Hỏi chuyện lâu mới biết, vị trưởng phòng ngoài công tác quản lý GD còn là một người đam mê khoa học, luôn áp dụng cách nghĩ khoa học vào công việc hàng ngày.
Chúng em mong được thầy dạy, dù chỉ 1 tiết!
Đi làm từ năm 1994, tính đến nay anh Anh Tuấn gắn bó với ngành GD Tuyên Quang được 24 năm, trong đó thời gian 2 năm làm GV môn Sinh học và 22 năm làm công tác quản lý! Hỏi anh: Dường như con đường sự nghiệp của anh suôn sẻ, thuận lợi, vì làm công tác chuyên môn một thời gian ngắn rồi làm công tác quản lý? Anh Tuấn cười hiền: “Khó khăn nhiều lắm. Mà cái khó nhất là người khác không hiều mình!”.
Anh Tuấn kể, thời gian đầu đi làm ở Trường THPT Kim Xuyên, anh học Sinh học, nhưng đến trường được giao dạy thể dục anh vẫn vui vẻ làm. Giờ gặp lại học trò cũ, nhiều người đã làm hiệu trưởng, anh Tuấn vẫn đùa vui: “Tớ tự hào là cậu cao to thế này có phần công sức của tớ!” Sau 2 năm, anh được lãnh đạo tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Phó Hiệu trưởng trường THPT Đông Thọ, tính thời điểm đó anh mới hơn 20 tuổi, là quản lý trẻ nhất tỉnh Tuyên Quang!
Trẻ trung, nhiệt huyết, anh xắn tay vào xây dựng nền nếp nhà trường. Rèn nền nếp thì phải thay đổi thói quen, có khen có phạt, cả GV, HS, phụ huynh HS cũng tỏ ra không thích. “Lúc đó tôi cảm giác mình cô đơn giữa biển người. Rồi lại tự nhủ thà cô đơn mà làm đúng, làm tốt còn hơn là buông lỏng kỷ luật”. Và sau 2 tháng kiên trì thực hiện, GV, HS và cả phụ huynh đã gặp thầy Anh Tuấn nói lời cảm ơn khi nhận ra mình được đánh giá công bằng, minh bạch, được làm việc, học tập trong môi trường sư phạm thân thiện, an toàn.
Gắn bó với trường THPT Đông Thọ được 8 năm, trường đang đi vào guồng thì anh Tuấn được điều động sang làm Hiệu trưởng Trường PTTH Sơn Dương. Cổng trường Sơn Dương lúc đó luôn tụ tập một nhóm thanh niên hư ở địa phương, cấu kết với một số HS trong trường trấn tiền, xe đạp, đe dọa không cho HS đến trường học tập. Từ trường Đông Thọ chuyển tới, thấy như vậy, anh Tuấn quyết liệt tuyên bố: “Nếu không chấm dứt được tệ nạn này, tôi xin thôi không làm hiệu trưởng.”
Và sau đó là quãng thời gian vất vả, có những lúc anh Tuấn phải đối mặt với sự đe dọa tính mạng nhưng anh quyết không chùn bước. Huyện Sơn Dương điều động công an trực ở cổng trường mấy tháng liền, dẹp tan tệ nạn tụ tập trấn tiền của HS. “Nếu không cứng rắn có lẽ không thể được việc.” – Anh Tuấn chia sẻ.
Thời gian anh Tuấn làm Hiệu trưởng, trường PTTH Sơn Dương có thành tích nghiên cứu khoa học “nức tiếng” ở tỉnh Tuyên Quang, và giờ Sinh học của thầy Anh Tuấn được HS rất thích. Gắn bó với trường Sơn Dương được 7 năm, anh Tuấn được điều động lên Sở GD&ĐT phụ trách lĩnh vực GD trung học.
Anh Nguyễn Minh Anh Tuấn trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ Sinh học, chuyên ngành Di truyền học |
Nghiên cứu sinh đặc biệt
“Người ta làm quản lý thì chỉ làm lĩnh vực quản lý thôi. Anh làm quản lý thuần túy, không nghiên cứu về sư phạm, phương pháp mà đi sâu và lĩnh vực nông nghiệp như thế này thì thật… lạ.” – Thầy hướng dẫn và các chuyên gia đã nói với anh Anh Tuấn như vậy khi anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với đề tài chuyên ngành di truyền học: “Đánh giá đa dạng di truyền các dòng đột biến từ hai giống lúa tẻ thơm đặc sản và xác định một số dòng triển vọng”.
Đây là đề tài nghiên cứu vừa có tính khoa học hàn lâm, vừa có tính ứng dụng, đi sâu vào chọn giống lúa trong lĩnh vực nông nghiệp. Bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu vào cuối năm 2017, anh Tuấn có 9 dòng lúa được đưa vào Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Đam mê nghiên cứu khoa học rèn anh Tuấn tính kiên trì theo đuổi mục tiêu, ngay trong công tác quản lý hàng ngày ở Sở. Nhớ lại 3 tuần đầu chuyển từ trường lên Sở, anh lúc nào cũng thấy… chán! Đang ở trường đông người vui vẻ, giờ làm công việc mới, một mình với 4 bức tường, hiệu quả công việc không thấy ngay như ở trường.
Đến bây giờ, anh Tuấn công tác ở Sở chẵn 7 năm thì mới thấy thành quả, để nhắc đến GD trung học Tuyên Quang là nhắc tới phát triển chương trình và mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh – những mô hình tiêu biểu không chỉ của Tuyên Quang mà còn của GD cả nước.
Các đồng nghiệp khi nhắc đến TS Nguyễn Minh Anh Tuấn cứ hay tiếc, nói: Đáng lẽ anh Tuấn làm nghiên cứu sinh ở Úc, rồi anh cũng từ chối du học Đức, từ chối làm việc ở Viện Di truyền để gắn bó với GD Tuyên Quang... Chả là anh Tuấn đã sang Úc học được 2 tháng rồi xin về nước, anh lo con gái lúc đó đang học lớp 3 không có bố bên cạnh trong quãng thời gian quan trọng nhất của tuổi mới lớn, thương vợ vất vả một mình chèo chống mọi việc.
Thời gian làm NCS ở trong nước, gia đình anh lại có thêm tiếng trẻ nhỏ. Với anh Tuấn, không bao giờ có chữ “hối tiếc” cho quyết định của mình. Để hàng ngày, sau thời gian dành cho công việc, anh Tuấn chỉ mong được trở về nhà bên vợ và hai cô con gái. Buổi tối ba bố con cùng chong đèn, con gái lớn học bài, con gái nhỏ tập tô, còn bố thì say sưa nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh. Từ chối cơ hội du học, đổi lại, anh Tuấn có những phút giây hạnh phúc ngọt ngào như thế!
“Tôi nghiên cứu khoa học để biết thêm kiến thức, để làm việc gì cũng tính toán chu toàn theo nhiệm vụ được giao, đưa cách thức khoa học vào quản lý, chứ không đi học để mong đạt một vị trí nào đó.”