Cuộc đời viên mãn của vị trọng thần 6 triều vua nhà Nguyễn

GD&TĐ - Ngày nay, ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị), dù một số xã đã đổi tên, nhưng hỏi đến làng Bích La Đông (xã Triệu Thành) thì rất nhiều người biết.

Làng cổ Bích La Đông.
Làng cổ Bích La Đông.

Đây là một trong những làng phát tích nhiều bậc khoa bảng, danh thần, tướng lĩnh, các nhà chính trị kiệt xuất.

Họ Lê ở Bích La Đông có 4 chi: Lê Văn, Lê Bá, Lê Cảnh, Lê Mậu. Vào thời Lê Trung Hưng, tướng Lê Cảnh Sắc cùng các văn quan, võ tướng trong họ (đủ cả Lê Văn, Lê Bá, Lê Mậu) được lệnh vào trấn nhậm Thuận Hoá (lúc đó gồm Quảng Trị, một phần của Thừa Thiên).

Có sách chép rằng 4 vị họ Lê chủ chốt quê gốc ở làng Hoa Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Đường vào Thuận Hoá lúc đó thật gian nan, phải nhiều ngày xuyên qua rừng rậm, đèo dốc, thậm chí phải chống lại cướp và thú dữ. Đi đến địa phận làng Bích La Đông, thấy phong cảnh đẹp, địa thế thuận lợi, trong đoàn lại có hai phụ nữ sắp đẻ, nhiều người mệt mỏi nên họ Lê cho gọi quan chức vùng đó lên thông báo rằng sẽ định cư lại làng Bích La Đông.

Sau khi cắt cử người trông nom gia quyến, các vị quan, tướng họ Lê lên đường đến nhiệm sở ở tận phủ Thừa Thiên để bắt tay vào việc trị nhậm, xây thành, luyện binh, tích luỹ lương thảo… Trải các triều vua, cả 4 chi họ Lê ngày càng có nhiều người đỗ đạt, giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn.

Chỉ nói riêng họ Lê Cảnh, thì khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn (có tướng Lê Công Nghĩa Hưng thành danh thời Gia Long), đến giai đoạn sau vẫn có rất nhiều người thành đạt, trong số đó có ông Lê Cảnh Chính...

Ông Lê Trinh là Thượng thư Bộ Lễ và có lúc giữ cả Thượng thư Bộ Công trải nhiều triều vua nhà Nguyễn. Ông còn có tên là Lê Đăng Lĩnh, Lê Đăng Trinh, sinh năm 1850, tại làng Bích La Đông.

Ông là con trưởng của ông Lê Cảnh Chính, Binh Bộ viên ngoại lang, Trung phụng đại phu, Đô sát viện hữu phó đô ngự sử, hàm nhị phẩm dưới triều Minh Mạng và bà phu nhân Lê Bá Thị Huấn. Lúc nhỏ ông sống ở Bích La Đông, sau cha đưa lên học ở kinh thành Huế.

Lê Trinh học rất giỏi, có phương pháp, không chỉ các công tử, bạn học cùng trang lứa nể phục mà thầy và quan lại đồng liêu của cha cũng rất mến tài. Lê Trinh thường tâm niệm: Một lĩnh vực hay nói rộng ra thì một môn học cũng cần có môn phái để người học có hệ tư tưởng chỉ đường.

Hệ tư tưởng được đúc kết thành các bộ kinh như 6 kinh của Khổng tử, Đạo đức kinh của Lão tử, kinh phật của Thích Ca Mâu Ni mới hoàn chỉnh, hệ thống, căn bản, lâu dài.

Vì thế, cũng giống như khi nghiên cứu tư tưởng, học thuyết để vận dụng vào thực tiễn, bậc trí giả cần nắm tinh thần của các bộ kinh đó để xem xét cái mình học, luận giải những cái mới, phải biết nghiên cứu so sánh, phải linh hoạt trong ứng dụng và cẩn trọng, nhất là đối với kẻ sĩ được làm quan.

Văn minh, văn hoá, sách vở Trung Hoa phong phú, nhưng chỉ biết học thuộc những thứ của bên ngoài mà không hiểu thấu đáo, chẳng dùng được vào công việc của mình, chẳng cách tân, phát triển, làm giàu cho văn hoá nước mình, quê mình thì chẳng có ý nghĩa gì.

Một hôm Lê Trinh theo cha đến phủ của hoàng thân An Thành Công Miên Lịch, một vị đạo sĩ Trung Hoa ngồi chơi ở đó nhìn thấy Lê Trinh đã nói với cha ông rằng: Công tử của ngài thật là quý tướng.

Một lát nghe Lê Trinh luận bàn với cha chú rất khiêm nhường, nói năng lưu loát, khúc triết, ông nói tiếp: Công tử có tướng: “Trán sáng nhuận hồng, đồng tử mắt lấp lánh, cánh mũi rồng, bồng bềnh tóc nhẹ, biện luận chặt chẽ, tuổi trẻ danh vang”, sau này công tử là bậc rường cột đất nước, danh vang bốn biển.

Quả nhiên, năm Canh Ngọ 1870 (Tự Đức thứ 23) khi 20 tuổi ông thi hương đỗ giải nguyên. Năm 25 tuổi, ông thi Hội khoa năm Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 28 (1875) đỗ phó bảng.

Từ đó, ông đã ra làm quan, trải qua 6 triều vua từ Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái đến Duy Tân. Dưới thời Tự Đức, ông rất được tín nhiệm ngày càng giữ nhiều trọng trách.

Thượng thư Bộ Công Lê Trinh (thứ 2 bên phải).

Thượng thư Bộ Công Lê Trinh (thứ 2 bên phải).

Khi phụng mệnh đi sứ đến triều Thanh (Trung Hoa), ông bộc lộ nhiều tài năng. Bộ Học của nhà Thanh đưa mấy bài khó trong thi tiến sĩ để thử tài, không ngờ ông giải đáp mau lẹ, kiến thức uyên bác khiến triều Thanh rất khâm phục. Hoàng đế Quang Tự ban biểu tiến sĩ cùng áo mũ và danh hiệu “Lưỡng quốc tham mưu”.

Lê Trinh làm quan trải 6 đời vua nhà Nguyễn, ông làm một trọng thần giữ nhiều chức vụ như đã trải qua công tác ở hầu hết khắp các Bộ: Biện lí bộ Hộ, bộ Lại, tham tri bộ Hình, bộ Binh, tham biện Viện Cơ mật, Chưởng ấn Viện Đô Sát, năm 1892 sung Phó chánh sứ trong phái đoàn đi sứ nhà Thanh.

Năm Thành Thái 10 (1898) đang lúc làm tổng đốc An - Hà (Nghệ An - Hà Tĩnh) được tin mẹ ốm nặng, ông xin từ quan về quê phụng dưỡng mẹ già. Sau ngày mẹ qua đời vừa mãn cư tang, năm Thành Thái 15 (1903) ông được triệu về Kinh nhận chức Phụ chính đại thần, Lễ bộ Thượng thư Sung Cơ Mật Viện đại thần.

Ông mất ngày 12/9/1909, hoàng thân quốc thích cùng các thành viên Phụ chính đại thần đã tổ chức lễ an táng rất trọng thể. Hoàng đế nhà Thanh biết tin vội cử phái bộ sứ giả đến phúng viếng tại từ đường ông câu đối: “Hữu hoài xuân thảo Bích/ Vô can thủy lưu Đông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.