Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Lang bang trong cõi mộng du

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Lang bang trong cõi mộng du

(GD&TĐ) - Nói đến thơ ca thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không thể không nhắc đến là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông như thể được sinh ra để làm thơ về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta và để trở thành một trong những đỉnh cao của thơ ca thời kỳ này.

Viễn du ra mặt trận

Vào thời điểm ấy, nhu cầu được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sôi sục trong huyết quản thế hệ trẻ chúng tôi. Phạm Tiến Duật không phải là trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng, còn có một lối đi khác, lối đi vào thi ca thì không phải ai cũng có cơ may như anh. Ông tham gia chiến đấu với tư cách một phóng viên mặt trận nhưng gian khổ như một người lính chiến thực thụ. Ông là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, hơn là một sự trải nghiệm đau đáu về những vết thương ấy. Điều đó đã được phản ánh khá rõ trong thơ ông. Những bài thơ để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu thích thơ ca thời chống Mỹ như: “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây”… Những bài thơ này đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của thơ ca Việt Nam thời kỳ chống Mỹ với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt IV, năm 2012.

Sau này, khi chiến tranh ngày càng lùi sâu vào quá vãng, không ít người đã  ghi nhận sự lãng mạn, có khi như “lên đồng”, như kẻ “mộng du” trong thơ Phạm Tiến Duật. Còn ông lại nghĩ khác, đời mình là một cuộc phiêu bạt cùng số kiếp. Thuở nhỏ, dường như việc đi bộ hàng chục cây số để đến trường đã nuôi trong ông mầm mống của một kẻ phiêu bạt đó đây. Lên cấp ba thì đi trọ học ở xa nhà, sau đấy xuống Hà Nội học Đại học Sư phạm. Trước khi vào chiến trường, ông thường đi chiếc xe đạp sơn màu xanh lá cây, trên khung xe ghi hai chữ “chống Mỹ” và cùng với chiếc ba lô con cóc. Một ngày đẹp trời ông quẳng chiếc xe đạp lên thùng xe tải, rong ruổi theo những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, súng đạn vào chiến trường.

Sự lãng mạn bất cẩn

Từ đó, con đường ra trận trong mắt anh sinh viên vừa mới tốt nghiệp trở thành đường ra trận “mùa này đẹp lắm”, một cái đẹp đầy chất lãng mạn cách mạng và chỉ có những người như Phạm Tiến Duật mới có được mà thôi. Ngay chính ông cũng không dễ gì lý giải một cách thấu đáo được tại sao mình lại làm như vậy, nhưng chỉ biết lúc ấy cứ thế mà đi, mà làm thơ, mà trở thành thi sĩ.

Sau này, ông bộc bạch:  “Tất cả giấy tờ, của tôi để lại ở Cục Vận tải, tôi cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Tôi không hề biết lái xe ô-tô, tôi chỉ cùng với những người lính vận tải, bám theo xe nọ, nối gót theo xe kia. Không có ai cử đi công tác mà tôi tự đi, tôi theo những người lính vào mặt trận. Đến khi vào sâu chiến trường, tôi gửi xe đạp ở nhà dân trong làng rồi cứ thế đi tiếp,… 

Chính cái cách ra trận có vẻ như “bất cẩn” của những người như ông cùng những gì mà các ông tận mắt chứng kiến từ cuộc chiến tranh khốc liệt đã giúp nhiều văn nghệ sĩ cùng thế hệ có được những tác phẩm hay vào bậc nhất nhì của một phong trào thi ca lúc bấy giờ. Theo ông, vào lúc đó, việc sáng tác thơ người ta không còn câu nệ vào vần điệu và cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần điệu của cuộc sống chiến đấu trên chiến trường làm gốc cho chữ nghĩa.

Phạm Tiến Duật vừa là người ở trong cuộc, vừa là người ở ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ. Phần ở trong, đã cho ông những dữ liệu của đời sống thực nơi chiến trường. Phần ở ngoài cho ông cái bồng bềnh, mơ mộng và lãng mạng của một thi sĩ trí thức, ít nhiều pha chút chất “lạc quan tếu”. Cả hai đã tạo cho ông có những giây phút thăng hoa trong các bài thơ mà ông đã viết trong những năm tháng đó. Những người như ông thường đau cùng nỗi đau thực của người lính nhưng lãng mạn hơn cái lãng mạn thực của người lính giữa nơi đạn bom và máu lửa ấy.

Mệnh lệnh trái tim

Có thể do tố chất và năng khiếu bẩm sinh của một thi sĩ trong ông, Phạm Tiến Duật đã chọn khía cạnh lãng mạn của người lính chiến, hay đúng hơn là cuộc đời đã hướng ông đến với sự lãng mạn nhiều hơn là nỗi đau của cuộc chiến: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng/.../ Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm, cười ha ha…”

Sự lạc quan đến duy ý chí của Phạm Tiến Duật khiến những ai không bước ra từ cuộc chiến đó thấy rất khó để hình dung và chấp nhận được. Nhưng ở vào thời điểm đó, Phạm Tiến Duật đã thực sự có lý hay nói đúng hơn cuộc chiến tranh thần kỳ của dân tộc đã cho ông một cái lý, cái quyền quên đi những gian nan, vất vả, thiếu thốn trăm bề, thậm chí cả sự hy sinh xương máu. Bởi lẽ trong chiến tranh mọi cái đều có thể xảy ra nên mọi người cần phải lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai. Đó dường như là mệnh lệnh trái tim của những người lính, của những thi sĩ và cả dân tộc ta thời ấy.

Sự lãng mạn, lạc quan của Phạm Tiến Duật là biểu hiện sinh động bằng hình tượng nghệ thuật tinh thần chung của cộng đồng và thời đại. Đây có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến thơ ông trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hoa Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.