Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã đề xuất phương án lấy nước uống được từ nghiên cứu đất trên bề mặt Mặt Trăng.
Các mẫu đất được lấy về từ sứ mệnh Chang'e 5 của Trung Quốc vào năm 2020. Những phát hiện này có thể cho thấy khả năng sản xuất nước uống được từ đất trên Mặt Trăng.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Innovation, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các mẫu mặt trăng có nồng độ hydro và oxy cao cùng các nguyên tố khác. Khi được nung nóng đến nhiệt độ vượt quá 1.800 độ F (982 độ C), các nguyên tố trong các mẫu đó tạo ra hơi nước.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) - những người tham gia nghiên cứu cùng với các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ và Kỹ thuật Vật liệu Ninh Ba - đã mô tả kỹ thuật này là "có tính thực tiễn cao".
Tờ South China Morning Post cho biết thêm rằng phương pháp này có khả năng sản xuất tới 76 miligam nước từ 1 gam đất trên Mặt Trăng.
Điều đó có nghĩa là một tấn đất có thể sản xuất ra khoảng 50 lít (13 gallon) đủ để 50 người uống trong một ngày. Khoáng vật oxit ilmenit có trong đất, cũng như một số khoáng chất khác, có khả năng lưu trữ một lượng lớn hydro nhờ tiếp xúc với gió mặt trời trong hàng tỷ năm.
Phát hiện này rất hứa hẹn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần phải thực hiện thêm các nhiệm vụ nữa để xem kỹ thuật này khả thi như thế nào trong thực tế.
Ví dụ, làm tan chảy đất Mặt Trăng bằng cách tập trung ánh sáng mặt trời qua gương lõm là một kỹ thuật mà nhóm đang cân nhắc.
Trung Quốc đang mang tham vọng lớn xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng cùng với Nga nhằm khám phá vệ tinh duy nhất của Trái Đất. Căn cứ này có thể đặt trong một hang động ngầm tại Mặt Trăng.
Hang động nằm sâu khoảng 492 feet dưới bề mặt Mặt Trăng và có thể cung cấp nơi trú ẩn khỏi môi trường bề mặt khắc nghiệt.
Dữ liệu radar do Tàu thăm dò Mặt Trăng của NASA thu thập cho thấy hang động này có nhiều khả năng là một "ống dung nham rỗng".
Các tàu thăm dò quỹ đạo Mặt Trăng lần đầu tiên nhìn thấy những "lỗ hổng bên dưới bề mặt" này cách đây hơn một thập kỷ và người ta tin rằng nhiều lỗ hổng trong số đó thông với các hang động ngầm, chẳng hạn như ống dung nham, hình thành thông qua các quá trình núi lửa.
Hang động đặc biệt này được Lorenzo Bruzzone và Leonardo Carrer tại Đại học Trento ở Ý tìm thấy. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng radar để thâm nhập vào một lỗ hổng trên một đồng bằng đá gọi là Mare Tranquillitatis mà mắt thường của người ngắm sao có thể nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đây chỉ là một trong số hàng trăm hang động ẩn trong một "thế giới ngầm, chưa được khám phá".