Các nhà khoa học Huế dùng tia plasma lạnh điều trị vết bỏng nhanh liền sẹo

GD&TĐ - Bệnh viện Trung ương Huế đã nghiên cứu và làm chủ quy trình công nghệ điều trị vết bỏng nhanh lành với chi phí thấp bằng cách chiếu tia plasma lạnh.

Công nghệ plasma lạnh giúp vết thương bỏng nhanh liền sẹo, giá thành rẻ.
Công nghệ plasma lạnh giúp vết thương bỏng nhanh liền sẹo, giá thành rẻ.

Kích thích biểu mô để nhanh lành vết thương

TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hầu hết tổn thương bỏng là do nhiệt nóng… nếu điều trị không hiệu quả thường sẽ dễ để lại di chứng nặng nề. Điều trị vết thương bỏng có nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp điều trị bằng chiếu tia plasma lạnh. Trong vật lý, plasma được coi là trạng thái thứ tư của vật chất bên cạnh các trạng thái rắn, lỏng và khí.

Năm 2014, Phòng thí nghiệm Công nghệ Plasma, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thành 2 đề tài: “Thiết kế, chế tạo nguồn plasma phục vụ nghiên cứu plasma y sinh”; “Nghiên cứu khả năng điều trị một số bệnh da liễu bằng plasma lạnh”.

Máy phát tia plasma lạnh PlasmaMed dựa trên nguyên lý plasma hồ quang trượt được chế tạo trong khuôn khổ đề tài, cho tia plasma lạnh có khả năng ứng dụng cao trong da liễu.

Trên thực tế máy Plasma Med có tác dụng diệt khuẩn và tính an toàn không gây tổn thương lên da. Nhóm các nhà khoa học Bệnh viện Trung ương Huế đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới điều trị bỏng bằng chiếu tia plasma lạnh của máy Plasma Med do Công ty Công nghệ Plasma Việt Nam sản xuất. Thực chất đây là sản phẩm nghiên cứu của TS trẻ Đỗ Hoàng Tùng, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được thương mại hóa.

TS.BS Hồ Mẫn Trường Phú cho biết, nhóm đã chọn các bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên bị bỏng độ II, III nông, có diện tích dưới 20%. Mẫu thực hiện vùng chứng và vùng chiếu trên một bệnh nhân, vị trí tách rời nhau. Chiếu tia plasma lạnh có ảnh hưởng tích cực đến việc diệt khuẩn trên vết thương bỏng độ II, III nông.

Sau 28 ngày, tại vùng chứng ghi nhận tổng cộng 22 mẫu cấy dương tính vi khuẩn Gram (+), 5 mẫu vi khuẩn Gram (-), trong khi tại vùng chiếu chỉ phát hiện 9 mẫu cấy có vi khuẩn Gram (+). Việc chiếu plasma lạnh có xu hướng ức chế để vết bỏng không bị nhiễm khuẩn.

Chiếu plasma lạnh giúp rút ngắn thời gian biểu mô hóa hoàn toàn vết bỏng so với vùng chứng ở 55,2% trường hợp. So với vùng chứng, vùng chiếu tia plasma thời gian biểu mô hóa hoàn toàn vết bỏng rút ngắn trung bình 1,5 ± 0,4 ngày. Chiếu plasma lạnh không ảnh hưởng đến thời gian tiết dịch của vết bỏng.

Biến cố bất lợi thường gặp khi chiếu plasma lạnh là cảm giác đau, rát, ngứa tại chỗ nhưng chỉ ở mức độ nhẹ hoặc vừa, trong đó cảm giác đau trong khi chiếu là 71,6% nhưng giảm sau chiếu còn là 27,2% và đặc biệt là cảm giác đau vừa giảm rõ rệt từ 28,4% trong khi chiếu xuống còn 7,5% sau chiếu.

Tia plasma lạnh có tác dụng diệt khuẩn, tăng sinh tuần hoàn tại chỗ, tính an toàn không gây tổn thương lên da và kích thích biểu mô hóa nhanh liền vết thương. Chiếu tia plasma lạnh giúp rút ngắn thời gian biểu mô hóa hoàn toàn vết bỏng. Đây là kỹ thuật mới nhất được áp dụng cho điều trị bỏng tại Bệnh viện T.Ư Huế cũng như toàn quốc.

Giảm nhiễm khuẩn và hạn chế sẹo xấu

Nhóm nghiên cứu cho biết, đây là công nghệ ưu việt trong việc điều trị vết thương bỏng, làm giảm nhiễm khuẩn, tính an toàn cao, rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế được sẹo xấu.

Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên ứng dụng thử nghiệm lâm sàng này chứng minh có hiệu quả, an toàn và đã đưa ra bảo vệ đề tài được Bộ Y tế công nhận. Phương pháp này có thể áp dụng được cho tất cả các tuyến y tế.

Hiện, mỗi phút chiếu giá 30.000 đồng, 1 - 2 ngày thực hiện một lần, tùy mức độ nghiêm trọng của vết thương. Plasma lạnh giúp người bệnh giảm thời gian điều trị và chi phí 8 - 10 lần so với các phương pháp khác (ghép da, phẫu thuật, hút áp lực âm, tiêm hoặc uống kháng sinh…).

TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh, plasma lạnh rất hiệu quả khi điều trị các vết thương chậm liền, nhiễm khuẩn. Sở dĩ như vậy vì plasma đã tiêu diệt các vi sinh vật cản trở quá trình liền vết thương như vi khuẩn, virus và nấm.

Khi tiếp xúc với vi sinh vật, plasma có thể phá vỡ màng tế bào của chúng nhờ sự bắn phá của ion và electron cũng như sự ăn mòn của các gốc tự do, hoạt chất. Các gốc tự do và tia cực tím còn có thể xuyên qua màng tế bào của vi sinh vật để làm mất hoạt tính của protein, khiến cho vi sinh vật không thể hoạt động.

Plasma giúp tạo nên một lớp màng protein trên bề mặt vết thương, chống vi khuẩn tái xâm nhập. Plasma cũng giúp cơ thể giải phóng các yếu tố hỗ trợ liền vết thương nhanh hơn (như tăng lưu thông máu, tăng sinh tân mạch, tiêu diệt nội độc tố, giảm viêm, giảm đau, tăng sinh tế bào, tăng sinh collagen, kích thích tái tạo biểu bì).

Do đó có thể dùng plasma điều trị các vết thương cấp tính như bỏng, vết mổ, các vết thương mạn tính (loét do đái tháo đường, loét do tì đè, loét do nằm lâu…), ứng dụng trong da liễu (điều trị nấm, chàm...) và thẩm mỹ (chữa mụn trứng cá, vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ)...

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ này của các nhà khoa học Bệnh viện Trung ương Huế đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.