Đào tạo nghề gắn với giảm nghèo bền vững

GD&TĐ - Thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhằm giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề gắn với giảm nghèo bền vững.
Đào tạo nghề gắn với giảm nghèo bền vững.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua trên địa bàn huyện Phú Lương đã có hàng nghìn lao động ở các thôn, bản được đào tạo nghề, với nhiều ngành nghề sát với nhu cầu, thực tiễn của địa phương cũng như của người dân.

Việc triển khai đào tạo nghề trên địa bàn huyện luôn được các cơ quan chuyên môn quan tâm thực hiện, hàng năm mở lớp tại các thôn bản, đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn qua đó đã tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận và nắm bắt kiến thức một cách hiệu quả.

Có thể thấy thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được trang bị những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt để có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế của gia đình, tạo điều kiện giúp các hộ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng tạo điều kiện giúp huyện nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.

Bà Phan Thị Mai Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Việc khai giảng các lớp đào tạo nghề cho người dân lao động vùng nông thôn, miền núi giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng để tích cực, chủ động trong sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn là rất cần thiết. Việc đánh giá kỹ năng nghề được chú trọng, đảm bảo học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp.

Cán bộ hướng dẫn học viên tham gia lớp sửa chữa máy.

Cán bộ hướng dẫn học viên tham gia lớp sửa chữa máy.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang từng bước được đổi mới

Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên thông tin: Trong những năm qua để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Theo số liệu thống kê, sau 4 năm triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện Phú Lương đã tổ chức được 95 lớp với 2.942 người lao động, trong đó thu hút 1.245 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 2.060 người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo. Sau đào tạo có trên 80% học viên có việc làm cho thu nhập ổn định.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền huyện Phú Lương sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình; triển khai dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm.

Như vậy, trong những năm qua để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đúng với nhu cầu của người dân, các ngành nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Hằng năm, huyện Phú Lương đã ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Huyện cũng thường xuyên đổi mới chương trình giảng dạy, giáo trình đào tạo, chuẩn đầu ra; chương trình theo khung của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tham khảo các tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn để nghiên cứu, học hỏi; khai thác thêm các kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác như: Sách tham khảo, các trang mạng chuyên đề, thông tin đại chúng. Việc xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo và chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp về nội dung và thời gian đào tạo, thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình mới để bám sát nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ