Đổi mới, sáng tạo phù hợp với thực tế
Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Long Biên – Hà Nội) cho biết, việc xây dựng hình ảnh, vị thế nhà giáo là trách nhiệm của mỗi người giáo viên, phải làm đúng và làm tốt. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cũng cần động viên kịp thời bằng việc tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong tập thể.
Trường THCS Chu Văn An có nhiều những tấm gương tốt, đáng để đồng nghiệp noi theo. Hàng tháng, trường và chính quyền quận đều có đánh giá, xếp loại và chính sách tuyên dương, khen thưởng những tấm gương điển hình.
Đặc biệt, trong giai đoạn dạy trực tuyến như hiện nay, nhiều giáo viên đã tận dụng được sức trẻ, thể hiện năng lực về công nghệ thông tin để có nhiều sáng kiến, giúp cho việc dạy và học trở nên thuận lợi hơn.
“Giáo viên có thể sử dựng các phần mềm miễn phí như: Google Meet, Google Classroom... giúp học trò tương tác đa dạng. Ngoài ra, khắc phục được tình trạng học sinh thường xuyên bị “out” trong lúc học trực tuyến. Hoặc trong trường hợp bị “out”, học sinh vẫn có cơ hội để xem lại bài của thầy cô đã giảng dạy.
Cũng theo thầy Tuấn, giáo viên và người làm công tác quản lý giáo dục cần đề cao tinh thần nêu gương. Từ văn hóa đến phát ngôn phải lịch sự, chuẩn mực, tuân thủ chặt chẽ các quy định. Phối hợp với phụ huynh, cùng xây dựng một văn hóa nhà trường, xã hội lành mạnh.Những sáng tạo nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn, giúp phụ huynh yên tâm hơn. Do đó, chúng tôi thường xuyên có những khen thưởng, biểu dương các thầy cô bằng tinh thần, vật chất để động viên, khích lệ giáo viên”, thầy Tuấn nói.
Mạng xã hội hiện nay phát triển, thuận lợi, nhưng nếu thầy cô giống như một công dân tùy tiện, có những lời nói và hành động không đúng chuẩn mực sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, cần biết chắt lọc thông tin, xem những nguồn đáng tin cậy để tránh lệch lạc tư tưởng.
Chuẩn mực đặt lên hàng đầu
Theo ông Nguyễn Đức Lượng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai (Hà Nội), xây dựng hình ảnh và vị thế nhà giáo là chủ trương thông suốt của toàn ngành GD-ĐT. Đối với nhà giáo và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong môi trường giáo dục đều phải lấy chuẩn mực đặt hàng đầu. Đây là yêu cầu chung không khi nào thay đổi.
Giáo viên có thể thay đổi thời trang, phong cách... để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng luôn phải giữ chuẩn mực đạo đức, làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, đội ngũ nhà giáo phải cố gắng khắc phục hạn chế về công nghệ thông tin. Đặc biệt, khi đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy, đòi hỏi giáo viên đổi mới nhận thức, tư duy, sáng tạo. Nếu người dạy không thay đổi, học sinh không thể đạt được những yêu cầu như mong đợi.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần chăm lo đời sống, cải thiện chế độ chính sách hơn, để giáo viên yên tâm công tác. Từ đó, thầy cô sẽ tập trung hơn về chuyên môn, đạo đức, các mối quan hệ không bị chi phối bởi yếu tố vật chất.
“Năm học 2021 – 2022, chúng tôi xác định mục tiêu thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai có hiệu quả giáo dục STEM và trường học hạnh phúc kết hợp với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với Hội đồng Đội huyện phát động cuộc thi cảm xúc về thầy cô và mái trường, nhằm phát huy tình cảm thiêng liêng, cao đẹp của các thế hệ học sinh với thầy cô, với mái trường mà các em đã và đang học tập”, ông Lượng nói.