Nhưng có một loại “hàng hóa” quý báu vẫn lẩn trốn họ trong hành trình vươn lên đáng kinh ngạc, từ một nước phát triển thành cường quốc kinh tế: Văn hóa ứng xử.
Chi hàng ngàn USD để học ứng xử
Giới chức Trung Quốc đã không ít lần kinh ngạc trước việc người dân nước này thể hiện quá nhiều thói hành xử xấu khi đi ra nước ngoài như khạc nhổ, nói to, húp nước xì xoẹt khi ăn và chen lấn xô đẩy khi xếp hàng. Chính quyền kêu gọi khản cổ, đề nghị người dân hành xử văn minh hơn, nhưng không ăn thua.
Sau một thời gian dài chờ đợi, dường như nay người Trung Quốc, ít nhất là giới lắm tiền nhiều của, đã có thể mua về sự ứng xử văn minh. Một trường dạy nghi thức giao tiếp đã được mở ở Bắc Kinh, với các lớp học dựa trên nhiều khóa huấn luyện ứng xử của các trường Thụy Sĩ.
Được thành lập bởi một nữ doanh nhân Hồng Kông từng theo học tại trường nghi thức Thụy Sĩ Institut Villa Pierrefeu danh tiếng, Viện Sarita mang tới cho khách hàng các bài học về văn hóa ứng xử, giúp biến họ trở thành người lịch lãm, đẳng cấp.
Tuy nhiên hành trình “lột xác” này không hề rẻ. Chi phí từ 20.000 NDT (3.100 USD) tới 100.000 NDT và ngôi trường - nằm trong khách sạn 5 sao Park Hyatt ở Bắc Kinh - hiển nhiên không dành cho dân nghèo.
Một buổi chiều, khi phóng viên tờ China Daily tìm tới Viện Sarita, các học viên đang được dạy kỹ năng dùng dao và dĩa cắt một quả cam thật đẹp. Sara Jane Ho - sáng lập viên của ngôi trường và cũng là một trong những giáo viên chủ chốt - đứng đầy tự tin trước các học viên. Cô cắt bỏ một đầu của quả cam, giúp nó đứng thẳng trên đĩa. Rồi cô dùng dĩa cắt quả cam ra từng múi, một cách từ tốn và đẹp mắt, cho đến khi quả cam biến thành một bông hoa đang nở bung.
Sau màn cắt cam, Ho biểu diễn kỹ năng ăn cam và lấy hạt ra khỏi miệng một cách lịch sự. Ho nói với học viên rằng các “quý cô” thường sẽ dùng một tay che miệng, dùng ngón trỏ và cái của tay còn lại để lấy hạt cam từ miệng. Các hạt cam sẽ được đặt về một bên trên chiếc đĩa ăn của họ.
“Những người phụ nữ duyên dáng không ăn uống nhồm nhoàm” - Ho nói - “Thể hiện cách cư xử đúng mực cho người khác thấy rằng bạn tôn trọng họ, rằng bạn có thể dẹp các nhu cầu và sự tiện nghi của bản thân sang bên vì họ”.
Cô gái 29 tuổi này hiện đã mở 4 khóa dạy văn hóa ứng xử, gồm 1 khóa ngắn ngày về kỹ năng ăn bữa tối có giá 20.000 NDT, một khóa dạy ăn tối và phục trang phù hợp kéo dài 1 tháng có giá 38.000 NDT và khóa dạy kỹ năng ứng xử lịch thiệp cho các cô gái chưa có chồng, kéo dài 3 tháng. Ngoài ra Ho còn có khóa dạy những người phụ nữ đã có chồng cách trở thành một chủ nhà lịch sự và hiếu khách, cách hành xử đúng mực trong các buổi gặp mặt xã giao hay làm ăn...
Giấc mơ biến đổi văn hóa ứng xử ở Trung Quốc
Húp nước một cách duyên dáng và hoàn toàn không gây ra chút tiếng động nào tại một nhà hàng ở Bắc Kinh trong cuộc tiếp xúc với phóng viên sau buổi dạy, Ho mỉm cười giải thích về lý do cô dạy văn hóa giao tiếp cho người Trung Quốc.
“Nhiều người bạn nước ngoài của tôi hỏi rằng có phải người Trung Quốc cố tình thô lỗ không? “ - Ho kể - “Nghe những câu nói như thế khiến tôi chạnh lòng. Tôi không nghĩ rằng đa số người Trung Quốc cố tình cư xử thô lỗ. Họ đơn giản chỉ là chưa được biết tới văn hóa ứng xử lịch thiệp”.
Cô cũng nói rằng xã hội Trung Quốc đã từng phải trải qua những giai đoạn khổ sở, nơi người ta chỉ nghĩ tới ăn no, chưa tính đến việc ăn ngon mặc đẹp, hành xử văn minh. Nay khi kinh tế đi lên, vấn đề cư xử lịch thiệp mới được quan tâm trở lại và cô chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu đó.
Ho (phải) dạy các học viên giàu có dùng khăn chùi miệng một cách lịch thiệp. |
Ho sinh ra ở nước ngoài nhưng lớn lên tại Hồng Kông. Cô theo học tại Học viện Phillips Exeter danh giá ở Mỹ khi mới 14 tuổi. Sau đó cô tốt nghiệp Đại học Georgetown và có bằng quản trị kinh doanh từ Trường Kinh doanh Harvard. Do cha mẹ đều là doanh nhân thành đạt, Ho đã nhiều lần tháp tùng họ trong những chuyến đi làm ăn, kể từ khi cô còn bé.
“Mẹ đẻ là người thầy đầu tiên của tôi. Bà luôn đưa tôi đi tới mọi nơi, dạy tôi quy tắc hành xử trong các sự kiện và giải thích vì sao lại phải thế” - cô kể. Khi lớn lên, Ho lại có sở thích vào vai chủ nhà. Mỗi tuần 2 lần, cô trang trí nhà cửa bằng hoa tươi đẹp đẽ rồi mời bạn bè qua chơi, ăn bánh kẹo do cô tự làm.
Ho cho biết cô đã luôn muốn tăng cường kỹ năng ứng xử của mình nên đã tham dự một khóa huấn luyện dài 2 tháng tại trường Institut Villa Pierrefeu. Trước đó cô tưởng trường sẽ dạy các kỹ năng giao tiếp tuân thủ chặt chẽ theo quy định và khuôn khổ. Nhưng sau đó cô nhận ra rằng người biết cư xử phải mềm dẻo trong mọi tình huống và khiến người đối diện cảm thấy thoải mái. Việc này quan trọng hơn là thể hiện kỹ năng ứng xử lịch thiệp.
Ho tin những gì mình dạy các học trò về văn hóa ứng xử có thể mang tới thay đổi lớn ở đại lục. “Sự thay đổi ở Trung Quốc là từ trên xuống. Viện Sarita chỉ là bước đầu tiên. Bạn bắt đầu bằng việc thay đổi lãnh đạo các công ty lớn, những người có nhiều ảnh hưởng, và rồi họ sẽ thay đổi những người khác quanh mình” - cô nói.
Hiển nhiên việc giáo dục và chuyển đổi những người giàu mới nổi ở Trung Quốc thành những người lịch thiệp không phải chuyện dễ dàng. Tại một buổi học gần đây, nhiều nữ học viên đã tới lớp của Ho bằng những chiếc xe Maserati, Ferrari và Bentley đắt tiền. Họ mặc những chiếc áo khoác lông to sụ, người đính đầy kim cương, hột xoàn, tay đeo nhiều nhẫn tới mức gặp khó khăn khi dùng dao, dĩa.
“Ở Hồng Kông và London, người ta luôn thể hiện sự tinh tế” - Ho nói - “Còn ở Bắc Kinh, người ta lại thích phô hết mọi thứ ra ngoài. Nếu tôi đi ăn trưa với một người bạn gái, cô ấy sẽ đeo một chiếc nhẫn hiệu Marc Jacobs rất lớn. Khi tôi tới dự các sự kiện mang tính xã giao ở Bắc Kinh và chỉ trang điểm nhạt, người ta sẽ vội vã hỏi rằng có phải tôi chưa trang điểm và tưởng rằng tôi bị mệt, tới mức không thể làm điều đó”.
Các buổi học bao gồm hướng dẫn sử dụng đúng cách dao, dĩa và các loại bát đĩa của phương Tây. |
Đắt đỏ và phù phiếm?
Ngoài ra, không phải ai ở Trung Quốc cũng ấn tượng với ngôi trường của Ho và ý định giúp người Trung Quốc văn minh hơn. Một số người nói rằng họ thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm khi một ngôi trường về ứng xử mọc lên ở Bắc Kinh.
Giám đốc thương hiệu Ni Rong, 26 tuổi - người có nhiều năm học ở Mỹ - cho biết: “Người già ở Trung Quốc có thể có văn hóa ứng xử không cao. Nhưng những ai đã lớn lên trong những năm 1980 và sau đó đều được giáo dục tốt, có sẵn nền tảng văn hóa tốt và biết cách cư xử. Tôi không phải fan của dạng trường này”.
Quản trị viên quan hệ công chúng Lu Xiamei, 24 tuổi, đồng tình: “Các khóa dạy ứng xử như thế này thường chỉ chú trọng tới một danh sách những việc được và không được làm. Chúng không dạy tầm quan trọng của hoạt động giao tiếp giữa các nền văn hóa” - anh nói - “Chúng trông thời thượng và đắt đỏ, nhưng không có giá trị ứng dụng thực tiễn nào cả. Thanh niên ở Trung Quốc chỉ cần học tiếng Anh và cách để thành công khi làm ăn. Họ không cần phải biết cách dùng dao, dĩa hay cách tiếp một công nương Châu Âu. Thẳng thắn mà nói, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp một người quý tộc như thế”.
Ăn mặc đẹp, trò chuyện duyên dáng và tự tin khi tiếp xúc với người khác, Jiang Zaozao, 30 tuổi, không giống một người cần phải dạy cách cư xử. Nhưng người phụ nữ là vợ một triệu phú đô la này vẫn khẳng định: “Tôi muốn học thêm về văn hóa ứng xử và áp dụng kiến thức vào cuộc sống”.
Jiang có khả năng sẽ bỏ ra từ 50.000 - 60.000 NDT cho các buổi học diễn ra tại Viện Sarita và cô thích thú với chúng không khác gì việc mua một bộ sưu tập thời trang mới của Valentino hay Dior. Cô dường như đang rất choáng ngợp trước kho kiến thức thu được từ chỉ 2 buổi học về giới thiệu bản thân.
“Chúng tôi đã học cách đặt thìa, dĩa lên bàn ra sao nếu bạn muốn đi vệ sinh trong lúc dùng bữa tối” - Jiang chia sẻ - “Chúng tôi còn học cách bắt tay đúng mực, cách duy trì việc nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện”.
“Trước kia tôi còn chẳng biết cách dùng khăn ăn chùi miệng đúng kiểu, cách gấp khăn và để lên đùi hay cách xé bánh mỳ và phết bơ sao cho tao nhã” - cô chia sẻ tiếp rồi lắc đầu như thể khó chấp nhận về cách hành xử của mình - “Chỉ tới giờ tôi mới nhận ra mình đã từng thô lỗ biết bao”.