơ tuổi 20” (in chung), “Những câu thơ viết đợi mặt trời”, “Xúc xắc mùa Thu”, “Thơ với tuổi thơ”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “36 bài thơ tuyển chọn”.

Hoàng Nhuận Cầm còn là người tài hoa cả trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, tác giả của nhiều kịch bản phim: “Lầm lỗi”, “Đằng sau cánh cửa”, “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội - Mùa đông năm 46”, “Pháp trường trắng”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Đoạn trường chiêm bao”, “Nhà tiên tri”, “Mùi cỏ cháy”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, “mẹ ở đàng ngoài cha đàng trong” (mẹ quê Hà Nội, bố quê Bến Tre). Khi mới nhập học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, các thầy, cô giáo gọi Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn tương lai vì biết nữ sinh viên này có Gen - Văn của mẹ, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú (1942 - 2013), nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3 và 4, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Tác phẩm mới.

Tốt nhiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị đầu quân về làm biên tập tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thông tin), sau đó chuyển sang làm công tác biên kịch, biên tập điện ảnh, từng giữ chức Trưởng phòng phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhưng có lẽ Nguyễn Thị Thu Huệ là người của văn chương đích thực, đích đáng. Là cây bút truyện ngắn có hạng trên văn đàn hiện nay, góp phần tích cực vào kiến tạo một nền văn chương mang gương mặt nữ.

Một số tập truyện ngắn có tiếng vang và nhiều người đọc “Cát đợi”, “Hậu thiên đường”, “Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ”, “Phù thủy”, “Nào chúng ta cùng lãng quên”… Nguyễn Thị Thu Huệ từng nhận giải B giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Hà Nội, năm 1986, cho truyện “Một khoảng chờ đợi”, giải Nhất cuộc thi truyện ngắn, 1992 - 1994, tạp chí Văn nghệ quân đội cho truyện “Hậu thiên đường”, tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1994, cho tập truyện ngắn “Hậu thiên đường”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ từng giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2017 - 2022), tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020 - 2025); hiện là Giám đốc Bảo tàng Văn học (Hội Nhà văn Việt Nam). Đúng là nữ nhi... không thường tình, phụ nữ không thuộc phái yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ