Nhà trường chủ động thích ứng: Thí sinh hưởng lợi

GD&TĐ - Ngay sau khi các trường mở cổng tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ THPT và tổ chức kỳ thi riêng, sự quan tâm về nhóm ngành học mới, cơ hội xét và trúng tuyển các phương thức bắt đầu nóng lên.

Ths Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) tư vấn cho học sinh trước mùa tuyển sinh.
Ths Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) tư vấn cho học sinh trước mùa tuyển sinh.

Để hoạt động tư vấn cho thí sinh đạt hiệu quả, nhiều trường ĐH - CĐ đã bố trí lực lượng trực tư vấn 24/24 giờ.

Tư vấn 24/24 giờ cho thí sinh

Ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay công tác tuyển sinh, tư vấn của các trường ĐH - CĐ được triển khai từ sớm. Để công tác tuyển sinh được chủ động, hiệu quả và tăng tính tương tác với thí sinh, hoạt động tư vấn trực tuyến được các trường đẩy mạnh, sẵn sàng tư vấn 24/24 giờ.

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (GDU) - cho biết: Do công tác tuyển sinh triển khai sớm khi lịch học trực tiếp của các trường vẫn chưa chốt nên hoạt động tư vấn trực tuyến được xem là then chốt của các trường. Ngoài việc quan tâm về cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức xét học bạ THPT, kỳ thi riêng, thí sinh cũng đặc biệt quan tâm về nhóm ngành nghề mới mà các trường dự kiến mở.

“Từ tháng 1, nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ. Công tác tư vấn cũng được triển khai kỹ lưỡng với 7 tư vấn viên thay nhau trực theo các ca để có thể tư vấn cho thí sinh bất cứ lúc nào. Từ đầu tháng 3 đến nay, công tác tư vấn của trung tâm luôn đặt trong tình trạng quá tải, khi có nhiều thí sinh hỏi về nhóm ngành nghề mới, mức học phí và cả cơ hội trúng tuyển sớm.

Ngoài việc nộp hồ sơ hay tư vấn trực tiếp, thí sinh còn có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường hoặc quét QR code để xét học bạ ngay cho tiện lợi, nhanh chóng và chủ động. Đến thời điểm này, GDU đã nhận được lượng hồ sơ xét tuyển học bạ kha khá của thí sinh toàn quốc. Thí sinh đăng ký số lượng lớn ở các ngành học: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng”, TS Toàn chia sẻ.

Ngoài công tác tư vấn tuyển sinh qua đường dây nóng, cổng giải đáp thông tin ngành nghề, Trường ĐH Tài chính – Marketing còn thực hiện nhiều số tư vấn (chuyên đề) trực tuyến từ đầu tháng 3 trên các nền tảng Facebook, Zalo, website và fanpage của trường.

“Nhiều thí sinh vừa mới thi xong kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM đã gọi xin tư vấn về cơ hội trúng tuyển vào ngành học mà mình yêu thích. Các em cũng tham vấn rất nhiều về điểm chuẩn, chỉ tiêu và cả cơ hội khi tham gia xét tuyển sớm”, ThS Phụng nói.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing (UFM) - cho hay: Trường thực hiện song song tư vấn trực tiếp và trực tuyến. Theo ThS Phụng từ đầu tháng 3 đến nay nhu cầu tìm hiểu về ngành nghề, các phương thức xét tuyển và cơ hội trúng tuyển ngay với phương thức xét học bạ THPT, xét tuyển thẳng được thí sinh đặc biệt quan tâm. Vì vậy, ngoài việc bố trí chuyên viên tư vấn tuyển sinh trên các nền tảng tư vấn trực tuyến, hoạt động tư vấn qua điện thoại, ứng dụng hướng nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến cho thí sinh tại các trường đang vào mùa cao điểm.
Công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến cho thí sinh tại các trường đang vào mùa cao điểm.

Thí sinh được hưởng lợi

Theo ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), việc phát triển và mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh, kênh thi và tư vấn cho học sinh không chỉ nhà trường mà thí sinh cũng có lợi. ThS Bích đánh giá: Sau nhiều biến động về thi cử, xét tuyển trong hai năm gần đây vì dịch bệnh, thí sinh ngày càng thận trọng hơn trong từng lựa chọn, đặc biệt các em biết cách tận dụng tối đa phương thức tuyển sinh.

Với sự thích ứng này, theo ThS Bích, các nhóm ngành thiên về truyền thông, Marketing, Tài chính, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kinh doanh trên các nền tảng số mang tính thu hút cao trong những năm gần đây. Các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển theo các phương thức riêng khá sớm, có trường nhận từ đầu tháng 1. Vì vậy, để thí sinh nắm và hiểu rõ hơn các mục tiêu mình cần tìm hiểu, trường không chỉ thực hiện tư vấn 24/24 giờ, mà còn sẵn sàng hỗ trợ cho các em những góc nhìn đúng đắn nhất trong chọn ngành thông qua sự tư vấn của chuyên gia tuyển sinh danh tiếng.

Đặc biệt, nhà trường hỗ trợ tư vấn cho thí sinh qua nhiều kênh khác nhau như tư vấn online, kênh cá nhân của chuyên gia, kênh của trường THPT, tham gia các nhóm, group cùng lứa tuổi, của sinh viên các trường.

“Khi công tác tư vấn đi đúng hướng, học sinh hiểu rõ hơn về cơ hội và năng lực của bản thân, các em sẽ tự tin chọn lựa. Thời điểm này, các phương thức xét tuyển chủ yếu đều căn cứ vào kết quả học THPT của thí sinh. Với phương thức này, trường thì đánh giá được sức hút của mình với thí sinh. Thí sinh thì an tâm cho cơ hội vào đại học bằng nhiều cách khác nhau hoặc vào đại học sớm hơn, không phải chờ đến xét kết quả thi THPT”, ThS Bích chia sẻ.

Có góc nhìn tương tự, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: Trên nền tảng công nghệ, trường đã chạy được 4 số chuyên đề dưới hình thức tư vấn trực tuyến. Ở hình thức trực tiếp, ngoài việc đi xuống từng trường thực hiện công tác tư vấn, giải đáp thì trung tâm có hẳn bộ phận trực tiếp và tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Mục tiêu giúp thí sinh hiểu, nắm rõ nhất về năng lực, cơ hội trúng tuyển của mình bằng một phương thức xét tuyển phù hợp nhất.

Theo ông Nguyễn Việt Thái - Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Tuyển sinh, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), cái hay của công tác tuyển sinh năm nay là rất đông thí sinh tham gia tư vấn, xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Không những vậy, nhiều em còn chủ động trong việc định hướng và nắm bắt cơ hội trúng tuyển sớm cho mình bằng các phương thức xét tuyển riêng.

“Nhà trường vừa tổ chức thành công cuộc thi “Future Me” với sự tham gia  của đông đảo học sinh đến từ các trường THPT tại TPHCM. Qua từng vòng thi, chúng tôi nhận thấy thế hệ học sinh hiện nay khá giỏi về công nghệ và có sự trưởng thành nhất định trong định hướng ngành nghề. Không chỉ nhận thức rõ hơn, sâu hơn về các ngành nghề sẽ theo đuổi, học sinh tương thích rất nhanh với bối cảnh học tập mới. Đây chính là nền tảng giúp các em thành công hơn trong tương lai”, ông Thái nhận định.

“Thí sinh ngày càng chú trọng, thích ứng với các vấn đề xã hội nhiều hơn. Không chỉ thoải mái hơn trong việc thể hiện góc nhìn cá nhân trong học tập, mạnh dạn xác lập mục đích học đại học, các em còn chủ động trong việc chọn lựa và tiếp nhận thông tin tích cực (qua tư vấn) để đưa ra quyết định. Vì vậy, khi tuyển sinh vào mùa cao điểm, các thông tin mang tính cập nhật, đổi mới là điều mà các thí sinh muốn nghe, trải nghiệm nhất”, ThS Bích nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ