Đây được xem là công trình có kiến trúc độc đáo của Việt Nam và thế giới.
Theo tài liệu, trước khi xây dựng đấu trường Hổ Quyền, các trận chiến giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn được tổ chức ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Trong giai đoạn này xảy ra nhiều sự cố nguy hiểm.
Vì vậy, vào năm 1830, vua Minh Mạng đã cho xây dựng một đấu trường kiên cố tại vị trí ở gần đồi Long Thọ thuộc thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, phía Tây Kinh thành (nay là Tổ dân phố Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế). Trận đấu cuối cùng diễn ra tại đây vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.
Hổ Quyền được xây dựng từ thời phong kiến của Việt Nam. |
Đối diện khán đài là hệ thống 5 chuồng hổ có các cửa gỗ đóng mở bằng cách kéo dây từ phía trên xuống. |
Một trong 5 chuồng nhốt hổ của Hổ Quyền. |
Bên trong chuồng hổ của đấu trường. |
Hệ thống ròng rọc gỗ mở cửa các chuồng hổ. |
Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên có dáng hình vành khăn, kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng thành trong cao 5,80m, vòng thành ngoài 4,75m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m.
Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Đông Nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Mặt trong cao hơn mặt ngoài, dày trung bình 4,50m. Đối diện với khán đài có năm cái chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.
Lối đi lên khán đài để xem trận đấu sinh tử giữa voi và hổ. |
Hệ thống thoát nước được xây dựng độc đáo. |
Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ mà đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”, voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này.
Vòng tường thành bên ngoài có hệ thống thoát nước với hoa văn hình con cá. Có 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho dành cho quan chức và binh lính.
Đấu trường Hổ Quyền là di tích có kiến trúc độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Từ năm 1993, di tích này cùng với hệ thống di tích ở cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Năm 1998, đấu trường Hổ Quyền được công nhận là di tích cấp quốc gia.