NHÀ RÔNG - qua nhận thức của học trò

GD&TĐ - Nói đến văn hoá kiến trúc Tây Nguyên, người ta không thể không nhắc đến nhà Rông. Đó là nét đặc trưng truyền thống, là biểu tượng đặc sắc nhất và là niềm tự hào của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

NHÀ RÔNG - qua nhận thức của học trò

Tại nhà Rông, thỉnh thoảng làng có tổ chức cho những con trai chưa vợ đến nghe các già làng, người có kiến thức và kinh nghiệm truyền dạy cho những kinh nghiệm sống để thích nghi với môi trường hiện tại và bản lĩnh của một người đàn ông trước khi trưởng thành, lập gia đình… Có nơi, con gái chưa chồng cũng được đến ngủ ở nhà Rông để được học những bài học quý giá ấy như con trai…

Thế nhưng gần đây, nét văn hóa kiến trúc đặc trưng và truyền thống nhà Rông Tây Nguyên đang dần mai một và có nguy cơ bị “hiện đại hóa” trong nhận thức của mọi người kể cả bà con bản địa Tây Nguyên!

Những năm còn dạy ở trường trung tâm thị trấn, qua bài giảng “Sơ lược mỹ thuật các dân tộc ít người ở Việt Nam”, tôi hỏi học sinh lớp 9: “Em hãy mô tả lại chất liệu để làm nhà Rông của dân tộc Tây Nguyên?”. Các em lần lượt đứng lên mô tả: “Mái nhà Rông được lợp bằng tôn, trụ được làm bằng những cột bê tông to lớn và được xây bằng xi măng…”.

Ngỡ ngàng trước câu trả lời của học trò, tôi lại tiếp tục gọi em khác, câu trả lời cũng không có gì thay đổi. Tôi gọi một em học sinh người đồng bào thiểu số chính gốc Tây Nguyên, câu trả lời của em cũng không có gì khác so với các bạn trước. Tôi bèn hỏi: “Các em dựa vào đâu để mô tả chất liệu làm nên nhà Rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như vậy?”. Các em trả lời: “Nhà Rông văn hóa của huyện mình đấy cô!”. Các em học sinh đồng bào cũng bảo: “Làng em cũng có nhà Rông như thế!”.

Tôi ngỡ ngàng... Hàng ngày các em được quan sát các ngôi nhà Rông ấy với các chất liệu tạo nên như các em vừa mô tả. Hóa ra là vậy!...

Được chăng, nếu đã xây dựng nên biểu tượng cho văn hóa Tây Nguyên thì ta nên cố gắng thực hiện đúng bản chất của nó, bởi đó chính là cái để bảo tồn, phát huy và làm cho người khác hiểu và nhìn nhận đúng cái cốt lõi giá trị tinh thần của biểu tượng văn hoá vật thể này.

Thực trạng ở các buôn làng hiện nay, các nhà Rông truyền thống được đầu tư để xây mới nhằm “khôi phục” lại nét văn hoá này, nhưng tiếc thay tất cả đều đã được hiện đại hóa bằng bê tông, tôn thép, qua những nhà thầu xây dựng, không qua nguyên vật liệu từ thiên nhiên và bàn tay tài hoa đã được nhiều đời truyền lại của nghệ nhân... khiến cho thế hệ trẻ mất dần đi những quan niệm văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên. Khái quát lại thì nhà Rông ngày xưa được “dựng” còn nhà Rông ngày nay được“xây”!

Và những năm sau đấy, mỗi lần dạy bài học này cho học sinh lớp 9 tôi đều lưu ý đến vấn đề trên để… không bị “lạc đề”, không bị… “cháy giáo án”.

Căn nhà Rông truyền thống rất đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên xưa kia đã dần xa lạ trong mắt nhìn và ký ức của mọi người. Còn chăng chỉ là những ngôi nhà hiện đại được xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà Rông mà thôi. Những ngôi nhà Rông theo đúng truyền thống Tây Nguyên giờ đây còn rất ít! Và đấy là điều khiến cho một giáo viên Mỹ thuật như tôi luôn ray rứt qua từng bài dạy của mình!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.