Nhà khoa học Việt chế màng trị bỏng hỗ trợ làm liền vết thương

GD&TĐ - Trên thế giới, việc sử dụng cellulose vi khuẩn làm vật liệu băng vết thương được đề xuất từ cuối những năm 1980.

Hình ảnh vết thương lành theo thời gian do vi khuẩn bị tiêu diệt từ màng trị bỏng có tẩm thuốc nhả chậm.
Hình ảnh vết thương lành theo thời gian do vi khuẩn bị tiêu diệt từ màng trị bỏng có tẩm thuốc nhả chậm.

TS Phan Mỹ Hạnh và cộng sự Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM vừa nghiên cứu chế tạo thành công màng trị bỏng từ cellulose vi khuẩn tẩm thuốc nhả chậm giúp làm liền vết thương mà ít gây đau đớn cho người bệnh.

Kháng khuẩn, hỗ trợ làm liền vết thương

Trên thế giới, việc sử dụng cellulose vi khuẩn làm vật liệu băng vết thương được đề xuất từ cuối những năm 1980. Lợi ích kinh tế của việc sử dụng loại vật liệu cellulose vi khuẩn này thay thế các loại vật liệu khác được tổng hợp tự nhiên hay nhân tạo đã được khẳng định trong các nghiên cứu lâm sàng kéo dài nhiều năm. Sản phẩm màng trị bỏng từ cellulose vi khuẩn đã có mặt trên thị trường nhưng vẫn còn mới với người tiêu dùng trên thế giới.

Việt Nam đã có một số nghiên cứu về màng trị bỏng, nổi tiếng nhất có thể kể đến là màng Acetul của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Y Dược TPHCM từ cellulose vi khuẩn do Acetobacter xylinum tổng hợp có bổ sung các hoạt chất tái sinh và chiết xuất dầu mù u. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sản phẩm màng trị bỏng nào từ cellulose vi khuẩn ra mắt trên thị trường Việt Nam.

Các nghiên cứu chủ yếu sử dụng màng cellulose vi khuẩn dạng ướt tẩm hoạt chất, chưa thể sản xuất ở quy mô công nghiệp. Ngoài ra, hướng nghiên cứu tẩm các hoạt chất bọc liposome ở dạng nano có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ liền vết thương, ly giải chậm trúng đích theo từng giai đoạn phục hồi của vết thương vào màng cellulose vi khuẩn vẫn chưa được nghiên cứu.

TS Phan Mỹ Hạnh cho biết, nhóm nghiên cứu tập trung vào phương pháp thay đổi cấu trúc sau sinh tổng hợp màng cellulose vi khuẩn từ K. nataicola để tạo vật liệu phủ trị bỏng dạng màng khô, nghiên cứu thuốc ly giải chậm dạng liposome tẩm lên vật liệu thu được; đảm bảo vật liệu trị bỏng cuối đáp ứng các tiêu chí: Tạo môi trường ẩm, hỗ trợ hấp thu dịch tiết từ vết thương, hỗ trợ điều trị vết thương bằng thuốc ly giải chậm, trao đổi khí hiệu quả đặc biệt là khí oxy, cách nhiệt, ngăn nhiễm trùng, có đặc tính kháng khuẩn, tương hợp sinh học, không độc hại, bền và ổn định về mặt cơ học, ít bám dính vào da, giá thành thấp.

Từ đó giảm thời gian điều trị so với băng gạc trị bỏng thông thường; giảm số lần thay băng trong quá trình điều trị (hướng đến sử dụng một lần duy nhất trong quá trình điều trị đối với vết bỏng trung bì nông có thời gian điều trị chuẩn dưới 21 ngày).

Thời gian lành vết thương nhanh hơn

TS Phan Mỹ Hạnh cho biết, đề tài được chia làm 3 giai đoạn chính gồm giai đoạn nghiên cứu sinh tổng hợp màng cellulose vi khuẩn phù hợp cho mục đích điều trị bỏng, tinh sạch và phân tích các đặc điểm lý hóa, tương hợp sinh học của màng thu được; giai đoạn nghiên cứu thuốc bọc liposome ở dạng các hạt nano chất béo rắn bọc thuốc để tẩm lên màng cellulose vi khuẩn; giai đoạn thử nghiệm các công thức tẩm invitro trên tế bào và kiểm tra khả năng điều trị bỏng trên chuột.

Kết quả, đã nghiên cứu chế tạo được màng cellulose vi khuẩn từ chủng Komagataeibacter nataicola BC-B0007 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm vật liệu trị bỏng theo TCVN 6912:2021 tương ứng với màng sinh học chitin có tác dụng che phủ các vết thương trên da người như bị bỏng, tổn thương da, mất da, loét hoại tử.

Nhóm tác giả cũng nghiên cứu được thuốc SLNs@CurMerk nhả chậm để tẩm lên màng cellulose vi khuẩn (sử dụng SSD nồng độ 0,5% và curcumin bọc tạo hạt nano chất béo rắn SLNs để kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, nhả chậm thuốc, kích thích tăng sinh và lành thương nhanh); xác định khả năng trị bỏng của màng cellulose vi khuẩn thu được trên chuột nhắt trắng.

Theo đó, màng cellulose vi khuẩn trị bỏng BC NUTRI tẩm SSD 0,5% và SLNs bọc hoạt chất nanocurcumin có kích thước 10x10cm, độ dày 2±0,8mm ở trạng thái trương nước, 0,5±0,3mm ở trạng thái khô; có tác dụng kháng khuẩn trên phần lớn các vi khuẩn gây nhiễm trùng thứ phát vết thương như Staphylococcus aureus (Gram +), Pseudomonas aeruginosa và enterobacteria (Gram -), nấm Candida albicans…

Lớp tiếp xúc với bề mặt vết thương là lớp cellulose vi khuẩn, ít bám dính lên bề mặt vết thương, tương hợp sinh học, không gây kích ứng da, sử dụng một lần duy nhất trong quá trình điều trị bỏng.

Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy, chuột ở lô thí nghiệm sử dụng màng trị bỏng BC NUTRI tẩm SSD 0,5% và SLNs@CurMerk 10 ppm có thời gian lành nhanh hơn trung bình 3 - 4 ngày so với lô đối chứng không điều trị và màng thương mại tẩm SSD 1%, thời gian lành trung bình của BC NUTRI tẩm SSD 0,5% và SLNs@CurMerk 10 ppm là 9 - 10 ngày đối với bỏng trung bì nông.

Hiện nay, các băng gạc trị bỏng trên thị trường đều yêu cầu thay băng sau 2 - 3 ngày điều trị. Đề tài này đem đến một cách tiếp cận khác, đó là không cần thay băng gây đau đớn cho bệnh nhân mà vẫn đảm bảo độ an toàn và khả năng lành thương nhanh hơn, màng vẫn bám dính tốt mà không cần băng gạc bao bên ngoài, khi vết thương lành sẽ tự động tróc ra như hiện tượng lên da non.

Trong trường hợp cần thay băng có thể nhỏ nước muối sinh lý và chờ một khoảng thời gian để màng mềm ra và có thể tháo dễ dàng. Đồng thời, việc tạo các hạt nano rắn bọc curcumin ly giải chậm giúp nhả nanocurcumin theo nhu cầu của cơ thể và mức độ nghiêm trọng của vết thương, từ đó giúp vết thương liền nhanh và ít để lại sẹo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ