Trong suốt 20 năm trị vì, vua Gia Long từng nhiều lần ban Chiếu lệnh miễn, giảm thuế cho dân tại nhiều địa phương khi gặp thiên tai mất mùa. Chính sách này cũng được các vua đời sau thực thi trong suốt 143 năm cầm quyền của nhà Nguyễn và được ghi chép khá chi tiết trong Châu bản triều Nguyễn - hiện còn bảo lưu đến ngày nay.
Giảm thuế, phát chẩn cho dân
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, trong Châu bản triều Nguyễn năm 1811, vua Gia Long ban Chiếu quy định lệ phát chẩn cho dân mỗi khi có thiên tai.
Chiếu rằng: “Xưa nay thiên tai các đời đều có thương đau, việc nhân chính là trước tiên xem nơi nào gặp thiên tai thủy họa, nhân dân khốn cùng đói khổ để kịp thời phát chẩn cứu dân. Nếu đợi tấu báo về sẽ chậm trễ không kịp việc, đó chẳng phải là ý muốn của triều đình khi thi hành nhân chính, cũng chẳng phải chức trách của các quan lại mẫn cán.
Vậy chuẩn cho từ nay về sau hễ nơi nào không may có thiên tai, dân cư đói khổ thì trước mắt cấp thiết các quan sở tại phải lập tức một mặt tấu báo lên triều đình được biết, một mặt thân hành đến nơi bị thiên tai xem xét rõ ràng tình hình, tính toán chẩn cấp ngay lương thực để cứu tế cho dân, không được trì hoãn. Việc xong làm biểu tấu lên đầy đủ. Đây là việc cứu nguy cấp bách và là ân trạch của triều đình ban xuống, vì vậy từ nay về sau đặt làm lệ mãi mãi”.
Sau đó, năm 1814 khi thời tiết mùa màng không thuận lợi, vua Gia Long lại ban bố một đạo Chiếu trên khắp toàn quốc cho phép giảm thuế cho dân. Chiếu ban rằng: “Chiếu cho toàn thể thần dân trong thiên hạ được biết: Trẫm nghe rằng đạo làm vua cốt ở việc thi hành ân nghĩa, nền chính trị tốt đẹp trước tiên phải bảo vệ được người dân.
Huống hồ năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, mùa màng tại các địa phương thu hoạch không đồng đều, động phiền đến đời sống nhân dân, Trẫm thật xót thương. Vì vậy chiếu theo từng nơi mà cân nhắc khoan giảm việc thuế khóa.
Nay đặc chuẩn ban xuống cho các thành, doanh, trấn năm Giáp Tuất này, phàm các hạng công tư điền, tô thuế thực nạp, biệt nạp, thuế thân dung, tùy theo doanh trấn mà lượng giảm.
Còn như các loại ruộng quan, ruộng thờ, đất trại, đất hoang lậu, cho thuê canh tác mỗi hạng theo lệ phải nộp thóc thì tùy theo số mẫu, hạng ruộng chiếu y theo công tư điền thổ nhất loạt cho chiết giảm. Loại ruộng đất nào theo lệ phải nộp thóc mà không có xếp hạng, đều chuẩn cho theo loại ruộng hạng 2 mà chiết giảm”.
Bản Chiếu đã được truyền đi toàn quốc, trong đó cho phép chiết giảm tô thuế tùy theo tình hình thực tế từng địa phương như sau: Các doanh trực lệ Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình giảm 3/10. Doanh trực lệ Quảng Nam giảm 2,5/10. Các trấn thuộc thành Gia Định giảm 5/10.
Các trấn Bình Thuận, Bình Hòa, Thuận Thành giảm 2/10. Trấn Phú Yên giảm 4/10. Các huyện thuộc trấn Bình Định giảm 3/10, duy huyện Bồng Sơn giảm 5/10. Trấn Quảng Ngãi giảm 5/10. Hai trấn Nghệ An, Thanh Hóa và đạo Thanh Bình giảm 2/10. Các nội ngoại trấn thuộc Bắc Thành và phủ Hoài Đức giảm 2/10.
Cấp tiền chôn người chết, cấp cơm cứu nạn dân
Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1820 khi vua Minh Mạng vừa lên ngôi đã phải đối diện với những thử thách rất lớn. Không kể những khó khăn về tình hình chính trị, thiên tai - dịch bệnh cũng vô cùng khốc liệt.
Sách “Đại Nam thực lục” chép: Tháng 6, các tỉnh miền Trung nắng hạn gay gắt, vụ mùa không gieo được, dân đói ăn; nhưng tháng 7 thì kinh kỳ lại bị mưa lũ rất lớn, nước dâng cao hơn mức bình thường đến 5 thước (hơn 2m); sang tháng 10 kinh đô lại bị mưa lũ cuốn trôi mấy trăm ngôi nhà, bờ tường kinh thành mới xây đắp bị sụt lở đến hơn 300 trượng (hơn 1.200m).
Cũng trong tháng 10/1820, dinh Phú Yên bị mưa lụt nặng, mùa màng thiệt hại trầm trọng, giá gạo tăng cao, vua Minh Mạng sai bán thóc để cứu đói cho dân, trấn thần xin cho dân vay vì quá nghèo không đủ tiền mua thóc, nhà vua cũng đồng ý.
Tháng 12/1820, Bình Thuận lại bị bão lụt to nhưng dịch bệnh mới là hiểm họa lớn nhất. Đại dịch tả tấn công các địa phương, từ miền Nam lan ra cả nước, người chết không kịp chôn. Đại thi hào Nguyễn Du lúc đó là Thị lang bộ Lễ cũng lâm bệnh và qua đời do cơn dịch này. Đại dịch tả năm 1820 đã cướp đi sinh mạng của 206.835 người Việt Nam, chiếm hơn 2% dân số lúc đó (dân số cả nước chỉ khoảng 10 triệu người).
Tháng 8/1821, trấn Thanh Hoa có bão lụt, mưa lớn nước dâng, ruộng đồng bị ngập úng, nhà cửa đình chùa bị đổ nát. Vua Minh Mạng sai quan đi khám xét rồi tâu lên. Trấn thần Thanh Hoa thấy nhà cửa, miếu chỉ, đình đền bị hư hỏng xin bắt dân sửa chữa, nhưng vua Minh Mạng nói: “Dân chúng riêng về thiên tai đương cần sự vỗ về chưa xong sao còn bắt họ lao nhọc nữa”.
Tháng 10/1821, dinh Quảng Bình bị mưa lụt, nhà cửa, công sở xiêu đổ, bị cuốn trôi, nhiều người bị chết. Vua Minh Mạng hay tin lập tức ra lệnh cho quan sở tại: “Xét dân ai có chết bẹp, chết đuối thì cấp cho tiền tuất, còn nhà cửa nơi hành cung chỗ nào đáng sửa thì sửa, đừng làm nhọc đến dân”.
Tháng 12/1821, trấn Bình Thuận lại lụt to, dân chết rất nhiều, nhà cửa bị cuốn trôi. Năm 1822, miền Trung từ Quảng Trị vào Quảng Nam hạn hán nặng; tháng 10, lũ lụt lớn ở kinh đô, Quảng Trị, Quảng Bình nhiều nhà bị sụp hay bị cuốn trôi ra biển, dân và binh lính bị chết đuối rất nhiều.
Tháng 11/1822, trấn Phú Yên mưa lụt to, dải cát bên cửa biển cũ Phú Sơn vỡ thành cửa biển mới rộng 24 trượng 7 thước (98 mét), sâu 1 trượng 1 thước 1 tấc (4,44m), dài 64 trượng 5 thước (266m), cách cửa biển cũ 1.010 trượng (4.040m).
Tháng 5/1823, phủ Thừa Thiên bị hạn nặng, nước mặn xâm nhập tận thượng nguồn sông Hương, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Cuối năm lại có lũ lụt lớn khắp các tỉnh từ Quảng Bình vào Quảng Nam, vụ mùa mất trắng, dân bị đói nhiều. Năm 1824, đầu năm kinh kỳ hạn nặng, cuối năm lại mưa dầm, rét lạnh, mặt đất tối đen, không gian xám xịt.
Năm 1825 thiên tai tái diễn, đầu năm hạn hán, cuối năm mưa lũ lớn, nạn đói hoành hành, dân lưu tán, có nơi cả thôn không còn người nào… Tháng 8 năm này, trấn Nghệ An mưa bão kèm lũ lụt, nhà cửa bị đổ, thuyền bè bị đắm, dân chết đuối. Ở kinh đô Huế nước lụt dâng cao. Vua Minh Mạng sai quan Kinh doãn đem cơm đi cứu trợ cho dân các huyện, chỗ nào ruộng lúa bị ngập cũng cho tùy nghi cứu giúp.
Tháng 9/1825, dinh Quảng Trị bị mưa lụt, bờ sông Vĩnh Định bị vỡ, mùa màng bị thiệt hại. Lưu thủ dinh Quảng Trị là Nguyễn Văn Nam tâu báo bờ sông Vĩnh Định bị xói lở 76 đoạn, lúa mùa bị ngập.
Trong các năm tiếp theo, từ 1826 - 1840 liên tục gần như năm nào cũng có thiên tai hoặc dịch bệnh, có những lần rất nặng nề, như trận lụt năm 1828 tại kinh thành, nước dâng cao hơn 10 thước (hơn 4,2m), nhà cửa bị cuốn trôi, dân chết đuối hơn 60 người.
Hạn hán và hỏa hoạn tại kinh thành năm 1830 đã hủy hoại nhiều nhà cửa, công trình, gây thiệt hại nặng nề; mưa bão và lũ lụt năm 1834 ở Quảng Bình, Quảng Trị cuốn trôi hơn 1.000 ngôi nhà, hơn 40 người chết; dịch bệnh tháng 6/1840 riêng phủ Thừa Thiên chỉ trong một tháng đã làm chết hơn 300 người.
Đào sông, đắp đê, miễn thuế khoan thư sức dân
Đối với dịch bệnh, vua Minh Mạng sử dụng kết hợp nhiều giải pháp. Huy động lực lượng chữa trị: Năm 1820, trước đại dịch tả hoành hành, vua sai lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa bệnh ban ra cho các địa phương, tại kinh đô thì lấy thuốc viên mới chế ra ban cho đại thần quan viên; huy động lực lượng thầy thuốc, y sinh khám chữa bệnh cho dân.
Mở kho chẩn cấp, cứu trợ cho dân: Năm 1820, triều Nguyễn chi hết 73 vạn quan tiền cho công việc này, ngoài ra còn cho miễn giảm thuế để khoan sức dân, thậm chí cho dân vay thóc của triều đình khi họ không có tiền.
Đối với thiên tai hạn hán, lũ lụt, gió bão: Các giải pháp khẩn cấp được thực thi bao gồm cứu trợ, mở kho chẩn tế, cứu nạn, cứu đói, hỗ trợ việc chôn cất mai táng người chết… Đồng thời lệnh cho các địa phương lập sổ “Nhật ký phong vũ” để ghi chép báo cáo tình hình thiên tai kịp thời. Khi giá lúa gạo lên cao, đời sống nhân dân khó khăn, triều đình mở kho cứu trợ, cho dân vay không tính lãi, khi nào được mùa thì nộp bù.
Về giải pháp căn cơ lâu dài, vua Minh Mạng sai quan lại khảo sát các địa phương thường xuyên xảy ra lụt lội ngập úng, triều cường… để tiến hành đắp đê, khơi thông dòng chảy các con sông, suối, kênh rạch, cửa biển và cao hơn là cho đào sông để giải quyết vấn đề thủy lợi và phòng chống ngập úng.
Thời Nguyễn là một trong những thời kỳ cho đào sông nhiều nhất, nổi tiếng như sông - kênh Vĩnh Tế, sông Thoại Hà (Long Xuyên - Rạch Giá) ở Nam Bộ, sông Lợi Nông, Phổ Lợi và hệ thống sông đào quanh kinh thành Huế, sông Vĩnh Định ở Quảng Trị, sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, sông Cửu Yên ở Hưng Yên…
Vua Minh Mạng cũng có những chính sách miễn giảm thuế tương tự thời vua Gia Long. Người dân có thể nộp thuế bằng các hình thức khác nhau, chẳng hạn nếu giá thóc gạo lúc bấy giờ quá đắt đỏ thì có thể nộp thuế bằng tiền; Căn cứ vào từng thời điểm để thu và miễn giảm thuế cho thích hợp. Châu bản tờ 81 tập 10, Minh Mạng 6 (1825) là một minh chứng:
“Thượng dụ: Thừa Thiên vụ đông năm ngoái thời tiết ít mưa, công việc nhà nông không được thuận lợi. Tháng 2 năm nay, ruộng lúa bị khô hạn không thể trổ bông được hoặc nếu có trổ bông lại gặp gió bấc nên kết hạt không tốt, phủ ấy tấu báo đã giao cho bộ Hộ bàn bạc tâu lên.
Nay chuẩn y lời bàn, chiếu tùy theo số phần bị tổn thất, gia ơn cho miễn giảm số thóc thuế các loại. Phàm ruộng lúa bị tổn thất 4 phần mà tô thóc phải nộp 10 phần thì cho giảm 2 phần. Tổn thất 5 phần cho miễn giảm 3 phần, tổn thất 6 phần thì miễn giảm 4 phần, tổn thất 7 phần thì miễn giảm 5 phần, tổn thất 8 phần trở lên thì cho miễn toàn bộ.
Số thóc thuế còn lại phải nộp là bao nhiêu chiếu theo lệ. Bọn Tổng mục, Lý trưởng, Tư lại, Khố tử không được dung cho chúng, nếu không chúng sẽ gây nhũng nhiễu ở dân. Kẻ nào làm trái ý nếu bị phát giác sẽ trị trọng tội không tha. Dụ văn này được niêm yết và sao ra 1 bản trên giấy vàng truyền xuống toàn thôn, xã, hạt được biết. Khâm mệnh”.
Các vua Gia Long và Minh Mạng còn cho thực hiện chính sách giảm thuế trong nhiều dịp khác nhau như: Dịp đất nước mừng đại lễ, vua ban chính sách giảm thuế cho dân để dân cùng chung niềm vui của đất nước; hoặc thời tiết không thuận lợi thiên tai địch họa xảy ra, triều đình cũng thực hiện chính sách giảm thuế cho dân bớt đi một phần khó khăn.
“Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, vấn đề là chúng ta cần phải luôn bình tĩnh, sáng suốt, có những giải pháp phù hợp để ứng phó, giải quyết và vượt qua thử thách để ổn định cuộc sống và phát triển. Những bài học để vượt qua khó khăn, dịch bệnh mà vua nhà Nguyễn để lại thực sự rất quý báu và có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng đang phải thường xuyên đối phó với thiên tai ngày càng khốc liệt do biến đổi khí hậu và nhiều loại dịch bệnh phức tạp, khó lường”. TS Phan Thanh Hải