Giáo viên biệt phái: Người giữ lửa ở trung tâm học tập cộng đồng

GD&TĐ - Thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng từng bước được củng cố, hoạt động có hiệu quả, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các trung tâm học tập cộng đồng huyện Lương Sơn (Hoà Bình) hoạt động hiệu quả.
Các trung tâm học tập cộng đồng huyện Lương Sơn (Hoà Bình) hoạt động hiệu quả.

Có được thành công trên không thể thiếu vai trò của giáo viên biệt phái.

Hoạt động tốt hơn

Ông Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho biết: Những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn huyện mở nhiều lớp chuyên đề về kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, dạy nghề mây tre đan, may mặc, tổ chức tuyên truyền về pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội.., giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức, trình độ, tham gia lao động sản xuất đạt hiệu quả cao.

Trung bình mỗi TTHTCĐ ở các xã, thị trấn mở được xấp xỉ 30 lớp/năm, thu hút khoảng 1.200 lượt người đến học. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, suốt đời, được phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống.

Theo ông Hải, trung tâm được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm gồm một Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc, một cán bộ quản lý trường học trên địa bàn và công chức văn hóa xã kiêm Phó Giám đốc. Ngoài ra, có một giáo viên biệt phái tham gia các hoạt động của trung tâm. Việc cử giáo viên biệt phái đã giúp trung tâm hoạt động tốt thuận lợi hơn, nhất là trong việc mở các lớp học cho người dân.

Để cán bộ, giáo viên biệt phái yên tâm công tác, phòng GD&ĐT huyện thường xuyên tổ chức họp mặt để phổ biến các văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên biệt phái theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị những kiến thức cơ bản về điều hành, quản lý.

Đặc biệt, tại các TTHTCĐ, nhiều giáo viên biệt phái đã có những sáng kiến, chủ động, sáng tạo hơn trong công tác, tổ chức điều tra nhu cầu học tập của người dân, nhất là những lao động nghèo không có điều kiện đến trường và rất ít cơ hội học tập. Từ đó, xây dựng những kế hoạch, tổ chức triển khai, thực hiện tại các thôn, xóm trên địa bàn một cách hiệu quả.

Tủ sách của trung tâm học tập cộng đồng xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Tủ sách của trung tâm học tập cộng đồng xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Dạy học trong môi trường mới

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2001, TTHTCĐ xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) luôn tổ chức các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trung bình mỗi năm, trung tâm mở khoảng 60 lớp học, chuyên đề, tập huấn, thuộc 5 nhóm nội dung, thu hút khoảng 7.000 lượt người tham gia.

Nhờ có giáo viên biệt phái, các hoạt động của trung tâm được đánh giá cao và thiết thực hơn đối với người dân. Hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch được nâng lên. Trong tổ chức thực hiện đã huy động được sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, phòng ban của huyện, đoàn thể xã tham gia vào các hoạt động của TTHTCĐ.

Thầy Lê Văn Vệ - giáo viên biệt phái của Trường THCS Hòa Lộc cho biết: Hàng ngày, tôi xuống các thôn tuyên truyền cho mọi người, mọi nhà hiểu biết cụ thể, cặn kẽ về trung tâm và hoạt động của TTHTCĐ. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân để tham mưu cho ban giám đốc trung tâm phối hợp với ban, ngành liên quan mở lớp học, xây dựng kế hoạch hoạt động, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” của người dân.

Cô Vũ Thị Toan - giáo viên Trường THCS Yên Đức (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) tâm sự: Được nhận công tác biệt phái về TTHTCĐ xã Yên Đức, một công việc mới mẻ, mặc dù cũng chỉ là “dạy - học” nhưng ở một môi trường mới, khái niệm công việc không phải ai cũng hiểu và định hình hết được về nó. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của giáo viên.

Nhờ sự năng động, sáng tạo của giáo viên biệt phái, TT THTCĐ của xã đã đi vào hoạt động có nền nếp hơn. Một vài hoạt động trước đây được coi là của các tổ chức đoàn thể thì nay mọi người hiểu chỉ đến với TT HTCĐ mới có được. Các lãnh đạo địa phương có nhận thức và phối hợp chỉ đạo rõ nét hơn đối với hoạt động của trung tâm.

Bên cạnh đó, giáo viên biệt phái được coi là thành viên của UBND xã nên mọi việc đã có sự kết nối chặt chẽ hơn. Người học coi giáo viên biệt phái là linh hồn của các lớp học nên việc giảng dạy có nhiều thuận lợi. TT HTCĐ thực sự là nơi gắn bó với bà con nông dân, nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao dân sinh, dân trí, hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới.

Giáo viên cần hiểu TT HTCĐ thực sự là tổ chức giáo dục đi đến tận người dân đặc biệt là người lao động không có điều kiện tới trường chính quy và những người nghèo, người ít có cơ hội học tập. Không có TT HTCĐ trên địa bàn xã thì không nói đến việc thực hiện khẩu hiệu:  “Ai cũng được học tập”, “không học tập suốt đời không thể xây dựng thành công xã hội học tập”. - Cô Vũ Thị Toan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.