Nâng cao đời sống nhờ tham gia lớp đào tạo nghề

GD&TĐ - Những lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp tại huyện Đăk Hà (Kon Tum) thời gian qua đã giúp bà con nâng cao chất lượng đời sống.

Người dân theo học lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su.
Người dân theo học lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su.

Tăng thu nhập

Mong muốn đời sống người dân ngày càng đổi thay, tiến bộ. Bên cạnh việc quan tâm, hỗ trợ các chế độ, chính sách cho hộ nghèo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Không có nhiều nương rẫy, nên gia đình anh A Điêu (thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đầu tư mua máy kéo để chở hàng hóa. Thế nhưng, do thiếu kiến thức về vận hành nên gặp không ít khó khăn.

Hay tin, địa phương có mở những lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người dân nên anh A Điêu đăng kí tham gia. Theo học lớp vận hành máy kéo nông nghiệp, anh được trang bị các kiến thức về kỹ thuật vận hành an toàn, cách bảo trì, bảo dưỡng và khắc phục sự cố động cơ của các loại máy nông nghiệp.

Bên cạnh đó, anh cũng được thực hành sửa chữa các loại máy nông nghiệp bị hư hỏng. Sau một thời gian học tập, anh đã áp dụng hiệu quả cho máy kéo của gia đình. Những lúc máy gặp trục trặc, anh Điêu có thể chủ động sửa chữa, tránh ảnh hưởng đến công việc và giảm chi phí.

Tương tự, anh A Tiến (thôn Kon Mong, xã Đăk Hring) có 250 cây cao su. Tuy nhiên, do kĩ thuật trồng và chăm sóc còn hạn chế nên năng suất không cao. Với số lượng 30 lít mủ/ngày thu nhập của gia đình chẳng có đồng dư, có khi lỗ cả công chăm sóc.

Biết địa phương có mở lớp dạy cạo mủ cao su, anh Tiến không đắn đo mà liền đăng kí tham gia. Trong quá trình học anh được hướng dẫn chi tiết từng công đoạn khai thác mủ. Kỹ thuật và vị trí cạo mủ cũng được thầy, cô theo dõi sát sao để góp ý, chỉnh sửa cho đúng. Sau khi hoàn thành lớp học, anh A Tiến đã áp dụng các kỹ thuật học được vào vườn cây của mình. Nhờ vậy, 250 cây cao su phát triển tốt, năng suất đạt 40 lít mủ/ngày.

Hàng trăm lớp đào tạo nghề

z5590854657043_85cc546cd800159d71c51c40778c006f.jpg
Nhờ các lớp đào tạo nghề kinh tế người dân ngày càng được nâng cao, đời sống cải thiện.

Ông Văn Viết Hải - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà cho biết, những năm qua đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động chưa qua đào tạo. Từ đó, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo. Đồng thời đề xuất phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp học.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đơn vị dành nhiều thời gian nghiên cứu, biên soạn giáo trình, học liệu, xây dựng danh mục thiết bị đào tạo nghề nghiệp theo quy định.

Tùy theo từng ngành, nghề, Trung tâm có chỉnh sửa các nội dung để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Qua đó giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức, biết cách áp dụng vào lao động, sản xuất, góp phần nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả kinh tế.

Trong năm 2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà đã tổ chức đào tạo 12 lớp nghề với 313 lao động tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã tuyển sinh 289 học viên với đa dạng các nghề đào tạo ở cả 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: Cạo mủ cao su, chăm sóc cà phê vối, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, nuôi và phòng trị bệnh cho dê, vận hành máy kéo nông nghiệp.

Ông Hải cho hay, qua khảo sát, hơn 40% học viên đã vận dụng kiến thức, kỹ năng học được vào thực tế để tăng năng suất lao động. Từ đó, học viên từng bước thay đổi phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước kia.

Còn ông Nguyễn Hoài Vũ - Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cho hay, thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm đến người dân. Ngoài ra, tiếp tục rà soát nhu cầu của lao động nông thôn để chọn các ngành nghề phù hợp và sát với nhu cầu của người dân.

Năm 2023, huyện tổ chức đào tạo 12 lớp nghề dưới 3 tháng. Trong đó, có 8 lớp nghề nông nghiệp với 218 lao động tham gia và 4 lớp nghề phi nông nghiệp với 83 lao động tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã tổ chức đào tạo 2 lớp nghề nông nghiệp với 54 lao động tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ