Bồi dưỡng giáo viên qua mạng: “Giữ lửa” nghề

GD&TĐ - Học tập qua mạng (e-learning) là hình thức học tập có nhiều thuận lợi đối với người học. Việc lựa chọn hình thức bồi dưỡng có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực của nhà giáo trong quá trình đổi mới chương trình GDPT.

Bồi dưỡng GV qua mạng - xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập.	Ảnh: INT
Bồi dưỡng GV qua mạng - xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Ảnh: INT

Nền tảng của một xã hội học tập

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện nay, trên thế giới, công tác bồi dưỡng GV được tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau. Nghiên cứu của Darling-Hammond và cộng sự (năm 2009) cũng chỉ ra nhiều hình thức bồi dưỡng GV như hội thảo - tập huấn, tham quan trường lớp, hướng dẫn đồng nghiệp, nghiên cứu, dự giờ đồng nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hơn 90% các khóa bồi dưỡng GV được tiến hành theo hình thức hội thảo - tập huấn. 63% công tác phát triển chuyên môn của GV là dự giờ - đánh giá. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, GV cần ít nhất 50 giờ được hướng dẫn, thực tập và hỗ trợ thực hành trước khi có thể làm chủ được một phương pháp mới và triển khai được trong lớp học.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, bồi dưỡng GV theo hình thức qua mạng sẽ là một lựa chọn hợp lí. Tập huấn GV theo e-learning với hình thức học kết hợp, học đảo chiều chính là bảo đảm các tiêu chí học tập: Vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí... 

Hơn 90% các khóa bồi dưỡng GV được tiến hành theo hình thức hội thảo - tập huấn
 Hơn 90% các khóa bồi dưỡng GV được tiến hành theo hình thức hội thảo - tập huấn

Tiếp cận nguồn học liệu mở

Trước yêu cầu đổi mới đặt ra đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng GV, Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT về quy chế bồi dưỡng GV, trong đó đưa ra 3 hình thức bồi dưỡng: Trực tiếp; qua mạng và kết hợp trực tiếp và qua mạng. Thông tư 26 quy định, hàng năm giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục sẽ tổng hợp và triển khai bồi dưỡng.

Là những người đứng trên bục giảng, trước yêu cầu nâng chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng Chương trình GDPT mới, thầy cô trực tiếp giảng dạy dành nhiều kỳ vọng vào hình thức bồi dưỡng, tập huấn ứng dụng e-learning.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng: Một trong những điểm yếu của giáo viên hiện nay chính là sự thụ động và ngại thay đổi. Nhiều giáo viên trình độ công nghệ thông tin còn yếu khiến cho tiếp cận các thông tin và kiến thức giáo dục trên Internet chậm. Cô Tuyết kỳ vọng chương trình bồi dưỡng thường xuyên ngay tại chỗ bằng nguồn học liệu mở trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) là biện pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng dạy học.

Theo cô Tuyết, nên có một kênh, trang online để mọi giáo viên, cán bộ quản lý vào học; có hình thức kiểm tra đánh giá xem có thực hiện theo chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học hay không. Cũng nên có trang web chuyên về nội dung đổi mới với danh sách cụ thể cho giáo viên từng trường. Từng cá nhân phải ghi chú lại những đổi mới mình thực hiện được, kèm minh chứng.

Cơ hội tiếp cận kiến thức mới

Đề cao vai trò ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng GV, cô Nguyễn Thị Thủy, Trường Tiểu học Quảng Thọ (Thanh Hóa) cho biết: Thời đại CNTT 4.0 vừa là thách thức cũng là cơ hội của thầy cô. Cô Thủy thực sự mong muốn bồi dưỡng thường xuyên qua mạng, bồi dưỡng thường xuyên liên tục ngay tại chỗ bằng nguồn lực CNTT. 

Trong bối cảnh nền GD-ĐT đang đổi mới toàn diện, căn bản đòi hỏi người thầy phải tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục trong suốt sự nghiệp nhằm chuyển từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát huy tối đa khả năng của học sinh. Bồi dưỡng GV theo hình thức qua mạng sẽ là một lựa chọn hợp lí.

Trong thời gian qua, nhiều sở GD&ĐT đã chủ động ứng dụng CNTT trong việc quản lý kết quả công tác bồi dưỡng. Ví dụ như Sở GD&ĐT Nghệ An đã chủ động xây dựng phần mềm quản lý kết quả bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến tích hợp với quản lý chuẩn nghề nghiệp. Hệ thống cho phép các trường tự đăng nhập và tự nhập kết quả bồi dưỡng một cách dễ dàng, giảm được nhiều thời gian và công sức của các trường, thuận tiện cho công tác quản lý, đánh giá độ chính xác của các kết quả này.

Theo TS Đinh Tuấn Long, Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Học liệu, Viện ĐH Mở Hà Nội, việc ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên GV phổ thông, MN và GDTX là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của đổi mới GD. Đây cũng là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Việc xây dựng kịch bản dạy học, lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp cho một khóa bồi dưỡng e-learning có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của khóa học, bởi có một sự khác biệt rất lớn đối với bài giảng trực tiếp và bài hướng dẫn học qua mạng. Trong quá trình hướng dẫn học, các báo cáo viên cần phải đánh giá hết sức khách quan, biết cách kích thích sự nhiệt tình của học viên qua những nhận xét, bình luận”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ