Nhà chùa cưu mang trẻ em Khmer nghèo

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều trẻ em trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt với áp lực sinh kế gia đình nên dẫn đến nguy cơ bỏ học giữa chừng. Để giúp các em được tiếp tục đến trường, chùa Lakhanwong hay còn gọi là chùa Xung Thum (ấp Xung Thum A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã mở rộng vòng tay cưu mang.

Các em được các sư dạy chữ trong dịp hè
Các em được các sư dạy chữ trong dịp hè

Mở rộng vòng tay với trẻ cơ nhỡ

Ngôi chùa nằm sâu trong phum sóc của cộng đồng người Khmer ở xã Lai Hòa. Đường đi vào chùa khá gập ghềnh nhưng lại trải ra cuộc đời bằng phẳng cho nhiều trẻ em sinh sống chung quanh đó. Suốt 2 năm qua, người ta biết đến chùa nhiều hơn qua những hoạt động cưu mang trẻ nghèo.

Sư Na Vông cho biết: “Nhiều gia đình ở đây có điều kiện sống khó khăn buộc phải đến những nơi khác mưu sinh, con cái gởi lại ông bà, việc lo cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Nhà chùa cũng đã thấy được éo le đó nên quyết tâm nhận đỡ đầu cho nhiều em nhỏ trong độ tuổi còn đi học, vừa giúp các em được học tiếng Việt vừa tạo điều kiện các em thực hiện phong tục tập quán của người Khmer”.

Năm 2016, nhà chùa đã giúp trên 20 em trong độ tuổi từ 12 đến 15, trong đó có khoảng 15 em tích cực theo học văn hóa ở trường. Năm 2017 thì có khoảng 25 em từ 9 đến 15 tuổi. Gia đình các em ở gần chùa nhưng do hoàn cảnh khó khăn, người thân mong muốn gởi các em tại chùa để được đi học và rèn đạo đức.

Trẻ được nhận vào chùa hầu hết có gia cảnh khó khăn, cha mẹ đi kiếm sống ở địa phương khác, thậm chí có những em mồ côi phải ở với ông bà. Kinh tế chật vật khiến trẻ mất dần cơ hội được học chữ, mất dần cơ hội thực hiện ước mơ đổi đời.

Sư Na Vông bày tỏ: “Nhà chùa không phân biệt giàu hay nghèo, không phân biệt dân tộc nên cố gắng nhận nuôi tất cả những trẻ khó khăn về vật chất và trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em.

Chùa cố gắng xây dựng nơi ở khang trang cho trẻ, thường xuyên động viên trẻ chăm chỉ học hành để lớn lên phụ giúp gia đình”. Trẻ đến ở trong chùa vừa có thể nghe thuyết pháp vừa có thể được bổn tự cưu mang.

Em Đào Minh Thảo - học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Lai Hòa 2, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: “Mẹ em đi lên thành phố tìm việc làm khác, hai cha con em ở nhà chăn bò, cuộc sống khó khăn lắm. Khi được vào chùa sống chung với các bạn khác em thấy rất thích, được đi học được sư quan tâm động viên nhiều. Sau giờ học, mỗi khi rảnh em quét sân phụ giúp các sư”.

Theo năm tháng, nhà chùa lại đón nhận trẻ nhiều hơn, độ tuổi dao động lớn hơn. Với tinh thần từ bi bác ái, dù khó khăn nhưng các sư không nản lòng và mở rộng vòng tay cưu mang giúp đỡ.

Mong muốn các em thành người có ích

Từ những đóng góp của phật tử và sự tương trợ, đoàn kết của cộng đồng dân tộc Khmer ở Vĩnh Châu, nhiều trẻ nghèo đã có cơ hội tìm đến con chữ nhờ sự cưu mang của chùa Xung Thum.

Các em được đảm bảo quyền lợi học tập và định hướng con đường đi cho chính mình. Và nhà chùa trở thành ngôi nhà thứ hai cho trẻ. Có trẻ rất nghịch ngợm nhưng từ khi bước chân tới chùa, đã ngoan hơn cũng như thể hiện lòng kính trọng đối với nhà sư.

Ngôi chùa sinh hoạt theo Phật giáo Nam tông Khmer nên các em được ăn mặn, mỗi ngày ba bữa. Những khoảng đất trống, nhà sư trồng thêm rau xanh cung cấp cho bếp ăn của trẻ, thay đổi món giúp trẻ ăn ngon.

Chỗ ở của các em được bố trí như kí túc xá, 4 giường tầng, mỗi phòng 8 em. Sau Tết đón năm mới cổ truyền của người Khmer cũng là thời điểm các em được đón nhận vào chùa. Những trẻ muốn được học văn hóa, tới đầu mỗi năm học nhà chùa lại sắm sửa tập sách, quần áo đồng phục, xe đạp.

Hàng ngày tới giờ đi học các em được phát thêm tiền ăn quà vặt. Nhà chùa quan tâm sâu sát việc học hành của các em trong việc dạy chữ Khmer và dạy kèm tiếng Việt, và cũng thường liên hệ với thầy cô giáo để nắm rõ tình hình học tập của các em hơn.

Thời gian hè, trẻ được tham gia những lớp học tiếng Khmer do chính những nhà sư của chùa giảng dạy. Tuy sống giữa cộng đồng người Khmer nhưng các em chỉ thành thạo tiếng nói, còn chữ viết rất hạn chế.

Đặc biệt đây là địa phương có dạy bộ môn Khmer Ngữ nên việc học tập bồi dưỡng tiếng Khmer là việc làm cần thiết để giữ bản sắc văn hóa dân tộc và giúp các em học tốt môn học ở trường phổ thông.

Sư Na Vông chia sẻ: “Trẻ vào đây được rèn luyện ý thức ngăn nắp, tập tính nghiêm túc trong học tập, xây dựng nề nếp, có lối sống lành mạnh, sống chan hòa với những bậc thầy lớn tuổi và bạn bè ở chung. Các em đến chùa được nhà chùa lo lắng nên mọi công việc nặng nhọc không phải làm. Mỗi khi rảnh các em tranh thủ làm công quả như quét sân, quét dọn trong nhà. Nhà chùa để các em tự ý thức được công việc của mình. Những em có nhu cầu học văn hóa cao hơn nữa, nhà chùa trong khả năng vẫn nuôi ăn học mãi mãi để mong sao các em trưởng thành thành người hữu ích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.