Nhà ngoại giao vĩ đại của dòng họ Phan Huy

GD&TĐ - Ngoài những đóng góp cho sự nghiệp chính trị và ngoại giao, ông Phan Huy Ích còn là nhà thơ, nhà văn lớn, có vị trí quan trọng bậc nhất trong dòng văn Phan Huy nói riêng và văn học dân tộc Việt Nam nói chung.

Ông Ban Ki-moon và phu nhân chụp ảnh chung cùng dòng họ Phan Huy tại nhà thờ họ tại xã Sài Sơn năm 2015. Ảnh: Zing.vn.
Ông Ban Ki-moon và phu nhân chụp ảnh chung cùng dòng họ Phan Huy tại nhà thờ họ tại xã Sài Sơn năm 2015. Ảnh: Zing.vn.

Kỉ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân Phan Huy Ích (1822 – 2022), Viện Nghiên cứu Hán Nôm phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Sài Sơn (Hà Nội) và dòng họ Phan Huy tổ chức Hội thảo khoa học danh nhân Phan Huy Ích và dòng họ Phan Huy.

Truyền thống khoa bảng

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn vốn có nguồn gốc từ dòng họ Phan Huy nổi tiếng về khoa bảng và sĩ hoạn (người làm quan) ở xứ Nghệ.

Đến đời thứ 7, ông Phan Huy Cận (1722 - 1789) quyết định chuyển cư đến xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Từ đó lập nên một nhánh Phan Huy Sài Sơn, tiếp tục phát triển truyền thống hào hùng của tổ tiên dòng họ Phan Huy ở Nghệ Tĩnh xưa.

Ông Phan Huy Cận đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1754 đời vua Lê Hiển Tông. Ông từng giữ các chức quan như Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Nhập thị Kinh diên kiêm Nhập thị Bồi tụng, Quốc sử Tổng tài, Lễ bộ Tả Thị lang.

Sau khi định cư trên vùng đất mới, các thế hệ tiếp theo của ông Phan Huy Cận đã kế thừa và phát dương nếp nhà. Từ đó, đóng góp nhiều bậc hiền tài, cống hiến cho quốc gia và xã hội từ nhiều lĩnh vực như văn chương, lịch sử, ngoại giao, văn hóa, giáo dục.

Trong số các danh nhân của dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn, Dụ Am Phan Huy Ích có vị trí nổi bật. Ông thuộc đời thứ 8 của dòng họ (là con cả của Phan Huy Cận, là thân phụ của danh nhân Phan Huy Chú).

Ông Phan Huy Ích, tự là Khiêm Phủ, Chi Hòa, hiệu là Dụ Am, Đức Hiên. Ông là con trai trưởng cụ Phan Huy Cẩn, là cha cụ Phan Huy Chú và là em rể của cụ Ngô Thì Nhậm.

Ông Phan Huy Ích từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, ham học. Năm Tân Mão lúc 22 tuổi (1771) thi Hương đỗ Giải nguyên. Năm Quý Tỵ (1773), ông được giữ một chức quan nhỏ ở xứ Sơn Nam.

Năm Ất Mùi (1775) 26 tuổi, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Năm Bính Thân (1776) đỗ khoa ứng chế, nên được bổ làm Hàn lâm Thừa chỉ. Ba năm sau, người em ruột là Phan Huy Ôn cũng đỗ tiến sĩ, khi đó ba cha con cùng đỗ đại khoa, làm quan đồng triều.

Cuộc đời ông Phan Huy Ích sống trải qua ba triều đại, từng đảm nhận các chức quan. Năm Đinh Dậu (1777) được bổ chức Đốc đồng Thanh Hoa, sau chuyển về Thăng Long giữ chức Thiêm sai tri hình ở phủ chúa Trịnh, rồi được phái lên ải Nam Quan đón rước sứ thần.  

Năm Ất Tỵ (1785) được bổ làm Hiến sát sứ trấn Thanh Hoa. Năm Bính Ngọ (1786), ông được ban chức Đô cấp sự trung, kiêm Thiêm sai Tri hình ở phủ chúa. Rồi được giao chức Đốc thị Nghệ An, kiêm Tán lý quân vụ Thanh Nghệ.

Khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ 2 (1788), Phan Huy Ích cùng một số danh nho khác như Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn... được Nguyễn Huệ trọng dụng và bổ nhiệm chức quan. Sau khi quân Tây Sơn đánh bại quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789), ông được Nguyễn Huệ giao cùng anh vợ là Ngô Thì Nhậm phụ trách việc ngoại giao với nhà Thanh.

Năm 1790, ông được cử làm Chánh sứ đưa Giả Vương (người đóng giả vua Quang Trung) sang nhà Thanh và dự lễ mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi. Ông ứng đối giỏi và làm thơ hay, được vua khen và ban tặng ché rượu Ngọc. Năm 1792, được thăng chức Thị trung ngự sử, rồi Thượng thư bộ Lễ.

Sau khi vua Quang Trung mất (1792), ông vẫn được giao phụ trách việc từ hàn và ngoại giao. Sang thời Nguyễn, ông lui về ẩn cư dạy học, làm thơ, nhưng vẫn cố vấn về bang giao với nhà Thanh cho triều vua Gia Long, thảo những văn kiện gửi nhà Thanh như “Thụ phong trần tạ biểu”... Ông qua đời vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), hưởng thọ 73 tuổi.

Bức thư pháp bài thơ của danh nhân Phan Huy Ích được Hiệp hội Kinh tế - Văn hóa Hàn Việt trao tặng dòng họ Phan Huy Sài Sơn.

 Bức thư pháp bài thơ của danh nhân Phan Huy Ích được Hiệp hội Kinh tế - Văn hóa Hàn Việt trao tặng dòng họ Phan Huy Sài Sơn.

Một nhà chính trị, nhà ngoại giao vĩ đại

Có thể kể tên một số danh nhân tiếp theo của dòng họ Phan Huy đất Sài Sơn (Hà Nội) như Phan Huy Ích (1751 - 1822, đời thứ 8, con cả của Phan Huy Cận), Phan Huy Ôn (1755 - 1786, đời thứ 8), Phan Huy Sảng (1764 - 1811, đời thứ 8), Phan Huy Quýnh (1775 - 1844, đời thứ 9), Phan Huy Thực (1778 - 1844, đời thứ 9), Phan Huy Chú (1782 - 1840, đời thứ 9), Phan Huy Vịnh (1800 - 1876, đời thứ 10), Phan Huy Dũng (1842 - 1912, đời thứ 11). Bên cạnh đó là nhiều nhân vật khác đóng góp cho lịch sử văn hóa Việt Nam thời hiện đại và đương đại.

Ông Phan Huy Ích được giới nghiên cứu đánh giá là một nhà chính trị, một nhà ngoại giao vĩ đại. Ông đã cống hiến cho ba triều đại từ nhà Lê, nhà Tây Sơn, cho đến nhà Nguyễn, có đóng góp quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngoài những đóng góp cho sự nghiệp chính trị và ngoại giao, ông Phan Huy Ích còn là nhà thơ, nhà văn lớn, có vị trí quan trọng bậc nhất trong dòng văn Phan Huy nói riêng và văn học dân tộc Việt Nam nói chung. Những trước tác mà ông để lại rất phong phú với nhiều thể loại khác nhau. Tiêu biểu như Dụ Am thi văn, Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Cúc đường bách vịnh, Yên đài thu vịnh...

Ông Ban Ki-moon, nguyên Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc, Giám đốc Quỹ Ban Ki-moon, nhấn mạnh: “Với tổ tiên như tiên sinh Phan Huy Ích, một nhà ngoại giao vĩ đại. Tôi xin chúc cho dòng họ Phan tiếp tục sản sinh ra những người con cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam như vậy. Tôi hy vọng rằng, mối quan hệ hữu hảo giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ mãi mãi bền lâu…

Ngày 20/5/2015, tôi khi ấy với tư cách là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã có chuyến thăm Việt Nam, và gặp mặt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Tôi nhớ rằng, khi ấy tôi có tìm đến nhà của ông Phan Huy Thanh ở Hà Nội, và dâng hương tại từ đường nhà ông. Tôi rất mong được quay trở lại Việt Nam khi có cơ hội và được gặp mặt các vị thân tộc dòng họ Phan”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.