Căn cứ Mặt Trăng có thể được đặt trong hang động

GD&TĐ - Các nhà khoa học Ý tìm kiếm căn cứ Mặt Trăng tương lai có thể đặt trong hố sụt Mare Tranquillitatis (Biển tĩnh lặng - MTP).

Góc nhìn từ trên cao của hố Mare Tranquillitatis có thể được lựa chọn làm căn cứ Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Góc nhìn từ trên cao của hố Mare Tranquillitatis có thể được lựa chọn làm căn cứ Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Một nhóm các nhà khoa học do người Ý dẫn đầu cho biết họ đã xác nhận bằng chứng về một hang động lớn trên Mặt Trăng, có thể là nơi lý tưởng để đặt một căn cứ tại vệ tinh này.

Một bài báo đăng trên tạp chí Nature Astronomy hôm thứ Hai mô tả dữ liệu radar do Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) thu thập năm 2010 cho thấy, hố Mare Tranquillitatis (Biển tĩnh lặng - MTP) có thể là căn cứ tiềm năng cho hoạt động thám hiểm vệ tinh tự nhiên của Trái Đất trong tương lai.

Hố va chạm là một đặc điểm nổi bật cách Căn cứ Tranquility khoảng 400 km, nơi tàu Apollo 11 hạ cánh vào năm 1969. Đây là hố va chạm sâu nhất được biết đến trên Mặt Trăng, ước tính sâu khoảng 100 mét dưới bề mặt.

Lorenzo Bruzzone, thuộc Đại học Trento ở Ý, giải thích với giới truyền thông rằng dữ liệu do Mini-RF của LRO thu thập cho thấy rằng nó thực sự có thể là một "cửa sổ trời" nhô ra khỏi sàn dốc của một hang động sâu 150 mét, rộng 45 mét và dài 80 mét.

Các nhà khoa học cho biết hố này, giống như hơn 200 hố khác được phát hiện ở đó, được hình thành do sự sụp đổ của một ống dung nham rỗng.

Ngoài ra, có thể có trữ lượng nước đóng băng bên trong, một nguồn tài nguyên có giá trị cho bất kỳ nhiệm vụ có người lái nào lên Mặt Trăng, nhà khoa học nói thêm.

"Các hang động trên Mặt Trăng vẫn là một bí ẩn trong hơn 50 năm. Vì vậy, thật thú vị khi cuối cùng có thể chứng minh được sự tồn tại của một hang động" - Leonardo Carrer tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết.

"Ưu điểm chính của hang động là chúng cung cấp các bộ phận cấu trúc chính có thể có của một căn cứ của con người mà không cần các hoạt động xây dựng phức tạp" - ông cho biết thêm.

Phân tích hình ảnh radar của hố MTP, các nhà khoa học thấy một giếng trời hình elip với các bức tường thẳng đứng hoặc nhô ra và sàn hố dốc dường như kéo dài hơn nữa xuống lòng đất.

Bề mặt Mặt Trăng tiếp xúc với nhiều yếu tố có hại cho con người, bao gồm bức xạ không gian, tia vũ trụ và thiên thạch nhỏ. Việc ẩn náu các căn cứ dưới lòng đất là một trong những cách được đề xuất để giảm thiểu chúng.

Các nhà khoa học tin tưởng rằng đây sẽ là một địa điểm lý tưởng cho các quốc gia trong tương lai muốn đặt căn cứ trên Mặt Trăng.

"Phát hiện này cho thấy MTP là một địa điểm đầy hứa hẹn để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng, vì nó cung cấp nơi trú ẩn khỏi môi trường bề mặt khắc nghiệt và có thể hỗ trợ cho hoạt động thám hiểm Mặt Trăng lâu dài của con người" - bản nghiên cứu nêu rõ.

Ngoài những lợi ích thiết thực, các ống dung nham sẽ chứa các mẫu đá và đất không bị ảnh hưởng bởi điều kiện xuống cấp trên bề mặt và có thể cung cấp thông tin chi tiết về quá trình hình thành Mặt Trăng và hoạt động địa chấn.

Các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra giả thuyết rằng một số hố trên Mặt Trăng có thể dẫn đến các hang động dung nham. Từ đó, con người có thể sử dụng chúng phục vụ mục đích đặt căn cứ. Nhưng tính ổn định của chúng có thể là một vấn đề, với các bức tường và trần cần được gia cố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.