Động lực nào thúc đẩy cây viết trẻ này cầm bút viết thể tài tiểu thuyết lịch sử nặng ký như thế?
Ở đâu có trí tuệ và tình yêu chân thành, ở đó có bình an
- Khi viết đến dòng cuối cuốn tiểu thuyết, chị thấy hài lòng nhất với chi tiết, hoặc điểm nhấn nào?
Tác giả Lục Hường: “Nguyên khí ngàn đời” vẽ lên một bức tranh cuối triều Mạc với những tranh đấu và đầy rẫy những mối lo từ chốn cung đình. Thế nhưng “Nguyên khí ngàn đời” lại chứng minh cho tất cả chúng ta một điều: Ở đâu có trí tuệ và tình yêu chân thành ở đó có sự bình an.
Dù có bao thị phi, dù có xung đột đao kiếm, dù vây quanh là sự đe dọa tính mạng, nhưng mọi thử thách, khó khăn đều quá nhỏ bé, đều khuất phục trước sự hi sinh bằng chính trí tuệ và tình yêu của con người.
Điểm nhấn quan trọng nhất của “Nguyên khí ngàn đời” chính là mối tình trong veo, tươi đẹp của Công chúa Triều Mạc, con gái của Vua Mạc Phúc Nguyên với Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ Bộ Thượng thư Tả thị lang.
Câu chuyện tình yêu này là nét chấm phá bình yên nhất trong chốn cung đình đầy những hiểm nguy. Hai con người dành cho nhau toàn bộ trí tuệ, sự chân thành, và hi sinh cả tính mạng để chờ đợi nhau 440 năm. Sau thời gian được cho là một vòng quay của những kiếp luân hồi, họ mới gặp lại nhau, kết nối lại với nhau.
Tình yêu của hai con người vượt thời gian, vượt không gian đó là những điều khiến cho bao thế hệ hôm nay ngưỡng mộ. Một tình yêu không những lời vô nghĩa. Một tình yêu bằng trí tuệ và sự tinh tường. Một sự tin tưởng và yêu thương hết mực.
Họ cùng nhau chiến đấu, hiểu nhau tới mức không cần nói, yêu thương nhau tới mức không kể tới cả tính mạng của mình. Bên cạnh đó tiểu thuyết cũng thể hiện câu chuyện tình yêu trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước giữa Liệt sĩ Phạm Thọ Quang và Liệt sĩ Hoàng Oanh, và điều này khiến cho từng trang viết trở nên ngọt ngào.
Có thể nhiều tiểu thuyết khác cũng viết về tình yêu, nhưng câu chuyện tình yêu này là câu chuyện vượt lên mọi tình yêu thông thường, mà có thể thế hệ hôm nay cũng khó có được, đó là yêu bằng trí tuệ, bằng sự biết ơn, bằng sự chân thành, bằng sự tin tưởng tuyệt đối, và yêu dù không nói lên lời yêu một lần nào.
Điểm đặc biệt trong cuốn sách còn nằm ở chính những người từ đầu đến cuối tưởng như là kẻ thù không đội trời chung, dù họ không cần gặp mặt, nhưng tình người và sự tử tế thì luôn vượt qua được mọi sự hiểu nhầm, mọi lời đồn đoán, mọi thị phi để họ nợ nhau.
Đó là cách Bùi tướng quân đã nhận tấm ân tình từ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo để mãi sau này, họ dù là kẻ thù nhưng không bao giờ oán trách nhau.
Cái kết của tiểu thuyết “Nguyên khí ngàn đời” còn hé mở thêm một điều, đó là “Nguyên khí ngàn đời” chỉ là khởi đầu, để sau đó còn nhiều hành trình, nhiều cuốn sách với bối cảnh triều Mạc để thế hệ hôm nay hình dung đầy đủ hơn về bức tranh triều Mạc dưới thời Vua Mạc Mậu Hợp.
- Chị có nỗi lo nào trước khi bắt tay viết sách?
Tôi không tìm được nhiều tài liệu lịch sử cho cuốn sách, và nỗi lo lớn nhất của tôi khi bắt tay viết chỉ là sợ chưa đủ chín chắn, chưa đủ trải nghiệm, chưa đủ sâu sắc để truyền tải tốt nhất những thông điệp người xưa muốn gửi gắm thông qua “Nguyên khí ngàn đời”.
Những bài học mở từ tiểu thuyết
- Khi hoàn thành cuốn sách chị có suy nghĩ gì và hướng đến nhóm độc giả nào?
Suy nghĩ của tôi được gửi gắm thông qua lời tựa tôi viết ở cuốn sách này “Tôi may mắn được lựa chọn để viết lại câu chuyện dựa trên nguyên mẫu là Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ Bộ Thượng thư tả thị lang dưới thời Vua Mạc Mậu Hợp.
Câu chuyện tôi viết có thực, có hư, những điều hư ảo quyện vào trong từng chi tiết thực tế, và tôi tin tưởng tuyệt đối rằng điều ý nghĩa nhất tôi nhận được chính là sự chân thành và biết bao bài học qua những câu chữ tưởng như đơn giản, nhẹ nhàng.
Nếu chúng ta dành thời gian cho cuốn sách như một người bước giữa quá khứ và hiện tại, mỗi chúng ta sẽ nhận ra điều ý nghĩa nhất mà cả cuộc đời bao con người đang theo đuổi”.
Khi viết xong cuốn sách này, tôi cảm thấy xúc động vô cùng, thấy mình quá may mắn, học được quá nhiều, học được từ những câu từ, từ trí tuệ của người xưa, học được cách để biết ơn cuộc đời. Tôi trân trọng từng dấu phẩy, từng dấu chấm trong “Nguyên khí ngàn đời” và khi nhận được tranh minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi tôi càng xúc động hơn nữa.
Bức vẽ không cần chỉnh sửa, vì quá đúng với những gì tôi mong được nhìn thấy, một tình yêu, trí tuệ, một sự bình yên và trường tồn. Tôi nhận ra rằng “Nguyên khí ngàn đời” là một món quà thật đẹp, thật đáng quý vì đó là món quà của tri thức và món quà của sự chân thành.
Đối tượng độc giả của cuốn sách thì tôi nghĩ rằng đó là tất cả những ai đủ duyên với cuốn sách này, và tôi chỉ mong muốn thật nhiều người đón nhận được thông điệp được gửi gắm từ những người sống hết mình cách chúng ta gần 500 năm.
- Những độc giả đầu tiên đọc tiểu thuyết “Nguyên khí ngàn đời” là ai và họ cảm nhận như thế nào về cuốn sách?
Để chia sẻ về những độc giả đầu tiên của “Nguyên khí ngàn đời” tôi không thể không nói đến độc giả đầu tiên, đó chính là Hậu duệ đời thứ 19 của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, anh Phạm Văn Sơn – Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, anh đã khóc với từng chương tôi viết và gửi mail, anh đã cười với sự bất ngờ mà sâu thẳm trong trái tim mình, anh không bao giờ nghĩ hôm nay lại có cơ duyên ngồi đọc những suy nghĩ mà Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – người thân của anh đã sống cách đây gần 500 năm.
Và chưa bao giờ anh cảm thấy khoảng cách 500 năm lại gần đến thế, nó chỉ như hôm qua và hôm nay. Để rồi chính anh Phạm Văn Sơn cũng học hỏi, trau dồi, nghiền ngẫm từng câu chữ trong cuốn sách với một cảm xúc khó tả.
Cảm xúc này là cảm xúc của một người đọc thật sự, một thế hệ đi sau gửi sự ngưỡng mộ của mình tới những con người sống cách chúng ta 440 năm, gửi tới những người lính trong kháng chiến chống Mỹ. Và trên tất cả, anh cũng nghĩ rằng, cuốn sách này là cuốn sách dành cho tất cả mọi người.
Người tiếp theo đã vô tình đón nhận cuốn sách, đó là Thạc sĩ văn học Nguyễn Khắc Tú, khi đọc xong cuốn sách, anh cảm nhận: “Một cuốn sách mà khi vô tình nhìn thấy và đọc từng dòng, từng chữ một ta sẽ có cảm giác khá e dè cũng bởi có cái ta thấy mơ hồ, khó hiểu. Nhưng đó cũng chính là cái cách tác giả dẫn dắt độc giả từ từ đi vào một hành trình giữa hư và thực, giữa hiện tại và tương lai.
Và ta cũng đắm chìm vào cuộc hành trình đi tìm “Nguyên khí ngàn đời” của chàng Lễ bộ Thượng thư Tả thị lang và công chúa lúc nào không hay. Chính lúc ấy, ta có thể gọi đó là cái DUYÊN. Như một cuốn phim cứ chiếu từng thước này sang thước khác.
Ta hồi hộp dõi theo, ta cũng trầm ngâm trước những suy nghĩ và dòng tưởng tượng của nhân vật chính. Xét về khía cạnh lịch sử, đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử tuyệt vời bởi thông điệp gửi gắm từ quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ta thấy có âm mưu nơi thâm cung, thấy được cuộc sống cung đình, cuộc sống của dân chúng. Ta cũng bồi hồi xúc động trước những bức thư của một chàng trai trẻ gửi về gia đình. Ta cũng đau xót khi thấy được sự khốc liệt, tàn nhẫn của chiến tranh.
Tác giả đã thu xếp vừa đủ để làm câu chuyện lịch sử rất chân thực mà vẫn có yếu tố mơ hồ. Và điểm sáng nhất mà người đọc say mê, dõi theo một cuốn tiểu thuyết lịch sử dày đến hơn 400 trang là tình yêu xuyên thời gian của 2 nhân vật chính của tác phẩm.
Đó chính là một dòng suối tươi mát, đầy trong trẻo giữa chốn cung đình tàn nhẫn, lạnh lùng, khô cằn cảm xúc. Nó khiến cho người đọc chợt “ồ” lên kinh ngạc: “Thời trước các cụ nhà mình yêu nhau sao thơ mộng quá, thanh khiết quá, cao đẹp quá”.
Dù cái kết có thể có người chưa thấy thoả mãn nhưng âu đó cũng là điều đọng lại tuyệt đẹp luôn ở trong tâm trí chúng ta. Cái tài ở tác giả Lục Hường là cái ý nghĩa to lớn như thế đã được cô gói gọn lại thật giản dị đến bất ngờ: “Nguyên khí ngàn đời nằm ở tâm hồn, nằm ở tư duy”.
Và một đạo diễn trẻ của Điện ảnh Quân đội ngay khi đọc “Nguyên khí ngàn đời” đã đọc tiếp lần 2 để chuẩn bị lên ý tưởng cho kịch bản phim, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết nhận xét “Tôi cứ thắc mắc: Nếu không có một cái duyên, không có một sự trùng lặp đến ngẫu nhiên thì tại sao một cô gái mới 33 tuổi lại viết được một cuốn sách hay, lôi cuốn và rất đúng với cái tên “Nguyên khí ngàn đời”.
Nếu ai đọc mà không biết về tác giả sẽ nghĩ chắc hẳn đây là cuốn sách của một người lớn tuổi và rất am hiểu về quá khứ, lịch sử... Đọc sách lần 2 mà tôi cứ bị cuốn hút không dứt ra nổi, tôi ấn tượng nhất là nhân vật Phạm Quang với Hoàng Oanh (những người lính của cuộc chiến, với tình yêu đẹp, tinh thần bất khuất...) đôi lúc tôi nổi gai người, rưng rưng nước mắt... Tôi rất muốn xây dựng một kịch bản phim về mối tình này”.
Còn rất nhiều lời nhận xét về tiểu thuyết nhưng thật khó để chia sẻ hết trong bài viết này. Với cá nhân tôi, tôi chỉ mong muốn “Nguyên khí ngàn đời” mang lại ý nghĩa cho thật nhiều người, như chính tôi đã học được thật nhiều điều như đón nhận viên ngọc quý được chuyển tới từ quá khứ, dành cho hiện tại và lưu giữ mãi ở tương lai.
Đó là động lực cho thế hệ chúng ta, thế hệ cần có hành động để xây dựng đất nước xứng đáng với hi sinh, với tâm nguyện của bao thế hệ đi trước.