Theo TS. Nguyễn Huy Oanh – Hiệu trưởng trường Đại học Trưng Vương, mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Mô hình này đòi hỏi việc đào tạo phải có sự thay đổi mục tiêu, chương trình, cơ cấu và chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên thị trường lao động. Trường Đại học Trưng Vương đã và đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Xuân Sơn - Giám đốc Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Giải phóng chia sẻ, mô hình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo đại học là một tất yếu khách quan, không thể trì hoãn và phải hành động thực sự, thực tế, hiệu quả, không thể hình thức, theo kiểu phong trào.
"Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học theo mô hình gắn kết doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao...", ông Nguyễn Hoàng Xuân Sơn chia sẻ.
Còn đại diện đến từ Tập đoàn Medlatec cho rằng, kỹ năng mềm được hấp thụ khi còn là sinh viên đại học sẽ là hành trang cho sinh viên tiếp cận hoàn thiện những kỹ năng cần thiết để tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, khẳng định giá trị bản thân.
TS. Nguyễn Đăng Hanh - Giám đốc Công ty xây dựng Arteco chia sẻ, mô hình các trường business đang là xu thế phổ biến trên thế giới, với mô hình này sinh viên là đối tượng được thụ hưởng trọn vẹn cả kiến thức lẫn kỹ năng. Ra trường giá trị bản thân được định vị cao hơn và doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại.
Theo TS. Nguyễn Thu Hương – Phó trưởng Khoa Kinh tế (Trường Đại học Trưng Vương), hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp là tập hợp một hệ thống nhất và phù hợp nâng cao tính ứng dụng và nâng cao hàm lượng, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Qua đó, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa nhằm trao đổi chuyên gia, trao đổi sinh viên, phối hợp các nhà doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, giáo trình, tài liệu và đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm giải quyết đầu ra cho người học với thu nhập cao và ổn định. "Việc phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, để doanh nghiệp, nhà khoa học cùng ngồi lại với nhau, xây dựng chương trình, giáo trình và doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo như đào tạo kỹ năng, đào tạo song song ngoại ngữ theo chương trình định hướng việc làm ngay từ đầu, làm tăng sự lựa chọn đúng khi người học được định hướng từ đầu...”, TS. Nguyễn Thu Hương nói.
Lãnh đạo Khoa Kinh tế - Trường Đại học Trưng Vương nhấn mạnh, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội và nhà trường đã tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy. Các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc thực tế.
TS. Nguyễn Huy Oanh – Hiệu trưởng trường Đại học Trưng Vương nêu quyết tâm của nhà trường để tạo ra môi trường giáo dục hiện đại, thực tế coi sinh viên là đối tượng được thụ hưởng chất lượng giáo dục đại học tốt nhất.
Một số hình ảnh buổi lễ ký kết với doanh nghiệp:
Trải qua hơn gần 15 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Trưng Vương hiện là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hướng tới là một nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng có chất lượng và uy tín cao, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước. Hiện tại, Nhà trường có 14 chuyên ngành đào tạo: Công nghệ thông tin, Luật Kinh tế, Thương mại điện tử, Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Điều dưỡng, Ngôn ngữ Anh/Trung quốc/ Hàn quốc. Công nghệ Ô tô, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng…