Công nghệ sẽ dần thay thế những phương pháp dạy học truyền thống, liệu những nguyên lý, nguyên tắc, phần mềm, lớp học ảo… có làm giảm đi nhiệt huyết của nhà giáo? Bí quyết nào để thầy cô dù đối diện với khó khăn, thách thức cả trong nghề và cuộc sống vẫn giữ được “lửa nghề”, truyền cảm hứng và mang đến cho học sinh nét đẹp về tri thức và tâm hồn? Dưới đây là chia sẻ của các nhà giáo về vấn đề này.
Cô Phùng Thị Hoa - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tòng Bạt (Ba Vì, Hà Nội): Càng khó khăn, lửa nghề càng cháy sáng
Trường Mầm non Tòng Bạt nằm trên địa bàn xã Tòng Bạt, một xã đồi gò của huyện Ba Vì. Trường có 74 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 570 học sinh, trong đó có một số giáo viên và học sinh dân tộc Mường.
Từ khi về nhận công tác tại trường năm 2014 với cương vị Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng nhà trường, tôi luôn trăn trở làm thế nào để ngôi trường sẽ thực sự là ngôi nhà thứ 2 của trẻ, mỗi cô giáo sẽ là những người mẹ thứ 2 của các con... Với một ngôi trường có nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị còn thiếu thốn, tôi cùng tập thể cán bộ giáo viên có chung quyết tâm tìm ra các biện pháp khắc phục khó khăn như: Làm thế nào để gom được các điểm lẻ? Làm thế nào để trẻ có môi trường học tập tốt nhất? Làm sao để có một ngôi trường mới, đẹp và hiện đại…
Và những khó khăn trên chính là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực bám đích để đạt được kế hoạch đề ra. Tôi tâm niệm, mỗi nhà giáo có lòng yêu nghề, mến trẻ, sự nhiệt huyết sẽ luôn được “ngọn lửa” nghề soi sáng để khắc phục mọi khó khăn, thách thức. Từ những khó khăn tưởng chừng như không thể, với 6 điểm trường đến nay nhà trường chỉ còn 4 điểm trường.
Hai điểm lẻ được khởi công xây dựng năm 2016, đưa vào sử dụng năm 2017 với 10 phòng học 2 tầng. Khu trung tâm được người con của quê hương xã Tòng Bạt đầu tư xây mới 14 phòng học 2 tầng, các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, khuôn viên rộng, đồ dùng, đồ chơi trang thiết bị hiện đại… đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ, giúp phụ huynh yên tâm gửi con đến trường. Điều này thêm động lực và “lửa nghề” để tôi triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Tôi hiểu, mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” rất cần thiết đối với trường mầm non. Từ thực tế, tôi đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng ngôi trường vừa hiện đại, vừa văn minh… Môi trường trong lớp học được trang trí mở, theo hướng đổi mới. Môi trường ngoài lớp học sân vườn rộng nhưng bê tông hóa nhiều, bản thân đã xây dựng kế hoạch và thiết kế lại toàn bộ.
Tôi cải tạo sân bê tông thành khu vườn cổ tích, trải nghiệm, vui chơi, khu thể chất và vườn rau sạch… Các bậc phụ huynh đã ủng hộ xây dựng “Khu chợ quê” tặng cho cô và trẻ để cùng tham gia hoạt động. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ một số cây xanh trồng trong sân trường. Học sinh người Mường cũng luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nói tiếng Việt một cách tốt nhất.
Trong giai đoạn phải nghỉ học phòng dịch, chúng tôi vẫn duy trì nhịp hoạt động. Giáo viên say sưa, nhiệt huyết tham gia các chương trình tập huấn. Cô và trò vẫn tương tác qua trao đổi thông tin, những bài hướng dẫn kỹ năng, học mà chơi, chơi mà học qua mạng Internet… “Lửa nghề” vẫn cháy sáng dù tâm lý mỗi nhà giáo có đôi lúc dao động bởi tác động của dịch bệnh. Nhưng chúng tôi hiểu trong giai đoạn khó khăn, nhà giáo cần phát huy hơn nữa sự nỗ lực, yêu nghề để luôn sẵn sàng khí thế khi đón trẻ trở lại trường. Giáo viên cùng nhau trở lại nhịp hoạt động bình thường mỗi ngày trong ngôi trường hạnh phúc và thân thiện.
Thầy Trịnh Văn Tân - giáo viên Trường THCS Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội): Người thầy luôn biết tự làm mới mình
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực trên toàn cầu và giáo dục của chúng ta cũng không nằm ngoài những tác động của dịch bệnh. Trường học ở nhiều nơi phải đóng cửa, phong tỏa nhưng với quan điểm là “ngừng đến trường không ngừng việc học”, thầy và trò khắp cả nước thích nghi dần với học online mặc dù còn nhiều khó khăn.
Bản thân cũng gặp nhiều khó khăn và tự thích ứng khi tiếp cận với phương thức dạy trực tuyến. Ban đầu, tôi tự cập nhật và lựa chọn những ứng dụng tối ưu cho bài dạy (tìm và ứng dụng nhiều hoạt động sáng tạo như các trò chơi kahoot, quizizz… các ứng dụng đánh giá kiểm tra trên OLM hay Azot…). Ngoài chuẩn bị liên quan đến các kỹ thuật, bản thân còn tự điều chỉnh lại thói quen và kỹ năng mềm từ thái độ, cử chỉ, ngữ điệu… và thêm cả kỹ năng xử lý tình huống online để có một tiết dạy có thể truyền kiến thức tới học trò.
Với triết lý “người thầy là người truyền cảm hứng” và để luôn “giữ lửa” nghề, tôi hiểu rằng, trước hết, mỗi giáo viên phải “vừa là người dạy, vừa là người học”. Làm được như thế, người thầy mới có thể mang đến và lan tỏa những giá trị mà mình trao đi, biết mình đã có và cần cái gì, thiếu ở đâu để làm mới mình. Người thầy luôn biết khơi gợi niềm đam mê, ý chí phấn đấu và vươn lên mạnh mẽ của mỗi học sinh… và quan trọng hơn, hãy là một tấm gương bình dị luôn bên cạnh học trò, yêu thương, sẻ chia và khuyến khích các em mọi lúc, mọi nơi, tạo động lực để học trò tự tin, đam mê và khát khao.
Nhiều năm được phân công làm công tác chủ nhiệm, bằng tấm lòng và sự nhiệt huyết của mình, tôi cố gắng đưa nhiều tập thể lớp đi lên, trong đó có những lớp có những học sinh cá biệt hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi gần gũi, chia sẻ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để các em yên tâm, tập trung cho việc học.
Tình hình dịch bệnh, đổi mới giáo dục, hình thức học tập mới đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên hơn lúc nào hết cần đổi mới, sáng tạo tiếp cận sâu hơn với công nghệ. Đã có trường học sáng tạo thì cần có những nhà giáo dục sáng tạo, không còn là bảng đen phấn trắng, mà là ứng dụng, kết nối. Và cao hơn cả là tâm, trách nhiệm của người thầy, là sự hài lòng, hạnh phúc và an toàn của học sinh. Những điều này đòi hỏi mỗi giáo viên luôn tự xây dựng cho mình một chuẩn mực nâng cao đó là: Công nghệ - kỹ năng và cả sự hài lòng của người học để đáp ứng với những thách thức và khó khăn trong tình hình mới. Đó cũng chính là cách để nhà giáo luôn “giữ lửa” nghề, nhiệt huyết, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”…
Cô Trần Thị Dương - giáo viên Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội): Giữ lửa ấm trong lớp học trên không gian mạng
Trong 12 năm công tác tại Trường THPT Tây Hồ, tôi luôn suy nghĩ: “Mỗi học sinh đều thông minh theo cách khác nhau. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là phát hiện, bồi dưỡng và khích lệ sự phát triển của các em”. Chính vì vậy, qua mỗi năm học, tôi luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp, kỹ thuật dạy học để tạo nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng của học sinh.
Trong công tác chuyên môn, là giáo viên dạy Vật lý, tôi luôn trăn trở, tìm tòi phương pháp để có những bài dạy hay, giờ học hấp dẫn. Tôi luôn chú trọng đến việc đổi mới và linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học theo đặc thù bộ môn, phù hợp với học sinh, từng lớp nhằm khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực tự học của các em.
Tôi luôn tự nhủ, thành tích lớn nhất của người nhà giáo, không phải chỉ ở những tấm giấy khen, mà đó là sự ghi nhận và ủng hộ từ trong trái tim của mỗi học sinh.
Trong công tác chủ nhiệm, để rèn kĩ năng sống cho học sinh, tôi vận dụng linh hoạt triết lý: “Làm một lần sai, đến lần thứ hai sẽ rút được kinh nghiệm. Sự phát triển của con người không thể thiếu những sai lầm, quan trọng là có dám nhìn nhận và sửa chữa sai lầm ấy hay không”. Có thể nói, nghề giáo đã khiến tôi thay đổi rất nhiều, từ một con người nghiêm khắc, khô cứng và khó gần, tôi trở nên vui vẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng mở lòng với mọi người. Cuộc sống thay đổi khi bạn chịu thay đổi, tôi luôn nguyện cống hiến hết tâm sức và trí lực của mình cho sự nghiệp trồng người.
Trong thời điểm hiện nay, tôi thấy câu chuyện của dịch bệnh đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với quốc gia, toàn xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Nhưng thực tế đã chứng minh, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tất cả đã đi qua mùa dịch bằng sự sáng tạo không ngừng.
Năm nay, tôi đón học sinh khóa mới K20 của Trường THPT Tây Hồ. Cô trò chưa gặp nhau bao giờ và chỉ lướt qua trên màn hình. Vậy làm sao để gắn kết? Làm sao để trò hiểu và yêu gắn bó với ngôi trường khi mình chưa tới trường lớp? Làm sao để tạo môi trường đoàn kết, không khí vui tươi hài hòa trong lớp học?… Bao nhiêu lo lắng suy tư cùng một khóa học trò mới.
Nghề dạy học đã và đang đòi hỏi các thầy cô phải luôn thay đổi để thích ứng từng ngày với học trò ở lứa tuổi năng động, với công nghệ thông tin phát triển không ngừng nhất là trong thời kỳ dịch bệnh này. Để có được những khóa học trò luôn yêu mến và quý trọng, bản thân tôi luôn thay đổi nhưng theo một phương châm là tôn trọng – coi trọng sự khác biệt giữa các con – định hướng để học sinh phát triển đúng năng lực của mình. Bên cạnh đó, trước những đòi hỏi cao hơn về nghề giáo, bản thân tôi luôn trau đồi thêm các kĩ năng dạy học, bắt nhịp đổi mới về công nghệ thông tin, để theo kịp các yêu cầu của đổi mới và luôn cháy sáng nhiệt huyết niềm vui cùng các con bước vào những giờ học hạnh phúc… thực hiện.