Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường đã nhắc đến việc tiếp tục hợp tác trong phát triển dự án Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế và phối hợp các kế hoạch cho các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng chung.
"Để đạt được điều này, [các bên] đã nhất trí tiếp tục hỗ trợ phát triển các dự án thành lập Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế và điều phối các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đã được lên kế hoạch của Nga và Trung Quốc" - tuyên bố chung sau cuộc họp của hai Thủ tướng nêu rõ.
Theo văn bản, hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương hiệu quả .
Ngoài ra, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm không gian, không ngừng làm sâu sắc thêm sự hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các dự án quy mô lớn, đồng thời thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ trong lĩnh vực định vị vệ tinh, đảm bảo tính tương thích và bổ sung cao hơn giữa các hệ thống GLONASS và BeiDou.
Giới quan sát đặc biệt chú ý tới khả năng triển khai căn cứ Mặt Trăng mà hai nước đã tuyên bố.
Trong 50 năm qua, các nhà khoa học Nga và Trung Quốc đã tạo ra được những hệ thống gần như tự động để duy trì sự sống ngoài không gian. Việc thiết lập các cơ sở nghiên cứu vòng kín bền vững có khả năng duy trì sự sống trên Mặt Trăng là một nhiệm vụ đầy tham vọng mà cho đến nay chỉ có hai quốc gia đã thực hiện được.
Nga và Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra lộ trình xây dựng chung một căn cứ trên Mặt Trăng vào mùa hè năm 2021. Năm sau, họ đã ký một biên bản ghi nhớ về việc cùng thám hiểm Mặt Trăng và cam kết hợp tác để xây dựng một căn cứ tại đó vào những năm 2030.
Các căn cứ trên Mặt Trăng đang được chú ý là Yuegong-1 của Trung Quốc (còn được gọi là Cung điện Mặt Trăng) và BIOS-3 của Nga.
Cả hai đều là cơ sở khép kín về mặt môi trường, có khả năng hỗ trợ nhiệm vụ độc lập kéo dài mà không cần nguồn cung cấp bên ngoài nào khác ngoài nguồn điện.
Lúc đầu, các nhà nghiên cứu và nhà thiết kế phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong việc cung cấp hỗ trợ sự sống đầy đủ trên một trạm vũ trụ.
Tuy nhiên, vấn đề hiện có thể được giải quyết nhờ việc đưa vào các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, cho phép thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu dài hạn trong môi trường khắc nghiệt và cằn cỗi.
Người đứng đầu Roscosmos Yuri Borisov trước đó tiết lộ Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu các phương tiện kỹ thuật để triển khai và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng vào thời điểm nào đó trong khoảng năm 2033 đến năm 2035. Việc xây dựng nhà máy này xuất phát từ nhu cầu về nguồn năng lượng hạt nhân nhỏ gọn, đáng tin cậy, lâu dài và bền vững trên bề mặt Mặt Trăng.
Ông Borisov chỉ ra rằng, đêm trên Mặt Trăng kéo dài tương đương với khoảng 14 ngày trên Trái Đất. Trong điều kiện như vậy, các tấm pin mặt trời thông thường không thể hy vọng tích lũy đủ năng lượng để đảm bảo hoạt động của dự án Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu trong một thời gian dài như vậy.
Dự án Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế, hiện đang trong giai đoạn trinh sát, dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2026, với việc sử dụng được thiết lập để bắt đầu từ năm 2036 trở đi, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Hơn một chục quốc gia đã ký kết tham gia dự án - dự kiến sẽ đạt đến đỉnh cao trong các nhiệm vụ nghiên cứu và thám hiểm Mặt Trăng có người lái.