Nhà khoa học Việt Nam lọt tốp những nhà khoa học hàng đầu thế giới

GD&TĐ - Mới đây, 22 nhà khoa học người Việt đã lọt top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2020 theo công bố của tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Đứng đầu trong danh sách này là GS Nguyễn Đình Đức.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, hiện công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố hơn 250 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 136 bài trên các tạp chí quốc tế ISI, ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới.

Năm 27 tuổi, GS Nguyễn Đình Đức đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Toán – Vật lý về các tiêu chuẩn bền mới cho vật liệu composite tại Trường Đại học Tổng hợp Moskva Lomonosov (MGU, Liên Xô cũ). Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi vừa tròn 34 tuổi.

Đề tài luận án tiến sĩ khoa học của ông nghiên cứu về vật liệu composite carbon-carbon 3 pha (gồm vật liệu nền, sợi và các hạt gia cường) có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm; những vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ, chịu được nhiệt độ cao lên đến hàng nghìn độ ứng dụng trong công nghệ chế tạo tên lửa và các chi tiết siêu bền nhiệt.

Trở về nước, mặc dù điều kiện nghiên cứu khó khăn, nhưng ông đã nhạy bén bắt tay vào nghiên cứu vật liệu nanocomposite, vật liệu chức năng FGM có cơ lý tính biến đổi, vật liệu auxetic... đều là những vật liệu tiên tiến và hiện đại, ứng dụng trong y tế, dân dụng cũng như trong công nghiệp, an ninh quốc phòng. Từ những kết quả này đã làm cho tên tuổi của ông và các cộng sự được biết đến trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Những năm gần đây, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm. GS Đức đã nhạy bén tiếp cận hướng nghiên cứu mới này, hợp tác với các đồng nghiệp ngành vật lý, nghiên cứu bổ sung một cách hợp lý các hạt nano để nâng cao tính năng cơ lý của vật liệu nanocomposite, đồng thời tăng cường chuyển hóa năng lượng cho các tấm pin mặt trời.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ ĐHQGHN
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ ĐHQGHN

Bên cạnh đó, ông cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam tiên phong bắt tay vào nghiên cứu về vật liệu chức năng FGM và nano FGM có cơ lý tính biến đổi, được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ và các chi tiết máy.

Ông cũng tiên phong nghiên cứu về ổn định và động lực học của kết cấu composite có lớp vật liệu auxetic trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và xây dựng, được sử dụng để bảo vệ các kết cấu, công trình đặc biệt chống lại các va đập, tải trọng nổ và đã triển khai các hợp tác quốc tế có hiệu quả về lĩnh vực này.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông xuất phát từ yêu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn, từ đó có sản phẩm, có bằng sáng chế, và không chỉ có thế, còn công bố được trên các tạp chí quốc tế có uy tín, được các nhà khoa học nước ngoài biết đến và trích dẫn.

Đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học song được xếp hạng trong top hơn 5000 nhà khoa học hàng đầu thế giới là một bất ngờ lớn đối với GS Nguyễn Đình Đưc. Với ông, làm khoa học là kiên trì, bền bỉ và đôi khi phải chấp nhận hi sinh. Thành tựu đạt được hôm nay là phần thưởng ứng đáng cho một nhà khoa học, một nhà giáo không ngừng đam mê.

GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ: “Điều tôi vui nhất là thành công đó động viên và khích lệ rất lớn đội ngũ cán bộ khoa học trẻ trong nước nói chung và đặc biệt là các em trong nhóm nghiên cứu của tôi. Nếu có sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ nhà nước và các các cơ sở giáo dục đại học, các nhà khoa học Việt Nam có thể thành công và bứt phá nhanh hơn nữa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ