Ông bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo vắc-xin và ngăn chặn được hàng triệu người bị lây nhiễm virus gây chết người này. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong số những người được Hilleman cứu trong suốt sự nghiệp của ông.
Phản ứng kịp thời
Sinh vào tháng 8/1919, thời cao điểm của dịch cúm Tây Ban Nha, Maurice Hilleman được nuôi nấng ở một nông trại gần thành phố Miles, Montana, Mỹ. Ngay từ nhỏ, ông đã có niềm say mê khoa học tự nhiên. Sau khi học xong trung học, ông tìm được công việc trợ lý tại một cửa hàng J.C. Penney và dự tính làm việc lâu dài ở đây.
Nhưng sau đó, được người anh thuyết phục, ông nộp đơn vào ĐH bang Montana. Thi đỗ, ông được cấp học bổng toàn phần và tốt nghiệp nhất lớp vào năm 1941. Sau đó, ông được chấp nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Chicago.
Ngược lại ý nguyện của giáo sư hướng dẫn mình, sau khi lấy bằng tiến sĩ, Hilleman đi vào công nghệ Dược, thay vì theo con đường học thuật, bởi vì tin ở lĩnh vực này, ông sẽ có điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu giúp bệnh nhân.
Sau 4 năm làm việc ở Công ty Dược E.R.Squibb tại New Jersey, Hilleman chuyển đến Viện nghiên cứu Quân y Walter Reed ở Washington, D.C., để nghiên cứu bệnh đường hô hấp và sự bùng phát của dịch cúm.
Tại đây, ông chứng minh các virus gây bệnh cúm đã bị đột biến, giúp chúng tránh được các kháng thể phát triển trước đây chống chủng này. Điều này giải thích vì sao vắc-xin ngừa bệnh cúm không bảo vệ suốt đời người như vắc-xin đậu mùa hay bại liệt.
Qua nghiên cứu này, Hilleman tin chắc virus ở Hồng Kông về cơ bản khác với các chủng hiện có, vì vậy nó có thể gây chết người nếu lan đến Mỹ hay các quốc gia khác. Khi đọc về tình hình ở Hồng Kông đăng trên tờ The New York Times ngày 17/4/1957, ông kêu lên: "Lạy Chúa. Đây là đại dịch!". Ngày sau đó, ông yêu cầu quân đội thu thập các mẩu virus mang về cho ông nghiên cứu.
Một tháng sau, Hilleman nhận được nước muối đã súc họng từ một lính Hải quân phục vụ ở Hồng Kông. Hilleman bắt đầu ủ virus và thử nghiệm trên hàng trăm người lính và dân thường.
Không tìm thấy người nào có kháng thể với chủng cúm này, Hilleman gửi những mẫu virus mới đến các tổ chức nghiên cứu khác, và được khẳng định chỉ một ít người lớn tuổi sống sót trong đại dịch cúm diễn ra các năm 1889 – 1890 mới có kháng thể chống lại virus trên. Điều này có nghĩa là gần như tất cả mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm virus chủng mới này.
Nhận ra còn rất ít thời gian để chuẩn bị đương đầu với đại dịch, Hilleman trực tiếp tiếp xúc với các công ty sản xuất dược phẩm và yêu cầu họ làm ra vắc-xin từ các mẫu của ông. Mặc dù công trình của ông chưa được duyệt bởi cơ quan quản lý vắc-xin của Mỹ, nhưng bộ phận tiêu chuẩn sinh học và các công ty dược đã đồng ý.
Nhờ sự kiên trì của Hilleman, 40 triệu liều vắc-xin đã được sản xuất kịp vào lúc dịch cúm tấn công vào các thành phố ven biển nước Mỹ mùa Thu năm 1957.
Cuối cùng virus này cũng làm chết 1,1 triệu người, trong đó ước tính có 116.000 người ở Mỹ. Bác sĩ phẫu thuật thời điểm đó, Leonard Burney, cho biết virus sẽ lây lan đến hàng triệu người Mỹ nếu không có vắc-xin của Hilleman.
Sự nghiệp khoa học lẫy lừng
Tháng 3/1963, đứa con gái 5 tuổi của Hilleman, Jeryl Lynn, vào phòng ông lúc giữa đêm phàn nàn về họng bị đau và hàm sưng to. Hilleman nhận ra cô bé đã bị nhiễm quai bị. Mặc dù ít khi gây chết người, quai bị đôi khi gây ra điếc và viêm não, tuyến tụy và tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh ở nam thanh niên. Năm 1964, ước tính ở Mỹ có 210.000 trường hợp mắc căn bệnh này.
Hilleman đặt con lên giường, sau đó đến phòng thí nghiệm lấy chất súc rửa họng cho cô bé. Với các mẫu từ con gái, ông bắt đầu phát triển virus trong dung dịch phôi gà hòa tan để giảm bệnh, hoặc làm cho nó ít hiệu quả trong lây nhiễm cho người. Bằng cách cho nhiễm hết lần này đến lần khác các tế bào phôi gà, Hilleman đã tạo ra một virus đã bị làm yếu đi, khi tiêm vào người tạo được kháng thể nhưng không đủ mạnh để gây bệnh.
Em gái của Jeryl Lynn, Kirsten là một trong những người đầu tiên tiêm vắc-xin thí nghiệm của cha mình trong năm 1966. "Đây là đứa bé được bảo vệ bởi một virus từ chị của nó. Điều này quả là đặc biệt trong lịch sử y học", Hilleman sau đó nói trong một cuộc phỏng vấn.
Bình thường, trẻ em bị nhiễm bởi anh chị của chúng, chứ không từ cộng đồng. Một năm sau đó, tức gần 4 năm sau khi Jeryl Lyn thức giấc với một cơn đau họng, Hilleman được cấp phép chế tạo vắc-xin quai bị. Chủng virus đã được làm yếu từ họng của con gái ông vẫn là cơ sở cho vắc-xin quai bị được dùng trên thế giới hiện nay.
Thành công của Hilleman môt phần là nhờ vị trí của ông ở Công ty Dược phẩm Merck, nơi ông làm việc trong suốt 47 năm. Ông được trao quyền trực tiếp trong các nghiên cứu ở đây, và với nguồn tài chính dồi dào của Meck, Hilleman cùng nhóm của ông đã phát triển hơn 40 vắc-xin cho người và loài vật.
8 trong số 14 vắc-xin gần đây dành cho trẻ em như: Sởi, quai bị, viêm gan A, viêm gan B, thủy đậu, viêm màng não, viêm phổi và cúm Haemophilus (vắc-xin Hib), cũng do nhóm của ông chế tạo.
Hilleman qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 11/4/2005, ở tuổi 85. Các nhà khoa học trong lĩnh vực y sinh học công nhận ông đã cứu sống nhiều mạng người nhất so với các nhà khoa học khác trong thế kỷ 20.