Nàng Hương trị bỏng

Lê Thu Hương (sinh năm 1990) cho ra đời chế phẩm gel trị bỏng - chỉ chưa đầy 20 phút, tạo thành lớp màng chắn bền vững ngăn nhiễm trùng, giảm mất nước trên bề mặt vết thương.

Niềm vui của Lê Thu Hương khi nhận giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Niềm vui của Lê Thu Hương khi nhận giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.

Phòng thí nghiệm là nhà

Một lần tình cờ, Hương đọc báo cáo khoa học quốc tế viết về chất Pluronic, chỉ ra nhược điểm của chất Pluronic tạo màng nhưng không bền vững, dễ bị “rách” do dịch tiết từ vết thương bỏng. Học chuyên ngành Dược, Hương mong muốn điều chế ra sản phẩm mang lại lợi ích trong việc điều trị bỏng.

Với sự giúp đỡ của thầy Trần Hữu Dũng, phó trưởng khoa Dược, ĐH Y Dược (ĐH Huế), Hương bắt tay thực hiện đề tài “Chế tạo gel Pluronic nhạy cảm với nhiệt có chứa Neomycin và Panthenol điều trị bỏng trên vật thí nghiệm”.

Để mở lối tìm điểm mới, Hương tham khảo nhiều tài liệu nước ngoài, tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về da liễu để bổ sung kiến thức cho công việc nghiên cứu.

Khó khăn ban đầu cô gặp phải là thiếu thốn về trang thiết bị, hóa chất… Hương cho biết: “Nhiều lúc, mình đọc và tìm hiểu được một phương pháp hay, muốn bắt tay thử nghiệm ngay nhưng thiếu hóa chất nên phải tạm gác lại, tìm mua đủ dược chất mới thực hiện được”.

Những ngày đầu, Hương khá mệt mỏi vì thời gian học và làm thí nghiệm quá tải. Hết giờ học, cô có mặt ngay tại phòng thực hành. Nhiều hôm, học cả ngày, Hương tranh thủ ở lại làm thí nghiệm đến 9h tối.

“Đôi lúc, mình cũng thấy buồn vì bạn bè có thời gian đi chơi, còn mình cứ loay hoay ở phòng Hóa học” - cô kể.

Với Hương, phòng thí nghiệm là ngôi nhà thứ hai, hóa chất là bạn thân. “Cảm giác sung sướng nhất là lúc mình tìm ra công thức mới để điều chế. Tối về, mình mừng không ngủ được" - Hương tâm sự.

Kiên trì sẽ thành công

Thách thức lớn với Hương là làm sao tạo ra gel trị bỏng tích hợp những tác dụng có lợi cho da. Thí nghiệm thất bại nhiều đến nỗi, Hương không còn nhớ đã “ngậm đắng nuốt cay” bao nhiêu lần.

Cô chia sẻ: “Mỗi lần hỏng, mình phải làm lại từ đầu. Tài sản mình có là 4 quyển vở nháp ghi đầy các công thức phản ứng không thành công”.

Phần quan trọng trong đề tài của Hương là phải bảo quản cẩn thận chất Pluronic, điều chỉnh tăng giảm nhiệt độ phù hợp trong ngăn tủ lạnh. Nếu không, chất sử dụng điều chế gel sẽ bị hỏng ngay. Với quyết tâm đi tới cùng, nhận được sự giúp đỡ của thầy bộ môn và từ nỗ lực của bản thân, cô dần tìm ra điểm sáng.

Từ những lần điều chế thất bại, Hương nhìn ra điểm yếu của thí nghiệm. Từ đó, cô đưa ra phương pháp pha trộn dược chất theo bí kíp riêng, làm tăng khả năng kháng khuẩn và tác dụng chữa trị của chế phẩm. Sau chuỗi thất bại, Hương đã nhận được kết quả khả quan, khắc phục được nhược điểm không tạo màng và màng không bền vững từ các nghiên cứu khoa học quốc tế.

Từ thực nghiệm của Hương, khi bệnh nhân dùng gel bôi lên vết bỏng, vùng da sẽ tạo lớp màng mỏng giúp bảo vệ vết thương không bị nhiễm trùng, hạn chế sự mất nước trên bề mặt, giảm đau đớn.

Ngoài ra, thành phần chế phẩm còn chứa Neomycin và Panthenol, là hai chất kháng sinh giúp vết thương mau lành. “Có lần, trong lúc nấu ăn, mình bất cẩn bị bỏng. Thế là mình dùng thử sản phẩm và cảm thấy hiệu quả rất tốt” - Hương kể.

“Công việc nghiên cứu là cả một quá trình dài và gian nan. Nó giúp mình rèn tính kiên trì và bền chí. Bài học từ những lần thất bại giúp mình trưởng thành hơn. Khi làm bất kỳ việc gì, hãy luôn đặt mục tiêu và cố gắng thực hiện. Mình tin, sau 999 lần thất bại thì lần thứ 1.000, rất có thể bạn sẽ thành công” - Hương khẳng định.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.