Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam với một vùng đất rộng lớn (đến bờ Bắc sông Thu Bồn – Quảng Nam) mà không đổ một giọt máu nào.
Đó là vùng đất sinh lễ của vua Chăm Chế Mân xin cưới Huyền Trân công chúa nhà Trần (1306). Những người Việt chính thức đến ở vùng đất sính lễ này là những người lính gìn giữ biên cương.
Trong quá trình điều tra điền dã để viết địa chí cho một số địa phương thuộc vùng “phên giậu Tổ quốc” của ngày ấy, tôi không thấy gia phả nào ghi tiền hiền khai khẩn thuộc lớp người thời đó, chỉ thấy nhiều gia phả ghi đời thủy tổ của dòng họ mình ở vùng đất này “tòng Lê Thánh Tông Nam chinh Chiêm Thành” (1407) nhưng tên bà chỉ thấy ghi “nữ thị” chứ không có tên họ.
Điều này chỉ ra rằng những người lính Đại Việt trấn giữ biên cương đã lập gia đình với những phụ nữ Chăm. Người Chăm lúc ấy chưa có họ và theo chế độ mẫu hệ.
Trong gia đình mẫu hệ, người mẹ là người sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ con cái từ lúc còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành nên cũng phù hợp với truyền thống văn hóa Đại Việt: “Mẹ quay đi, con dại/ Mẹ ngoái lại, con khôn”, “Đức tại mẫu”…
Cư dân ở vùng đất “phên giậu Tổ quốc” này từng bước hiểu hơn về văn hóa Đại Việt chắc phải từ khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế; 1558), sau đó (1569) kiêm quản cả xứ Quảng Nam (giáp Khánh Hòa ngày nay).
Ngày đó, nhà Hậu Lê coi trọng Nho giáo nhưng khi vào vùng đất mới, Nguyễn Hoàng xiển dương Phật giáo. Phật giáo ở vùng đất mới lúc bấy giờ chỉ là một số thuyết bình thường, dễ hiểu như nhân quả, duyên nghiệp… nên dễ hòa quyện với văn hóa bản địa.
Phật tổ trong mắt họ giống như các vị thần sẵn sàng giúp đỡ họ vượt qua những sóng gió cuộc đời. Người này học người kia, từng bước tạo nên nếp nhà (gia phong).
Các đời chúa kế tiếp thì “cư Nho mộ Thích”. Khi Gia Long thống nhất sơn hà, bắt đầu mở khoa thi chọn nhân tài thì lễ nghĩa Nho học được trọng vọng, truyền bá và phát huy rộng rãi ở vùng đất này.
Nếp nhà từng bước được gia cố bởi những điều hay lẽ thiệt. Điều này dễ thấy qua những câu liễn/đối đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, tán tụng tổ tiên, cha hiền con thảo…
Nhưng để gia phong ngày một tốt đẹp hơn, năm 1834, vua Minh Mạng soạn Huấn địch thập điều (10 điều huấn dụ), ban ra mọi nơi: 1. Đôn nhân luân (Trọng tam cương ngũ thường); 2. Chính tâm thuật (Làm việc gì cũng cốt phải giữ gìn bụng dạ cho chính đính trong sạch); 3. Vụ bản nghiệp (Giữ bổn phận chăm nghề nghiệp của mình); 4. Thượng tiết kiệm (Chuộng đường tiết kiệm);
5. Hậu phong tục (Giữ gìn phong tục cho thuần hậu); 6. Huấn tử đệ (Phải dạy bảo con em); 7. Sùng chính học (Chuộng học đạo chính); 8. Giới dâm thắc (Răn giữ những điều gian tà dâm dục); 9. Thận pháp thủ (Cẩn thận mà giữ pháp luật); 10. Quảng thiện hạnh (Rộng sự làm lành).
Về sau, vua Tự Đức đã dịch ra bằng thơ Nôm lục bát để dễ phổ biến trong dân chúng, đó là Thánh chế Huấn địch thập điều diễn ca. Và tùy vào nhận thức, tùy vào hoàn cảnh sống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ mà Huấn địch thập điều này đã góp phần tạo nên nếp nhà.
Bao đời qua, người miền Trung dạy con cái phải biết dè sẻn, “Ăn bữa mai, nghĩ bữa chiều/ Làm người phải biết liệu điều trước sau”; ứng xử bằng ân đức để trong họ ngoài làng tốt đẹp, nhường nhịn để trên dưới vui hòa, không cậy giàu, khinh nghèo bởi “Chẳng ai giàu ba họ/ Không ai khó ba đời”, hãy “thương người như thể thương thân”…
Đạo làm cha mẹ phải biết dạy con những điều lễ nghĩa, liêm sĩ, giữ thiên lương, trước là làm người dân lương thiện, sau phải cố gắng hết sức mình để tạo dựng sự nghiệp làm vinh hiển gia đình, tổ tông…
Hiếu thuận không chỉ với người còn sống mà còn đối với những người đã khuất. Linh mục Lesopold Cadière đến Việt Nam năm 1892, vừa truyền giáo vừa nghiên cứu phong tục tập quá của người Việt Nam, nhất là những phong tục tập quán của cư dân miền Trung.
Ông nhận thấy: “Ý niệm bà con luôn luôn hiện diện trong tâm trí người Việt, không những trong nghĩa mơ hồ mà còn với tất cả mọi chính xác cần thiết.
Và rồi những mối tương quan nối kết giữa người sống và kẻ chết lại gấp bội, bởi lẽ, ngoài thuật ngữ dùng cho người sống còn có thuật ngữ dùng cho kẻ chết, được sử dụng trên các bài vị, trên mộ bia, khi cúng tế và gồm những tước danh để chỉ thứ bậc họ hàng hoặc những hình dung từ để gọi thay tên người chết”.
Chính nếp nhà như thế đã góp phần đáng kể trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người và không ai muốn làm xấu hổ tổ tiên, xóm làng.
Đời sống văn hóa gia đình, gia tộc, xóm làng. Đời sống văn hóa gia đình, gia tộc, xóm làng… đã giúp mọi người vượt qua những cam go thử thách trước cuộc sống.