Nhà giáo đi B “bật mí” bí mật về lớp học đặc biệt trong tù

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2019, Nhà giáo đi B Trần Nguyên Phò đã chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại về những ký ức đau thương nhưng rất đõi oanh liệt của những năm tháng đi B.

"Chuồng cọp kẽm gai" tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc - nơi Nhà giáo Trần Nguyên Phò từng bị giam giữ. Ảnh/internet
"Chuồng cọp kẽm gai" tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc - nơi Nhà giáo Trần Nguyên Phò từng bị giam giữ. Ảnh/internet

Bị địch giam cầm nhưng quyết không khai

Mặc dù địch bắt được cả giấy tờ hai chúng tôi là giáo viên, nhưng chúng không tin, nghi là sĩ quan đặc công thủy huấn luyện cho bộ đội Bến Tre vì trên sông Cổ Chiên và Hàm Luông mấy tầu của chúng mới bị ta đánh chìm, nên ra sức đánh đập, khai thác hai chúng tôi.

Không khai thác được gì chúng đưa hai chúng tôi về Sài Gòn - Trung tâm thẩm vấn Việt Mỹ - cũng không khai thác được gì nên giữa tháng 12/1969 chúng đưa hai chúng tôi về trại giam Cần Thơ.

Tập trung đi B tháng 9/1965, lên đường vào Nam ngày 5/1/1966, tới Ông Cụ, nhà giáo Trần Nguyên Phò – nguyên Trưởng phòng hành chính Quản trị Tiểu ban văn nghệ (B2) Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được phân công về làm Trưởng phòng hành chính quản trị Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam Việt Nam (B2). Ông kể: 

Trước Mậu Thân đợt 1 chừng 2 tháng tôi lại được gọi về Tiểu ban giáo dục Miền Nam (B3). Đầu đợt 2 Mậu Thân, tôi và anh Ba Nam được điều động chi viện cho Đài Phát thanh Giải phóng (B5) viết bài về đồng bằng Nam Bộ, chủ yếu quốc lộ 4.

Tin của đài BBC và ngụy Sài Gòn nói rất ít về nơi này, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Cho nên trên dưới 20 ngày chúng tôi chỉ viết được 3, 4 bài. Sau đó chiến sự êm dần, hai chúng tôi được trả về B3...

Nhớ lại trận càn Giăng sơn Xy ty.... Các anh lãnh đạo B2: Huỳnh Minh Siêng, Giang Nam ... và các anh chuyên môn: nhạc sĩ Hoàng Việt, đạo diễn Ngô Y Linh, nhà văn Anh Đức ... và bộ phận hậu cần đều đã lánh sang Căm pu chia trước khi chiến sự xẩy ra.

Tôi, Bí thư chi bộ, chính trị viên đội bảo vệ và 4 chiến sĩ tự vệ ở lại cơ quan. Khi chiến sự nổ ra, mình tôi ở trong cơ quan, 4 chiến sĩ ở vòng ngoài.

Nhà giáo đi B Trần Nguyên Phò

Tôi và anh Lý Minh Văn - Sáu Văn - (Lý Hữu Tấn, cán bộ giảng dạy văn học dân gian trường Đại học sư phạm Hà Nội) đi B năm 1964, công tác ở B10 (diện ảnh) có viết bài về “Củ Chi đất thép anh hùng ” hiện nay vẫn sử dụng. Nếu thăm địa đạo Củ Chi ta sẽ được xem phim và nghe bài thuyết minh này...

Anh Văn cũng trở về B3 sau tôi chừng 1 tháng và cả 2 chúng tôi được đi thực tế ở Bến Tre từ cuối năm 1968. Tôi là chi ủy viên nên được làm trưởng đoàn...

Năm 1969, địch đẩy mạnh binh định nông thôn, chà sát, càn quét thường xuyên, nên tình hình giáo dục hầu hết chững lại, trường lớp không hoạt động được; do vậy hai chúng tôi làm công tác dân vận là chủ yếu. Chúng tôi bám sát ban tuyên giáo của huyện Mỏ Cày để được làm việc...

Khoảng 10/9/1969, thời gian đi thực tế đã hết, tiền tạm ứng đã cạn, hai chúng tôi tạm biệt Bến Tre trở về căn cứ. Giao liên đưa chúng tôi đến trạm đóng ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để chuẩn bị vượt sông Cửu Long sang Mỹ Tho.

Thời gian này Mỹ Ngụy thường chà sát, càn quét... Trên sông Cửu Long chúng tăng cường tàu kiểm tra nên ta rất khó băng vượt qua kể cả ngày cũng như đêm. Chúng tôi đã ở trạm giao liên Phú Đức gần một tuần mà không thể nào qua sông được...

Sáng ngày 21/9/1969 địch càn vào xã Phú Đức. Trạm đưa tôi và anh Sáu Văn xuống hầm bí mật. Mỗi người 1 hầm, bị chúng khui. Sau này khi về trại giam Cần Thơ gặp 2 đồng chí bộ đội cùng bị bắt, tôi mới biết trong trạm có kẻ chiêu hồi dẫn địch về đánh trạm. Chúng dẫn 2 chúng tôi về tạm giam ở nhà tù Bến Tre một đêm, sáng hôm sau đưa về Mỹ Tho.

Mở lớp học trong tù

Giấy lấy từ các tông ngâm nước rồi bóc ra, “là” đi cho phẳng, nhẵn. Bút cắt từ tôn hay cán cà mèn làm ngòi, mực là đá non (son) hay mật cá mực...Hằng tuần, quân cảnh vào kiểm tra các phòng tìm kiếm vật bén nhọn và hầm vượt ngục, nên những dụng cụ học tập phải làm hầm chôn dấu...

Chúng tôi tìm hiểu anh em bộ đội Miền Bắc bị bắt giam ở đây biết được các anh đã thành lập chi bộ, chúng tôi xin tham gia sinh hoạt, ở đây tôi gặp thượng tá Trần Văn Trân, sư trưởng sư 1, bị giặc phục kích bắt ở An Giang (cùng với 2 chiến sĩ) khai với chúng là Nguyễn Văn Thương thượng sĩ y tá đường dây nấu cao khỉ.

Anh Ba Thương bàn với tôi nên có cách gì nói chuyện động viên anh em giữ vững tinh thần, khí tiết. Tôi trình bày với anh Ba nói về Truyện Kiều lồng vào nói về giữ vững tinh thần... , được anh nhất trí.

Thế là từ đó cứ 5 giờ chiều tập trung nghe tôi kể Truyện Kiều đến 5 giờ rưỡi... Đầu tháng 2/1970 địch đưa chúng tôi ra trại giam Phú Quốc. Anh Ba bị thương ở chân, phần mềm nhưng luôn chống tó, nên địch không đưa đi Phú Quốc mà sau đó đưa đi giam ở Biên Hòa.

Chừng 2 tháng sau ở trại giam Phú Quốc, tìm hiểu anh em muốn học văn hóa, nên tôi tổ chức cho anh em học môn văn cấp 3. Tôi mở 2 lớp, một cho anh em ở Cần Thơ ra đảo với tôi, một lớp cho anh em đồng hương Thái Bình. Thời gian sau, thường vụ Đảng ủy bổ sung tôi vào Đảng ủy phụ trách tuyên huấn.

Tôi tiếp tục mở thêm 4 lớp: “lớp tiểu giáo viên” là những người đã tốt nghiệp lớp 10 để anh em về dạy cho các bạn, lớp chi bộ, lớp đảng ủy, lớp cùng phòng...

Tôi viết tài liệu văn học cấp 3 để anh em có tài liệu học tập... Mỗi lớp có 8, 9 người, học trong Vi giờ vào các thời điểm: Sáng, trước điểm danh, sau điểm danh, 9 giờ, trước khi ăn cơm trưa; chiều, lúc 2 giờ, trước điểm danh.

Học viên và giáo viên ngồi chung quanh bàn cờ tướng, cử người canh gác, giám thị vào là báo ngay, chuyển sang đánh cờ. Địch cấm học văn hóa vì chúng cho rằng tụ tập bàn cách chống “tiêu lệnh” trại giam và trốn trại (vượt ngục)! Nếu bắt được đang học sẽ mang đi đánh đập, tra tấn. Anh Sáu Văn dạy học bị giám thị bắt được đã “đục” lấy đi ở hai bàn tay 6 móng tay...

Giữ vững khí tiết

Trại giam tù binh Phú Quốc tồn tại chưa đầy 6 năm (7/1967 đến 3/1973) đã có 4000 người chết , hàng nghìn người bị thương tích do đánh đập, tra tấn, đầy đọa dã man, bỏ đói, nổ súng thẳng vào trại giam, nhưng có thể nói rất ít trường hợp như tôi.

Trong các ngày lễ lớn đều có bài giảng văn: Mừng tết nguyên đán phân tích các bài thơ chúc tết của Bác, “Bài ca mùa xuân 61” của Tố Hữu; kỷ niệm thành lập Đảng giảng trích đoạn “30 năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu...

Các tiểu giáo viên đều do đảng ủy hoặc hội đồng hương tỉnh giới thiệu, nên chính họ là “cánh tay nối dài” của đảng ủy trong công tác tuyên huân. Ngoài dạy văn, tôi còn phổ biến các loại thơ và hướng dẫn anh em sáng tác thơ...

Khoảng cuối 1970, một anh ở Tiền Hải (Thái Bình, cùng quê với tôi) cắt vách tôn để gò làm đồ đựng thức ăn, không canh gác bị giám thị bắt được, chúng cho là phá hoại tài sản, đưa lên trưởng khu giam.

Chúng đánh đập, tra khảo, anh khai tôi là giáo sư đại học, thường xuyên khuyên bảo anh em giữ vững khí tiết...Chúng bắt tôi đánh đập tra khảo về tội “sách động chính trị” tôi không nhận.

Khoảng tháng 8/1972, tôi một lần nữa bị bắt đưa lên cấp cao hơn - ban chỉ huy trại giam. Chúng đánh đập, tra điện chúng tôi chỉ nhận là lượm được ở hàng rào kẽm gai mẩu báo về làm giấy vấn thuốc hút. Chúng cho là hợp lý nên hoàn thành hồ sơ, chuyển mỗi người sang phân khu giam khác nhau.

Tôi bị tù đã hơn 3 năm, sức khỏe giảm sút nhiều, bị quay điện nên say sẩm, chóng mặt quay cuồng không dám mở mắt. Anh em chăm sóc bồi dưỡng hằng tháng mới trở lại bình thường. Tôi lại tiếp tục dạy học ...

Bị giam giữ đã khổ lại còn 2 lần bị đưa đi đánh đập, khai thác, chuồng cọp, két xô, tra điện. Thời gian bị tù tôi có sáng tác 1 tập thơ trong đó có “Bài ca khí tiết” được nhiều anh em thuộc; nhiều quận huyện và thành phô" Hồ Chí Minh sau này in trong tập kỷ yếu của mình!...

Nhớ lại cuối năm 1967, Mặt trận dân tộc giải phóng có ra hiệu triệu “Tiến vào Đông xuân”. Tiểu ban văn nghệ trung ương (B2) có phát động “diễn ca” lời hiệu triệu này. Nhiều bài ở các nơi gửi về. Tôi cũng có viết một bài được Đài phát thanh Giải phóng chọn ca bài chòi trên đài.

Bị địch bắt giam giữ gần 4 năm, sau Hiệp định Paris tôi được trao trả ở Thạch Hãn (Quảng Trị), an dưỡng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), sau đó lại được trở về trường Phổ thông cấp 3 Thái Phiên (Hải Phòng).

Giữa tháng 4, gần hết năm học 1974 -1975 , tôi được anh Nguyễn Hữu Dụng, trưởng tiểu ban Giáo dục (B3) từ Miền Nam ra Bắc, rồi trở về Miền Nam điều động tôi vào Miền Nam đi bằng máy bay ngày 6/5/1975, công tác tổng hợp của Bộ, sau đó tôi về công tác ở TPHCM.

Đến tháng 12/1988, nghỉ hưu, tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu giáo chức TP HCM hai nhiệm kỳ; Ủy viên thường trực Ban liên lạc tù binh Việt Nam...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ