Phụ huynh băn khoăn nhiều khoản thu
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh Trường PTDTBT - THCS Sơn Lư, con em của họ học tập tại ngôi trường này được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, những năm học vừa qua, học sinh không nhận được tiền và gạo hỗ trợ theo quy định mà nhà trường trừ vào các khoản đóng góp. Đến cuối năm học, có phụ huynh còn phải nộp bù số tiền học phí và một số khoản đóng góp khác.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, trong những năm qua, ngoài khoản tiền học phí, nhà trường còn thu nhiều khoản, gồm: Tiền gạch lát sân trường, nhà đa năng 500.000 đồng/HS. Tiền mua giường cho học sinh bán trú 400.000 đồng/em. Tiền lương cho giáo viên hợp đồng 300.000 đồng/em. Tiền ôn thi vào lớp 10, với mức 800.000 đồng/em. Tiền học thêm 120.000 đồng/tháng/học sinh. Tiền đề thi và giấy kiểm tra 200.000 đồng/em. Tiền nước lọc 180.000 đồng/em. Quỹ phụ huynh 200.000 đồng/em. Tiền giấy vệ sinh 50.000 đồng/HS...
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, những năm qua, Trường PTDTBT - THCS huyện biên giới Quan Sơn, được Nhà nước đầu tư, xây dựng nhiều công trình, như: Khu nhà bán trú học sinh, các hạng mục phụ trợ, nhà đa năng, sân, khuôn viên nhà trường…
Kinh phí xây dựng các công trình này từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa và đóng góp của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với điều kiện kinh tế của người dân ở thị trấn Sơn Lư đang nhiều khó khăn, mức thu tiền của phụ huynh như trên là chưa phù hợp. Do đó, nhiều phụ huynh đã phản ứng với cách vận động các khoản đóng góp của nhà trường.
Lý giải của hiệu trưởng
Làm việc với Báo GD&TĐ, Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Sơn Lư Lê Duy Dũng cho biết: Các khoản thu tiền mua giường cho học sinh bán trú, tiền ôn thi vào lớp 10, tiền học thêm, tiền nước lọc, tiền giấy vệ sinh đều được phụ huynh thống nhất, thông qua và đồng thuận.
“Riêng tiền quỹ hội phụ huynh do phụ huynh các lớp tự thu, tự chi, nhà trường không cầm số tiền này. Chúng tôi yêu cầu Hội phụ huynh không được thu vượt quá mức 200.000 đồng/học sinh/năm học”, thầy Dũng nói.
Về khoản thu 300.000 đồng/HS để trả tiền công cho giáo viên dạy hợp đồng, thầy Dũng lý giải: “Khoản tiền nêu trên, nhà trường mới huy động trong năm học 2020 - 2021 để thuê giáo viên dạy. Bởi lẽ, nhà trường thiếu giáo viên trầm trọng, nên phải thuê giáo viên dạy thêm, vì thế mới huy động phụ huynh đóng góp. Nếu sau này, UBND huyện thanh toán tiền thuê giáo viên hợp đồng dạy môn Toán, Ngoại ngữ và tiền thừa giờ của giáo viên, nhà trường sẽ trả lại cho phụ huynh”.
Cũng theo thầy Dũng, để học sinh được học đủ số tiết, kiến thức trong sách giáo khoa, nhà trường buộc phải thuê giáo viên dạy hợp đồng hai môn nêu trên. Mặc dù nhà trường cũng biết việc thu tiền của phụ huynh học sinh để trả công cho giáo viên hợp đồng là không đúng quy định.
Vị hiệu trưởng cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường buộc phải thuê giáo viên có trình độ giỏi về dạy cho các em. “Nhà trường đang thiếu giáo viên môn Ngoại ngữ, Toán, Địa lý, Công nghệ... Nhiều năm qua, chất lượng học sinh thi vào lớp 10 rất thấp, nên chúng tôi mạnh dạn đổi mới”, lãnh đạo nhà trường thông tin.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lương Tiến Thành - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho hay: Nhà trường thu tiền của phụ huynh học sinh để trả công cho giáo viên dạy hợp đồng là sai quy định. Nhận được thông tin này, UBND huyện Quan Sơn chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện vào cuộc kiểm tra và yêu cầu nhà trường phải trả lại tiền cho phụ huynh.
“Lãnh đạo huyện sẽ giao phòng Tài chính - kế hoạch, phòng GD&ĐT rà soát lại tất cả trường học trong huyện, để cấp đủ kinh phí đảm bảo việc dạy và học đủ tiết, đúng chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Thành thông tin.