NASA tìm lỗi tên lửa Boeing cho sứ mệnh Mặt Trăng

GD&TĐ -Tên lửa của Boeing dành cho sứ mệnh Mặt Trăng Artemis II có thể trì hoãn lâu hơn năm 2028 vì lỗi "trình độ công nhân hàn".

Tầng lõi tên lửa Artemis II được đẩy ra tại Cơ sở lắp ráp Michoud ở New Orleans, Louisiana, ngày 16 tháng 7 năm 2024.
Tầng lõi tên lửa Artemis II được đẩy ra tại Cơ sở lắp ráp Michoud ở New Orleans, Louisiana, ngày 16 tháng 7 năm 2024.

Từ năm 2014, Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lên kế hoạch cho sứ mệnh bay ngang qua Mặt Trăng Artemis II vào năm 2025. Chuyến bay sẽ sử dụng phiên bản Block 1B của Hệ thống phóng không gian do Boeing chế tạo.

Lần ra mắt của tên lửa này kể từ đó đã bị đẩy lùi đến sứ mệnh hạ cánh trên Mặt Trăng Artemis IV năm 2028. Thậm chí, trong một cuộc điều tra mới đây, Văn phòng Tổng thanh tra của NASA đã cảnh báo rằng, khả năng ra mắt của tên lửa này có thể bị trì hoãn lâu hơn nữa.

Cuộc điều tra tổng thể của NASA mới đây cho thấy, tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo của Boeing đã chậm tiến độ nhiều năm, vượt quá ngân sách đáng kể. Boeing, công ty được ký hợp đồng vào năm 2014 để chế tạo phần trên mạnh mẽ của tên lửa, phải chịu một phần trách nhiệm cho sự chậm trễ này.

Tổng thanh tra NASA báo cáo rằng, lý do của sự trì trệ này là từ "những kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm" do những nhà quản lý kém hiệu quả chỉ đạo.

Các thanh tra viên của NASA đã đến thăm Cơ sở lắp ráp Michoud của Boeing ở Louisiana và phát hiện ra "những thiếu sót rõ ràng về chất lượng". Báo cáo đã đưa ra 71 Yêu cầu hành động khắc phục để khắc phục những thiếu sót này. Đơn vị này lưu ý, 71 yêu cầu là "một con số cao đối với một hệ thống bay vũ trụ ở giai đoạn phát triển này".

Những thiếu sót này "phần lớn là do thiếu một số lượng đủ lớn công nhân hàng không vũ trụ được đào tạo và có kinh nghiệm tại Boeing". Theo các chi tiết được nêu rõ, các kỹ thuật viên thiếu kinh nghiệm đã được giao việc chế tạo thậm chí còn "không thể hàn một bình nhiên liệu theo đúng tiêu chuẩn của NASA".

Việc hàn cẩu thả này trực tiếp dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình phát triển tầng trên của tên lửa tới 7 tháng sau đó.

Báo cáo tuyên bố rằng: "Cho đến nay, quy trình giải quyết các thiếu sót của Boeing vẫn chưa hiệu quả và công ty này thường không có hành động khắc phục khi các vấn đề kiểm soát chất lượng tương tự tái diễn".

Ban đầu, Boeing hứa sẽ giao tầng trên vào tháng 2 năm 2021, và hiện khẳng định sẽ hoàn thành vào tháng 4 năm 2027. Trong thời gian đó, chi phí đã tăng vọt, NASA ước tính tầng này sẽ tiêu tốn 2,8 tỷ USD vào năm 2028, gấp đôi so với ước tính 962 triệu USD của Boeing đã cam kết vào năm 2017.

Văn phòng Tổng thanh tra NASA khuyến nghị phạt Boeing vì "không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng". Tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành của NASA, Catherine Koerner đã thông báo rằng, lệnh phạt sẽ không được đưa ra.

Boeing đang chứng kiến quãng thời gian tồi tệ về chất lượng sản phẩm của họ sau khi các báo cáo an toàn bay được đưa ra. Hồi tháng 1 năm nay, một tấm cửa bị thổi bay khỏi chiếc Boeing 737 MAX 9 ở giữa không trung đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về chất lượng sản phẩm.

Tới tháng 6, Boeing tiếp tục gây chú ý khi tàu vũ trụ Starliner của hãng này bị trục trặc, khiến hai phi hành gia bị mắc kẹt trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Các phi hành gia ban đầu được cho là sẽ ở lại ISS trong một tuần, nhưng NASA hồi giữa tuần này đã nói rằng, các phi hành gia có thể sẽ mắc kẹt trong không gian cho đến năm 2025 và tàu vũ trụ đưa họ trở về sẽ là Crew Dragon của SpaceX.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tim Berners-Lee trong một buổi nói chuyện tại CERN.

Website ra đời như thế nào?

GD&TĐ - Nhờ Tim Berners-Lee và những người tiên phong về Internet, hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống hiện nay đều có thể được thực hiện trực tuyến.