“Nếu nói về ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời), tất cả phải rõ ràng: Chúng ta sẽ không di cư đến đó. Các ngoại hành tinh ở rất xa. Thậm chí nhìn nhận dưới góc độ lạc quan nhất, chúng ta cũng phải nhắc đến khoảng cách vài chục năm ánh sáng. Đó thật ra là khoảng cách không quá lớn trong thang độ vũ trụ; tuy nhiên chúng ta cần có thời gian thích hợp để vượt qua được khoảng cách đó”, ông Mayor nói.
Mơ ước du hành ra ngoài Hệ Mặt trời cần được xếp vào danh sách các chuyện cổ tích, nếu như chúng ta không phát triển được công nghệ mang tính đột phá, giúp thực hiện cuộc du hành này.
“Chúng ta nói về hàng trăm triệu ngày đêm với việc sử dụng các phương tiện hiện có. Thay cho việc di chuyển đến các hành tinh khác, chúng ta nên tập trung nghiên cứu Trái đất của chúng ta - một hành tinh đẹp và vẫn hoàn toàn có thể sống được trên đó”, ông Mayor phân tích.
Ông Mayor cũng cho biết, sẵn sàng “lật nhào” tất cả ý kiến cho rằng, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải di chuyển sang hành tinh khác, nếu như sự sống trên Trái đất trở nên bất khả thi. “Đó là ý nghĩ điên rồ”, nhà khoa học 77 tuổi khẳng định.
Vào năm 1995, Mayor và Queloz phát hiện ngoại hành tinh đầu tiên quay xung quanh một ngôi sao giống Mặt trời. Trước đó, Giáo sư Aleksander Wolszczan (Ba Lan) cũng quan sát được một ngoại hành tinh quay xung quanh một sao xung (pulsar). Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 4.000 ngoại hành tinh trong Dải Ngân hà.
“Đây là câu hỏi cũ mà các nhà triết học tranh luận: Có những thế giới khác trong vũ trụ hay không? Cùng với các đồng nghiệp, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm các ngoại hành tinh và chứng tỏ rằng có thể nghiên cứu các hành tinh này”, ông Mayor nói.
Theo nhà vật lý học, thế hệ kế tiếp cần trả lời câu hỏi: Có sự sống trên các hành tinh khác hay không? Hiện tại chưa có công nghệ thích hợp để nhận biết điều đó.